Trợ giảng là gì? Các kỹ năng cần có của một trợ giảng

Bên cạnh sự hướng dẫn tận tâm của giảng viên thì trợ giảng cũng góp phần rất lớn vào việc hỗ trợ học viên. Có thể bạn đã nghe nói đến trợ giảng nhưng đã thực sự hiểu trợ giảng là gì, công việc cụ thể ra sao? Những thắc mắc này sẽ được giải đáp ngay sau đây. 

Trợ giảng là gì? 

“Trợ giảng (Teaching Assistant) là vị trí hỗ trợ giảng viên thuộc các cơ sở giáo dục Nhà nước và tư nhân trong sự nghiệp giảng dạy.”

Trợ giảng có thể là sinh viên đại học, vừa tốt nghiệp hoặc cán bộ giáo dục cần trau dồi thêm kỹ năng và kinh nghiệm giảng dạy. Đây là vị trí tạm thời để họ có thể trở thành giáo viên, giảng viên chính thức hoặc đảm trách các công việc khác trong lĩnh vực giáo dục. 

Công việc của trợ giảng là gì? 

Để hiểu rõ hơn về công việc trợ giảng, hãy tìm hiểu cụ thể từng nhiệm vụ của họ. Hỗ trợ các hoạt động giảng dạy

Trợ giảng có thể thay thế giáo viên đứng lớp để truyền tải kiến thức đến học viên. Bên cạnh đó, họ sẽ hướng dẫn và hỗ trợ các nhóm học tập trong trường hợp lớp cần chia thành các nhóm nhỏ để thảo luận, thực hành, thí nghiệm.

Quản lý lớp học

Ở vai trò trợ giảng, bạn sẽ có trách nhiệm quản lý lớp học và kiểm tra phòng học, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị cần thiết cho từng môn học. Trước khi buổi học bắt đầu, trợ giảng sẽ điểm danh học viên trong lớp, thu bài tập nếu có và sắp xếp lịch học. 

Chuẩn bị tài liệu cho giảng viên

Trợ giảng còn có nhiệm vụ chuẩn bị các tài liệu hoặc các slide thật hấp dẫn và bắt mắt nhằm thu hút học viên đến lớp. Ngoài ra, họ cũng đảm trách việc in và kiểm tra các thiết bị dùng trong phòng học để đảm bảo bài học diễn ra trơn tru nhất. 

Kiểm tra và chấm bài của học viên

Trợ giảng là người giúp học viên giải đáp các thắc mắc về bài học thay cho giáo viên. Nếu học viên cảm thấy khó hiểu về các bài giảng mới hay không biết cách làm một số bài tập thì trợ giảng cũng sẽ hỗ trợ họ. Nếu giảng viên giao bài tập về nhà cho học viên, trợ giảng sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra và chấm bài cho học viên. 

Nghiên cứu và nâng cao chất lượng giảng dạy

Tuy chỉ tham gia với vai phụ trong việc giảng dạy nhưng trợ giảng còn nghiên cứu bài giảng và phương pháp giảng dạy để nâng cao kết quả dạy và học. Nhà trường và trung tâm thường dựa vào kết quả nghiên cứu để đánh giá năng lực của trợ giảng nên nếu mục tiêu của bạn là làm việc trong ngành giáo dục thì đây là cơ hội để chứng minh năng lực. 

Tổ chức các hoạt động trên lớp và ngoại khóa

Để giúp lớp học có không khí sôi động và học viên dễ tiếp thu kiến thức hơn, trợ giảng sẽ tạo ra các trò chơi hay hoạt động thi đua có quà cho các nhóm. Các hoạt động này vẫn đảm bảo liên quan đến bài giảng của giảng viên nhằm khuyến khích học viên tham gia vào lớp học và nhớ bài nhanh hơn. Bên cạnh đó, trợ giảng còn tổ chức các buổi sinh nhật hay cắm trại bên ngoài sau khi đã được bên trung tâm đồng ý. 

Những tiêu chí tuyển trợ giảng 

Các tiêu chí tuyển dụng vị trí trợ giảng bao gồm: 

  • Có kiến thức cơ bản về môn học được phân công trợ giảng từ lý thuyết, thực hành, thí nghiệm và có hiểu biết tổng quát về các môn học có liên quan trong chuyên ngành đào tạo; 
  • Hiểu và thực hiện đúng mục tiêu, kế hoạch, nội dung của các môn học phụ trách trợ giảng, xác định thực tiễn và xu thế phát triển đào tạo, nghiên cứu của chuyên ngành ở trong và ngoài nước; 
  • Sử dụng tốt và an toàn các công cụ, thiết bị dạy học; 
  • Có khả năng áp dụng công nghệ thông tin và sử dụng ngoại ngữ trong việc trợ giảng.

Những kỹ năng cần có của một trợ giảng

Bạn đang tìm hiểu kỹ năng của trợ giảng là gì? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây.

Khả năng giao tiếp tốt

Đây là một trong những kỹ năng cần thiết vì trợ giảng đóng vai trò là cầu nối giữa giảng viên và học viên. Bạn cần nắm được mức độ tiếp thu và tình hình học tập của học viên để báo cho giảng viên, đây là lí do trợ giảng cần có khả năng giao tiếp dễ hiểu, đơn giản để có thể làm tốt vai trò cầu nối.

Kỹ năng quan sát và đánh giá

Nhiệm vụ của trợ giảng là quan sát và đánh giá học viên, giúp giảng viên đánh giá đúng năng lực của học viên cũng như nhìn ra các khó khăn họ đang gặp phải. Đánh giá chính xác điều này sẽ giúp giảng viên điều chỉnh cách giảng dạy cũng như nội dung bài giảng để tăng hiệu quả tiếp thu của các bạn học viên, từ đó đạt được kết quả học tập như mong đợi.

Kỹ năng quản lý và điều phối

Làm công việc trợ giảng, bạn thường sẽ phải có mặt sớm hơn cả giảng viên và học viên để chuẩn bị các công cụ học tập cần thiết cũng như điểm danh, giúp ổn định và quản lý lớp học. Nếu có điều bất ngờ xảy đến thì trợ giảng sẽ là người điều phối lớp học và xử lý tình huống trước tiên.

Qua bài viết này, mong rằng bạn đã hiểu trợ giảng là gì cũng như các kỹ năng cần có của một trợ giảng. Nếu bạn đang tìm công việc trợ giảng part time hoặc full time, hãy truy cập ngay CareerLink.vn để ứng tuyển nhé.

Thu Trang

Về Tác Giả

CareerLink

Sao chép thành công