Tiếp thị là gì? Các công cụ phổ biến trong tiếp thị

Khi nói đến việc định nghĩa tiếp thị hoặc trả lời “tiếp thị là gì”, một định nghĩa có thể không hữu ích vì tiếp thị là một phạm trù rộng lớn hơn, phức tạp hơn và cũng cao siêu rất nhiều. Tuy nhiên, về sơ lược tiếp thị là các hành động mà một doanh nghiệp thực hiện để thu hút khách hàng đến với các sản phẩm hoặc dịch vụ của họ bằng cách sử dụng thông điệp ấn tượng.

Hãy cùng đi sâu hơn để tìm hiểu về thuật ngữ này nhé.

Tiếp thị là gì?

Tiếp thị hay còn gọi là Marketing là toàn bộ các quá trình nhằm mục đích xác định nhu cầu của khách hàng và tạo dựng mối quan hệ với khách hàng thông qua việc đưa ra các chính sách Marketing phù hợp để giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp và đưa các sản phẩm, dịch vụ đó đến gần hơn với người tiêu dùng.

Các chính sách tiếp thị về cơ bản gồm có 4P:

  • Product (sản phẩm)
  • Price (Giá cả)
  • Place (Kênh Phân phối)
  • Promotion (Xúc tiến thương mại)

Như vậy, có thể hiểu rằng tiếp thị chính là marketing hay nói rõ hơn thì tiếp thị là một cách gọi khác của nghề marketing.

“Tiếp thị là quá trình thu hút khách hàng tiềm năng hoặc khách hàng quan tâm đến sản phẩm và dịch vụ của bạn.”

Nhân viên tiếp thị là gì?         

Nhân viên tiếp thị là người quảng bá sản phẩm và dịch vụ của một tổ chức. Họ tìm ra các chiến lược có thể thúc đẩy doanh số bán hàng và doanh thu đồng thời đảm bảo các chiến lược này phù hợp với nhu cầu của khách hàng cũng như nhu cầu thị trường.

Tiếp thị là gì

Mục đích của việc tiếp thị là gì?

  • Quảng bá, giới thiệu các sản phẩm/ dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp (đặc biệt là các dòng sản phẩm mới) đến với đông đảo khách hàng;
  • Quảng bá hình ảnh/ thương hiệu của doanh nghiệp;
  • Tác động tích cực đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng, qua đó tăng doanh số và doanh thu bán hàng;
  • Thu thập, đo lường phản hồi của khách hàng về các sản phẩm/ dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp, từ dó đưa ra những cải tiến phù hợp để sản phẩm/ dịch vụ đáp ứng được thị hiếu của đại bộ phận khách hàng

Các công cụ phổ biến khi xây dựng chiến lược tiếp thị là gì?

Để hiểu rõ hơn về tiếp thị là gì, hãy xem qua các hình thức tiếp thị phổ biến hiện nay.

Tiếp thị trực tuyến (Digital Marketing hay Marketing online)

Digital Marketing là tất cả những hoạt động tiếp thị nhằm mục đích quảng bá các sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp đến với khách hàng diễn ra trên các kênh/ phương tiện Internet (tiếp thị trực tuyến). Digital Marketing tập trung chủ yếu vào các phương tiện truyền thông kỹ thuật số thay vì đa dạng các kênh như hình thức tiếp thị truyền thống.

Các hình thức Digital Marketing phổ biến bao gồm:

