Phóng viên thường trú là gì, cần đáp ứng điều kiện nào?

Khi xem thời sự trên tivi có thể đôi lần bạn đã nghe được câu giới thiệu trong các bản tin nóng “Tôi là X, phóng viên thường trú của Đài truyền hình Việt Nam tại…”. Vậy phóng viên thường trú là gì? Quyền và nghĩa vụ như thế nào? Muốn trở thành phóng viên thường trú cần những điều kiện nào? Để nắm rõ những thông tin liên quan đến phóng viên thường trú các bạn hãy theo dõi bài viết này của Careerlink ngay sau đây nhé.

Phóng viên thường trú là gì?

“Phóng viên thường trú (tiếng Anh Correspondent) là đại diện của cơ quan báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh, tòa soạn, hãng thông tấn… của một địa phương/quốc gia đến quốc gia/vùng lãnh thổ, địa phương khác với nhiệm vụ cập nhật tin tức, viết bài, thậm chí còn kiêm cả quay phim, chụp ảnh, MC.”

Theo quy định thì phóng viên thường trú phải được các cơ quan, đơn vị báo chí cử đi công tác, tác nghiệp trong nước hoặc nước ngoài. Khi tham gia vào sự kiện, hội nghị các phóng viên phải xuất trình thẻ nhà báo, giấy giới thiệu có dấu đỏ của cơ quan chủ quản.

Thời gian công tác của các phóng viên thường trú tùy thuộc vào sự phân bổ của đơn vị quản lý theo quy định của nhà nước. 

Dưới đây là một số phóng viên thường trú quen mặt với khán giả yêu chương trình thời sự đó là Duy Nghĩa, Nhật Linh – phóng viên thường trú Đài THVN tại Liên bang Nga; Hồng Quang – phóng viên thường trú tại Châu Âu; Anh Phương – phóng viên thường trú đầu tiên của Đài THVN tại Abu Dhabi – Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE)…

Phóng viên thường trú có quyền và nghĩa vụ gì?

Vì phóng viên thường trú là người được các cơ quan báo chí cử đến trực tiếp tại hiện trường để cập nhật những tin tức mới, “hot” nhất nên những người làm nghề này cần phải thực hiện, tuân thủ đúng quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

Ngoài việc truyền tải thông tin kịp thời, chính xác những tin tức nóng hổi thì các phóng viên thường trú còn là người giới thiệu, quảng bá hình ảnh đẹp của con người, đất nước của họ với bạn bè quốc tế. 

Phóng viên thường trú là người làm công việc có tính chất đặc biệt, vì thế cũng có những quy định và tiêu chuẩn riêng. Dưới đây là một số quyền và nghĩa vụ quan trọng của các phóng viên thường trú hiện nay:

Quyền của phóng viên thường trú 

– Tuân thủ mọi quy định của pháp luật khi được phân công làm việc tại các địa phương trong nước, nước ngoài. 

– Khi được cấp quyền, chỉ định đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước thì phóng viên thường trú phải xuất trình thẻ nhà báo (cơ quan/tổ chức trong nước) và thẻ phóng viên nước ngoài (khi làm việc tại nước ngoài), hộ chiếu. 

– Có quyền khai thác, yêu cầu cung cấp, sử dụng mọi thông tin trừ bí mật quốc gia, bí mật đời tư cá nhân…. 

– Được tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nghiệp vụ báo chí. 

– Được tham gia các phiên tòa xét xử công khai, được phép ghi lại các thông tin, chụp hình có liên quan trong quá trình xét xử. 

– Có quyền từ chối, khước từ biên soạn các văn bản, tài liệu trái với pháp luật quy định khi làm việc ngoài lãnh thổ Việt Nam

Nghĩa vụ của phóng viên thường trú

– Cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác, trung thực về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa của quốc gia sở tại, cộng đồng người Việt ở nước ngoài… phù hợp với lợi ích của quốc gia. 

– Tuân thủ chặt chẽ đạo đức và tác phong nghề báo. Bài viết, hình ảnh cần trung thực, lời văn sắc sảo, ngắn gọn nhưng có thể truyền tải hết nội dụng cần phản ánh. 

– Chịu trách nhiệm trước các cơ quan báo chí trong và ngoài nước về những thông tin đã được đăng công khai trên báo chí, đài truyền hình. 

– Phải xin lỗi, cải chính hoặc đính chính khi đưa các thông tin có tính chất sai lệch, không chuẩn xác, ảnh hưởng đến cơ quan/tổ chức/cá nhân.

– Khi phóng viên thường trú nước ngoài chấm dứt hoạt động, văn phòng thường trú phải có công văn thông báo gửi đến Bộ Ngoại giao nước sở tại ít nhất 15 ngày trước khi phóng viên chấm dứt hoạt động. Phải nộp lại thẻ phóng viên nước ngoài cho Bộ Ngoại giao trước khi xuất cảnh.

