Trong thời buổi nền kinh tế cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, mỗi người đều dành hơn 1/3 quỹ thời gian của mình cho công việc, và đối với các ngành – nghề đặc thù, đôi khi một số cá nhân dường như tập trung toàn bộ thời gian và sức lực cho các dự án, chương trình, kế hoạch, hợp đồng… Điều này nếu xảy ra trong một thời gian dài với cường độ cao sẽ gây nên tình trạng đuối sức, thậm chí ảnh hưởng xấu đến thể lực – trí tuệ của bản thân người đó. Những giải pháp mà CareerLink.vn nêu sau đây sẽ phần nào giúp bạn dung hòa giữa đam mê và công việc, cân bằng lại cuộc sống của chính bạn.
Vận động cơ thể – nâng cao thể chất
Có câu “Sức khỏe là vàng”, nếu muốn làm việc hiệu quả thì bạn cần có một sức khỏe tốt. Bạn không thể tập trung vào công việc nếu tinh thần luôn mệt mỏi, rả rời, việc chú trọng đến sức khỏe là việc ưu tiên hàng đầu. Bạn nên cố gắng tập thể dục đều đặn ít nhất 4 lần/ tuần trong khoảng thời gian 1 tiếng/ ngày để tăng cường độ dẻo dai – sức bền, đối với những môn thể thao vận động mạnh thì nên luyện tập vào buổi sáng là tốt nhất. Ngoài ra, đi bộ nhẹ nhàng hay ngồi thiền định vào buổi tối sẽ giúp tinh thần sảng khoái và dễ đi vào giấc ngủ hơn. Bên cạnh rèn luyện cơ thể, thư giãn thì bạn nên chú trọng kiểm tra sức khỏe định kỳ, bởi phòng bệnh hơn chữa bệnh, rất nhiều người bỏ bê, lơ là sức khỏe bản thân mà chỉ chăm chăm vào công việc, đặc biệt là những ai đóng vai trò là quản lý, lãnh đạo luôn phải đối mặt với cường độ áp lực công việc cao.
Nghe nhạc – đọc sách
Một trong những phương pháp đơn giản – hiệu quả nhất, đồng thời cũng là sở thích của rất nhiều người ưa chuộng chính là đọc sách và nghe nhạc. Dành ra khoảng 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày đọc sách sẽ giúp bạn giảm bớt những căng thẳng sau một ngày mệt nhoài với cả núi công việc, tốt nhất là nên lựa chọn những thể loại bạn thích để dễ tiếp thu và tìm thấy sự hứng thú. Đọc sách sẽ góp phần tăng khả năng cảm thụ nghệ thuật, bổ sung vốn kiến thức, làm giàu có thêm đời sống tinh thần thông qua nội dung mà bạn tiếp nhận. Trong trường hợp đôi mắt bạn đã phải mệt mỏi vì ngồi máy tính cả ngày, thì bạn có thể lựa chọn hình thức nghe kể chuyện qua radio, đĩa ghi âm,… Nếu đọc sách giúp não trái phát triển tư duy – phân tích thì nghe nhạc là biện pháp hữu hiệu xoa dịu và mát xa não phải bằng những bản nhạc du dương, đầy tính gợi hình – gợi thanh. Tạm gác lại những bộn bề lo toan cho cuộc sống, hãy thả lỏng cơ thể và nhún nhảy theo từng giai điệu bài hát mà bạn thích, bạn sẽ thấy mình tràn ngập niềm vui và yêu đời hơn hẳn.
Gặp gỡ, trò chuyện cùng người thân – bạn bè
Chia sẻ cũng là cách bạn giảm tải áp lực rất tốt, nếu bạn chỉ biết chịu đựng rồi chịu đựng thì lâu ngày giọt nước sẽ làm tràn ly, bạn nên vơi bớt những bức bách, uất ức, giải tỏa căng thẳng bằng cách trò chuyện với người thân – bạn bè của mình, bạn sẽ nhận được những lời khuyên hữu ích chân tình từ chính họ, bởi con người không phải là một cá thể độc lập mà là sự tổng hòa trong những mối quan hệ xung quanh. Thể hiện tình yêu thương với gia đình bằng cuộc nói chuyện tâm tình về những vấn đề bạn gặp phải trong ngày, hay bằng cuộc gọi đường dài, lời nhắn gửi thương yêu vào những ngày đặc biệt nếu bạn công tác xa nhà… Bên cạnh đó, việc trao đổi, thảo luận sôi nổi về tin tức “nóng hổi” với hội bạn thân về cuốn sách mà bạn đang đọc, tình hình đội bóng mà bạn yêu thích,… là cách giảm stress vừa đơn giản vừa hiệu quả. Bạn trao đi yêu thương cũng chính bạn đã nhận lại yêu thương.
Nuôi dưỡng sở thích cá nhân
Thực hiện và nuôi dưỡng những sở thích cá nhân cũng là cách tái tạo năng lượng sau một ngày làm việc căng thẳng. Ngoài thời gian miệt mài, hí hoáy cho công việc, bạn nên làm những gì mình thích và đam mê chẳng hạn như đi du lịch, xem phim, tham gia khóa học ngoại ngữ, hoạt động thiện nguyện hay học lớp kỹ năng mới (làm đồ handmade, học lớp chụp ảnh nghệ thuật, trồng cây, cắm hoa,…), bất kể việc gì bạn muốn làm và thích thú sẽ rất có ích, góp phần làm phong phú thêm đời sống cá nhân của chính bạn. Một ít phút để dọn dẹp – trang trí lại góc phòng sẽ là một ý kiến hay, bởi không gian gọn gàng, ngăn nắp sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái và tập trung hơn, thay vì một mớ hỗn độn, bày bừa vô tội vạ chỉ làm tâm trạng thêm tồi tệ.
Vạch ra mục tiêu mới
Bạn cũng nên dành ra vài phút cho việc chuẩn bị quần áo, sắp xếp tài liệu, ghi chú những công việc cần hoàn tất cho ngày hôm sau nhằm tạo tâm thế tự tin cho ngày mới làm việc hiệu quả. Khi bạn liệt kê ra danh sách công việc sẽ giúp bạn xác định được công việc nào quan trọng hơn để giải quyết, tránh tình trạng mắc kẹt với hạn deadline, chậm trễ. Đồng thời, mỗi khi hoàn thành xong một công việc nhìn vào danh sách bạn sẽ biết điều chỉnh thời gian và có động lực làm nốt những việc còn lại.
“Bạn không thể tin vào bất cứ thứ gì có tên là cân bằng cuộc sống và công việc, nhưng cơ thể của bạn cần điều đó”. Hãy lắng nghe cơ thể bạn để lựa chọn cách tái tạo năng lượng phù hợp sau một ngày làm việc căng thẳng nhé!
Hương Giang