  • Website Marketing: Website là nơi cung cấp những thông tin chi tiết nhất về doanh nghiệp cũng như các sản phẩm/ dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Website marketing là các chiến lược nhằm mục đích quảng bá và thu hút người dùng truy cập vào website của doanh nghiệp.
  • Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO): Là quá trình tối ưu hóa cho website và giúp tăng thứ hạng của website trên các công cụ tìm kiếm phổ biến (Google, Youtube, Bing, …), được sử dụng để thu hút sự chú ý của những khách hàng đang tìm hiểu về những vấn đề liên quan đến các sản phẩm/ dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp.
  • Email Marketing: nói đơn giản chính là hình thức tiếp cận khách hàng thông qua email.
  • Marketing công cụ tìm kiếm PPC (pay-per-click): Thu hút khách hàng truy cập vào website thông qua các quảng cáo trả phí.
  • Social Marketing: Là các hình thức tiếp thị qua mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, LinkedIn… để tiếp cận và thu hút với khách hàng.
  • Content Marketing:Là toàn bộ nội dung, thông điệp quảng cáo được sử dụng trên các kênh/ phương tiện của Digital Marketing.
  • Video marketing: sáng tạo và đăng tải nội dung dưới dạng video trên các nền tảng như Facebook, Youtube, Tiktok… để tiếp cận người dùng.
  • Affiliate Marketing:Là hình thức hợp tác với các cá nhân (thường là reviewers) hoặc các hội nhóm khác để họ quảng bá sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp và nhận hoa hồng từ mỗi đơn hàng mà họ bán được.
  • Mobile Marketing:Là hình thức quảng cáo và tiếp cận khách hàng thông qua các ứng dụng di động như Google Play, App Store, Amazon Marketplace…
  • Quảng cáo:Là hình thức trả tiền để các sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp xuất hiện trên phương tiện truyền thông.
  • SMS Marketing: tiếp thị qua tin nhắn điện thoại.
  • Báo điện tử: quảng cáo thông qua các trang báo chí/ thông tin điện tử.

Tiếp thị truyền thống

Hiểu đơn giản là tất cả những hình thức tiếp thị không diễn ra trên không gian mạng:

  • Tiếp thị qua báo in: đăng thông tin quảng cáo về các sản phẩm/ dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp trên các ấn phẩm báo giấy.
  • Quan hệ công chúng (hay PR): quá trình truyền thông, tiếp thị thông qua chiến lược xây dựng mối quan hệ mật thiết với các tổ chức và tạo dựng hình ảnh tốt đẹp của doanh nghiệp trong mắt công chúng thông qua các hình thức như: làm từ thiện, tổ chức sự kiện, tài trợ,… . Quy mô doanh nghiệp càng lớn thì quá trình quan hệ công chúng càng quan trọng.
  • Dịch vụ khách hàng: Nhiều doanh nghiệp đặc biệt chú trọng đến việc cung cấp các dịch vụ khách hàng trước, trong và sau khi bán hàng để kịp thời hỗ trợ và đưa ra lời khuyên hữu ích cho khách hàng của họ.
  • Marketing trực tiếp:là một hình thức tiếp cận trực tiếp, gửi các thông điệp của doanh nghiệp/ thương hiệu đến với khách hàng thông qua tờ rơi, biểu mẫu, banner, phướn, bảng quảng cáo,… trên đường phố. Marketing trực tiếp còn bao gồm hình thức telesale (tiếp thị qua điện thoại) hoặc gặp mặt trực tiếp với khách hàng.
  • Bán hàng cá nhân: Bán sản phẩm/ dịch vụ thông qua đội ngũ nhân viên bán hàng. Thông thường, đội ngũ nhân viên bán hàng này sẽ sử dụng thương hiệu cá nhân để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, bán hàng bằng các mối quan hệ cá nhân hoặc sử dụng các cách thức trực tiếp và gián tiếp khác để tiếp cận khách hàng.

Sự khác nhau giữa quảng cáo và tiếp thị là gì?

Tiếp thị và quảng cáo là khác nhau nhưng có liên quan với nhau. Quảng cáo là một phần của hoạt động tiếp thị liên quan đến việc làm cho thương hiệu được mọi người biết đến bằng cách truyền thông tin về các sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp tới đối tượng mục tiêu.

Ngược lại, tiếp thị là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát một cách có hệ thống các hoạt động kết hợp người mua và người bán lại với nhau. Điều này là để chuyển nhượng hoặc trao đổi sản phẩm hoặc dịch vụ cùng có lợi. Thông thường, tiếp thị bắt đầu bằng USP (Lợi điểm bán hàng độc nhất) – một câu ngắn gọn, hiệu quả và hấp dẫn mô tả doanh nghiệp của bạn. Thông điệp này giúp bạn tìm nhóm mục tiêu, hợp lý hóa các chiến lược tiếp thị và sử dụng tài nguyên, thời gian và tiền bạc của mình một cách tối ưu.

Tóm lại, tiếp thị là một khái niệm rộng hơn có thể được chia thành quảng cáo, nghiên cứu thị trường, lập kế hoạch truyền thông, quan hệ cộng đồng, quan hệ công chúng, chiến lược bán hàng và hỗ trợ khách hàng.

