Cách viết CV chuẩn cho người kiếm việc

Bộ hồ sơ ứng tuyển là “tiếng nói” đầu tiên giúp các ứng viên tiếp cận đến nhà tuyển dụng, đặc biệt là Curriculum Vitae (hay còn gọi tắt là CV). CV không phải một bản sơ yếu lý lịch thông thường mà được xem như một “mẫu quảng cáo”, tóm tắt thông tin chi tiết về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng công việc… của bạn.

Bất kỳ ứng viên nào khi tìm kiếm việc làm cũng nên chuẩn bị CV thật kỹ, trau chuốt cả về nội dung lẫn hình thức để ghi điểm với nhà tuyển dụng. Thực tế có rất nhiều ứng viên bị loại ngay từ vòng đầu tiên khi xét duyệt CV do thiếu kỹ năng trình bày, chưa biết cách viết CV sao cho đạt chuẩn. CareerLink.vn xin chia sẻ một số kĩ năng khi viết CV xin việc để có cơ hội tìm được công việc trong mơ.

Trình bày CV ra sao?

Một bản CV với những thông tin quan trọng và nổi bật vẫn có thể khiến bạn bị loại nếu không biết cách trình bày khoa học và thẩm mỹ. Bạn có thể tham khảo các mẫu CV trên mạng, chỉnh sửa sáng tạo theo phong cách cá nhân và nên nhớ không sử dụng nguyên mẫu vì rất nhiều ứng viên có cách trình bày giống nhau sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá thấp về bản CV của bạn.

Nội dung cần súc tích, ngắn gọn, từ ngữ dễ hiểu và thể hiện được bạn đang có những gì trong tay. Chẳng ai muốn đọc thông tin miêu tả sản phẩm quá chi tiết mà không đề cập đến chất lượng hay tính năng sử dụng nổi bật. Chính vì thế hãy biết chắt lọc những gì thực sự quan trọng.

CV chuẩn cần có những gì?

Nên nhớ, bạn chỉ có một cơ hội để “quảng cáo” bản thân mình thông qua bản CV trước nhà tuyển dụng. Một bản CV chuẩn nên có những thông tin dưới đây:

1.Thông tin cá nhân

Phần thông tin cá nhân cần có: tên, số điện thoại, email, địa chỉ cá nhân nơi bạn đang sinh sống, link mạng xã hội cá nhân, một ảnh thẻ chân dung. Những thông tin này cần được rà soát thật kỹ và nên được đặt đầu trang. Khi nhà tuyển dụng muốn hẹn trao đổi với bạn, họ sẽ tìm kiếm dễ dàng hơn. Ngoài ra, bạn không cần phải liệt kê quá chi tiết về tiểu sử của bản thân hay mối quan hệ với các thành viên trong gia đình của mình.

2.Mục tiêu nghề nghiệp

Trong công việc hay trong cuộc sống, bạn cần đề ra mục tiêu để chinh phục đích đến. Ngay cả trong CV bạn cũng cần nêu lên mục tiêu về nghề nghiệp để thuyết phục nhà tuyển dụng, thể hiện cho họ thấy tính cầu tiến trong công việc.

Mục tiêu nghề nghiệp cần viết ngắn gọn, theo sát với định hướng phát triển của công việc đang ứng tuyển. Bạn có thể nêu lên mục tiêu ngắn hạn hoặc dài hạn, nhưng tránh nêu chung chung hay không có định hướng công việc rõ ràng, nhà tuyển dụng sẽ không đánh giá cao những mục tiêu mơ hồ của ứng viên.

3.Học vấn

Tên trường bạn đã theo học ở trình độ cao nhất, ngành học và thời gian hoàn thành. Nếu bạn là sinh viên còn theo học thì ghi rõ năm học và năm sẽ tốt nghiệp. Còn đã ra trường rồi thì nên đề cập năm học – năm đã tốt nghiệp và chương trình học hiện tại (nếu có).

Trường hợp bạn không có bằng cấp gì nhưng đã tham gia những khóa học, hội thảo, huấn luyện có liên quan đến vị trí ứng tuyển thì nên liệt kê cụ thể trong CV. Những chương trình bạn từng trải qua có thể để lại ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng đấy.

4.Kinh nghiệm

Nhà tuyển dụng sẽ muốn biết bạn đã từng làm được gì trong quá khứ, căn cứ vào kinh nghiệm, họ sẽ đánh giá được khả năng thích nghi với công việc hiện tại. Ở đây không hẳn là kinh nghiệm về vị trí công việc hay kinh nghiệm chuyên môn. Có thể bạn chưa từng có kinh nghiệm gì về vị trí đang ứng tuyển nhưng thông qua những công việc khác hay kỹ năng liên quan, nhà tuyển dụng vẫn có thể đánh giá cao và chấp nhận mời bạn đến để phỏng vấn.

Có một số lỗi ở phần trình bày kinh nghiệm mà nhiều bạn hay mắc phải chính là liệt kê quá dài dòng. Chỉ nên nêu ra những công việc chính, phù hợp nhất với vị trí mà bạn tuyển dụng. Ngoài ra cần nêu rõ tên công ty, ngày tháng nhận việc và thôi việc… Như vậy nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao hơn.

5.Kỹ năng

Dựa vào kinh nghiệm, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được năng lực của bạn có phù hợp với vị trí cần tuyển hay không? Bên cạnh đó, kỹ năng sẽ giúp bạn cạnh tranh tốt hơn với những ứng viên khác. Xu hướng hiện nay các nhà tuyển dụng thường đề cao những ứng viên có kỹ năng nổi bật hơn. Vậy nên bạn đừng quên liệt kê những kỹ năng được xem là điểm mạnh của mình nhé. Chẳng hạn như kỹ năng photoshop, design, kỹ năng sử dụng các phần mềm máy tính,…

6.Tin học – ngoại ngữ

Các nhà tuyển dụng đều yêu cầu người lao động biết sử dụng tin học văn phòng. Nếu bạn thành thạo hơn mức cơ bản thì nên liệt kê để ghi điểm với nhà tuyển dụng. Thêm vào đó, việc thông thạo 2 ngoại ngữ cũng là một “điểm cộng” và có lợi thế cạnh tranh rất lớn trong thời đại hội nhập như hiện nay.

Những kỹ năng trên đều là những yếu tố quan trọng mà bạn cần lưu ý trong khi viết CV của mình. Hãy cập nhật thêm xu hướng viết cũng như phần mềm thiết kế để CV trở nên ấn tượng hơn. Một CV chuẩn, chất lượng chính là “giấy thông hành” giúp bạn có được công việc như ý. Chúc bạn thành công !

Như Vĩ

                                                                                                                                   

Sao chép thành công