– Thường xuyên trau dồi, nâng cao nghiệp vụ báo chí và phẩm chất đạo đức chính trị.

Trở thành phóng viên thường trú có khó không?

“Trở thành phóng viên thường trú có khó không?” là câu hỏi của nhiều bạn học sinh sắp tốt nghiệp trung học phổ thông có ý định theo đuổi nghề báo và các sinh viên đang theo học ngành báo chí tại các trường Đại học, Học viện. 

Hãy cùng theo dõi điều kiện để trở thành phóng viên thường trú là gì nhé.

– Tốt nghiệp Đại học, Học viện trở lên chuyên ngành báo chí, báo chí truyền thông, ngôn ngữ học, ngành văn học… tại một số trường: Học viện Báo chí và Tuyên Truyền, Đại học Văn hóa, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội/TPHCM, Học viện Ngoại giao…  

– Đã được cấp thẻ phóng viên thường trực tại cơ quan đại diện trong nước hoặc nước. Có khả năng làm việc theo đội, nhóm, có tinh thần học hỏi, chịu khó tiếp thu kiến thức mới.

– Có kỹ năng giao tiếp, phỏng vấn để phục vụ quá trình thu thập thông tin liên quan đến đối tượng liên quan. Có phẩm chất tốt, trung thực, cẩn thận, sự nhạy bén, sự kiên trì, dũng cảm, chịu áp lực cao.

– Có tư duy và kỹ năng viết tốt, cách trình bày nôi dung rõ ràng, súc tích và có tính thuyết phục. Nắm bắt, nghiên cứu, phân tích và xử lý thông tin nhanh chóng từ nhiều nguồn khác nhau đảm bảo bài viết có độ chính xác cao.

– Có khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học, kỹ năng chụp, sửa ảnh và video.

– Không bị kỷ luật dưới bất kỳ hình thức nào tính đến khi cơ quan báo chí điều làm phóng viên thường trú.

Những khó khăn của phóng viên thường trú 

Nhìn trên truyền hình không ít bạn cảm thấy nghề phóng viên thường trú rất sướng, được đi nhiều nơi, khám phá nhiều nền văn hóa và ẩm thực khác nhau. Nhưng sự thật ít ai biết là nghề này cũng ẩn chứa nhiều khó khăn và thách thức và có cả sự nguy hiểm nữa. 

Những khó khăn của phóng viên thường trú gặp phải như:

– Bất đồng ngôn ngữ trong thời gian mới tiếp nhận công việc, đặc biệt tại các nước có ngôn ngữ rất khó như Ai Cập, Ả Rập… Đây là khó khăn gây trở ngại đến công việc thu thập thông tin tại địa phương mà phóng viên thường trú cần thu thập dữ liệu thông tin để lên bài.

– Điều kiện khí hậu khác biệt, có thể là quá nóng hoặc quá lạnh có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của phóng viên thường trú.

– Khó khăn trong việc tiếp nhận văn hóa, ẩm thực của nước sở tại, đặc biệt là các quốc gia thuộc châu lục khác như châu Phi, châu Mỹ, Ấn Độ, Tây Á… Nếu không tìm hiểu kỹ, có thể tạo ra các xung đột bất cứ khi nào giữa các quốc gia do bất đồng ngôn ngữ hoặc sử dụng ngôn từ hay hình ảnh không phù hợp với người bản xứ.

– Phải đối mặt với rất nhiều tình huống chưa từng gặp ở Việt Nam như chiến sự, bạo loạn, biểu tình…

– Phải cân đối giữa ngân sách cấp với kinh phí khai thác những tin tức độc quyền, tin liên quan đến cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài.

Khi nào bị tước thẻ phóng viên thường trú?

Những phóng viên thường trú sẽ phải nộp lại thẻ nhà báo trong một số trường hợp cụ thể được chiểu theo quy định trong khoản 5 Điều 28 Luật Báo chí năm 2016. Cụ thể như sau:

– Thu hồi thẻ nhà báo với những người chuyển sang làm công việc khác không làm nhà báo.

– Những nhà báo đã nghỉ hưu cũng sẽ phải nộp lại thẻ nhà báo.

– Trường hợp người lao động hết thời hạn hợp đồng mà không ký tiếp hợp đồng lao động mới hoặc không tiếp tục làm việc tại cơ quan báo chí cũng sẽ bị thu hồi. 

Những thông tin chi tiết về phóng viên thường trú là gì đã được giải đáp ở trên. Nhìn chung đây là một nghề có nhiều sự trải nghiệm thú vị, được khám phá những vùng đất mới nhưng cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, nguy hiểm và thách thức. Nếu là người có khả năng viết lách, giao tiếp tốt có sự năng động, nhiệt huyết và kiên trì thì bạn có thể theo học và làm nghề này.

Thúy Vui

Sao chép thành công