Các bước lập kế hoạch tiếp thị

Tìm hiểu về doanh nghiệp

Đây là cơ hội để bạn cung cấp một cái nhìn tổng quan về hoạt động kinh doanh hiện tại cũng như môi trường bên trong và bên ngoài của bạn. Bạn tiến hành kinh doanh trực tuyến hay ở cửa hàng? Bạn cung cấp những loại sản phẩm và dịch vụ nào?

Trong phần này, một số công ty cũng chọn thực hiện phân tích SWOT—phân tích chi tiết điểm mạnh và điểm yếu, cơ hội phát triển nào và các mối đe dọa có thể cản trở tiến trình đó. Đó là một cách tuyệt vời để biết về tình hình hiện tại của bạn theo cách hữu ích và có thể quản lý được.

Xác định thị trường mục tiêu

Bạn nên liệt kê mọi thứ bạn biết về khách hàng lý tưởng của mình, bao gồm thông tin nhân khẩu học cơ bản (giới tính và tuổi tác) cùng các hành vi và quyết định của họ, lí do mua hàng, họ gặp thách thức và khó khăn nào, họ dùng thời gian rảnh để làm gì… Biết rõ khách hàng của bạn từ trong ra ngoài sẽ rất hữu ích khi xác định các chiến thuật và chiến lược tiếp thị.

Phân tích đối thủ cạnh tranh

Hiểu về đối thủ cạnh tranh sẽ rất hữu ích trong việc tìm cách phân biệt bạn với đám đông. Đầu tiên là mô tả một cách chi tiết sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn cung cấp cho người tiêu dùng, sau đó giải thích cách sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn khác biệt với đối thủ cạnh tranh hiện có. Bạn sẽ có thể tận dụng điểm khác biệt này để tiếp thị doanh nghiệp của mình một cách hiệu quả.

Đặt mục tiêu

Tùy thuộc vào tình hình và tham vọng hiện tại của bạn, các mục tiêu có thể từ cao cả và vĩ đại (chẳng hạn như tăng gấp đôi doanh số bán hàng hoặc tăng thị phần) đến những tham vọng nhỏ hơn, nhỏ hơn (như có được 100 người theo dõi Instagram mới trên tài khoản thương hiệu của bạn hoặc bắt đầu một blog cho thương hiệu của bạn).

Phác thảo chiến lược

Bây giờ bạn đã phác thảo chính xác những gì bạn muốn đạt được, đã đến lúc trình bày chi tiết các chiến lược bạn sẽ sử dụng để thực sự đạt được những mục tiêu này.

Với từng mục tiêu, hãy liệt kê các hành động có liên quan ngay bên dưới mục tiêu đó. Điều này cho phép bạn thấy chính xác những gì cần hoàn thành để thúc đẩy bản thân đạt được thành tựu đó.

Ví dụ như mục tiêu: Có được ít nhất 100 người theo dõi mới trên tài khoản Instagram của công ty trước ngày 31 tháng 12.

Hành động: Đăng ít nhất ba ảnh mới mỗi tuần; Tương tác với người dùng bằng cách trả lời các bình luận nhận xét; nghiên cứu các hashtag; tổ chức các trò chơi nhỏ…

Đặt ngân sách

Bạn dự định chi bao nhiêu cho hoạt động tiếp thị và quảng bá trong suốt năm tới và chi phí cho các mục hành động bạn liệt kê ở trên là bao nhiêu? Quan trọng nhất, số tiền này sẽ đến từ đâu?

Bắt tay vào thực hiện!

Giờ thì bạn đã biết mình cần đi đến đâu và đi bằng con đường nào với phương tiện gì, hãy bắt tay vào làm thôi!

Bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc toàn bộ thông tin chi tiết về hoạt động tiếp thị bao gồm: tiếp thị là gì, mục đích chính của hoạt động tiếp thị và những công cụ phổ biến khi xây dựng chiến lược tiếp thị. Tuy nhiên, để có thể tìm hiểu sâu hơn về hoạt động tiếp thị và nghiêm túc theo đuổi ngành nghề này, bạn cần có sự nghiên cứu sâu hơn, tỉ mỉ hơn về từng khía cạnh của hoạt động tiếp thị. Chúc các bạn thành công!

Trang Đoàn

Sao chép thành công