Việc chọn lọc thông tin đưa vào CV là tùy thuộc vào bạn, tuy nhiên hãy sử dụng những điều có ích để giúp bạn tạo lợi thế khi bước vào vòng phỏng vấn. Hãy nhớ rằng CV là một tuyên bố cá nhân, đây là một thông tin quảng bá cá nhân và nó cần được thể hiện một cách chuyên nghiệp trong nội dung và hình thức trình bày.
Viết CV là cả một nghệ thuật khởi đầu để làm nổi bật bản thân và chinh phục trái tim khách hàng –nhà tuyển dụng, giúp bạn giành lấy chiếc vé cho buổi gặp gỡ phỏng vấn trực tiếp.
Các thông tin quan trọng bao gồm mục tiêu nghề nghiệp của bạn, kinh nghiệm làm việc, các kỹ năng nổi trội. Hãy kết hợp thông tin đó để giúp bản thân nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng, những người có thể giúp bạn đạt được mục tiêu nghề nghiệp của mình. Hãy suy nghĩ về nó theo hướng này: “Nếu bạn đã có một cơ hội cuối cùng để tiếp thị bản thân với nhà tuyển dụng, bạn sẽ nói gì?”.
Dưới đây là một số ý tưởng để giúp bạn tạo lợi thế cho mình:
Tóm tắt trình độ chuyên môn
Bạn có thể sử dụng phần thông tin giới thiệu để tóm tắt về bằng cấp hoặc hồ sơ nghề nghiệp. Trong hồ sơ, nên bao gồm tên khoá học, thời gian, địa điểm của các khoá đào tạo cũng như bằng cấp sau đại học của mình. Nên bắt đầu với những khoá học liên quan nhất đến công việc ứng tuyển. Nếu bạn biết nhiều hơn một ngôn ngữ, nhớ đề cập trình độ của mình.
Danh sách giải thưởng, chứng nhận
Bạn nên đính kèm hồ sơ của mình bằng chứng về kinh nghiệm, thành tích trước đây bằng một danh sách các giải thưởng, danh hiệu hoặc chứng nhận. Nhấn mạnh những thành tựu nổi bật của bạn liên quan đến công việc đang ứng tuyển. Sử dụng con số, phần trăm hay thị phần càng nhiều càng tốt.
Thư giới thiệu
Bạn có những thư giới thiệu hoặc đánh giá tích cực về hiệu suất công việc của bạn? Thư này có thể được viết bởi người quản lý bạn trong công ty bạn vừa mới nghỉ việc hay cũng có thể được viết bởi người cấp trên của của bạn trong công tác Đoàn Hội, hay chính là giáo viên bộ môn mà môn đó bạn học xuất sắc. Nếu vậy, hãy bổ sung các trích đoạn hay vào hồ sơ của bạn của bạn. Phần này chắc chắn sẽ là một lợi thế của bạn so với các ứng viên khác.
Kỹ năng nói trước công chúng
Với hầu hết các nhóm công việc hiện đại, thì bất cứ khi nào chúng ta mong muốn trình bày kế hoạch, nói chuyện trước đám đông, kỹ năng thuyết trình cũng là một kỹ năng mấu chốt cần có. Vì vậy, nói trước đám đông là một kỹ năng mà có thể ghi điểm đối với nhiều ngành nghề. Bạn có thể tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng tiềm năng bằng cách bổ sung một danh sách các buổi nói chuyện trước đám đông, chẳng hạn như bài phát biểu quan trọng, thuyết trình hội thảo và làm MC.
Kinh nghiệm làm việc
Đây là phần cực kỳ quan trọng trong bất cứ bản CV nào, của bất cứ ai mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng quan tâm nhất. Họ cần biết bạn đã làm việc ở đâu, bạn có những khả năng gì, bạn có thể làm được gì ở công ty cũ và bạn đã học được gì ở đó. Tuy nhiên, hãy chọn lọc những thông tin nổi bật, các kinh nghiệm có liên quan đến công việc đan ứng tuyển. Đồng thời, bạn có thể làm nổi bật những điều bạn đã học được, những thành tích trong quá trình làm việc.
Mục tiêu nghề nghiệp
Mục tiêu nghề nghiệp được coi là yếu tố quan trọng thứ hai trong CV sau kinh nghiệm làm việc. Một CV xin việc không có mục tiêu nghề nghiệp cụ thể giống như bạn sống không có ước mơ, không có hoài bão. Hãy tập trung vào những thành tựu, kỹ năng, kiến thức mà bạn mong muốn đạt được trong quá trình làm việc hay những vị trí nhất định.
Sở thích
Hãy thoải mái đưa ra sở thích cá nhân của mình, bởi nó nói lên rất nhiều về con người bạn và thậm chí, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá xem bạn có phù hợp với văn hoá công ty hay không. Một ứng viên chuyên nghiệp là người luôn biết cách làm nổi bật bản thân qua những hoạt động yêu thích. Bên cạnh đó, nếu những sở thích bạn liệt kê trong CV có liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển, chắc chắn đó sẽ là điểm cộng cho bạn so với những ứng viên khác đó.
Bỏ qua những thông tin ngoài lề
Bạn nên bỏ qua những thông tin cá nhân như tình trạng hôn nhân, số trẻ em,… Ngoài ra, bạn cũng không nên đề cập sở thích liên quan đến những vấn đề như rượu, bia, thuốc lá. Mạng xã hội như Facebook cũng được khuyên không nên đề cập đến, nó gây xao lãng trong công việc, và nhà tuyển dụng không thích điều này.
Phương Thảo