Làm gì khi cảm thấy bị đánh giá thấp ở nơi làm việc?

Cảm thấy bị đánh giá thấp ở nơi làm việc là khi đồng nghiệp hay quản lý phớt lờ những nỗ lực của bạn, khi bạn cảm thấy mình vô hình trong các cuộc họp, liên tục phải làm những việc không tên, bị giám sát quá chặt chẽ, không có bất kỳ quyền tự chủ nào hay khi bạn đang làm tốt nhưng chưa nhận được đãi ngộ như mong muốn… Đây có thể là một “cú giáng chí mạng” vào lòng tự trọng và khiến bạn cảm thấy bức bối, khó chịu vô cùng.

Cảm giác được tôn trọng ở nơi làm việc là nhu cầu thiết yếu vì nó thúc đẩy sự tự tin và nâng cao tinh thần của mỗi người. Thế nên, thay vì buồn rầu hay phàn nàn như nhiều người vẫn làm, hãy tích cực hành động để cải thiện tình thế.

Làm gì khi cảm thấy bị đánh giá thấp ở nơi làm việc?

Điều cần làm khi cảm thấy bị đánh giá thấp nơi công sở

“Cam kết của bạn trong việc nhận ra và giải quyết những cảm xúc bị đánh giá thấp là minh chứng cho sự tận tâm của bạn đối với sự phát triển nghề nghiệp và hạnh phúc của mình”

Đầu tiên là xác định thế mạnh và ưu điểm của bạn

Nếu cảm thấy bị đánh giá thấp ở nơi làm việc thì rất có thể là do bạn chưa tận dụng tối đa điểm mạnh của mình.

Hãy trả lời các câu hỏi Bạn có biết điểm mạnh của bản thân không? Bạn có làm việc đúng với tiềm năng của mình? Bạn có cơ hội sử dụng ưu điểm của mình mỗi ngày hay không? Và quan trọng là sếp có biết thế mạnh của bạn không?

Điểm mạnh của bạn là những kỹ năng và kinh nghiệm giúp thực hiện công việc dễ dàng hơn và luôn trong tâm thế thoải mái. Khi có cơ hội sử dụng điểm mạnh của mình trong công việc, bạn sẽ làm việc hiệu quả, cảm thấy gắn kết và hài lòng hơn.

Thay vì cố gắng khắc phục điểm yếu, hãy dành thời gian mài giũa điểm mạnh và xác định phần việc nào giúp bạn phát huy ưu thế và phần việc nào không. Sau đó, bạn có thể trò chuyện với sếp để chia sẻ về các khía cạnh nổi trội của mình và cách chúng giúp ích cho bạn trong công việc. Làm như vậy vừa giúp người quản lý hiểu rõ hơn về bạn và công việc của bạn vừa mở ra cơ hội để bạn sử dụng điểm mạnh của mình thường xuyên hơn. Chính điều này sẽ giúp bạn cảm thấy được tôn trọng và đánh giá cao.

Ghi lại thành tích của bạn

Điều này phục vụ hai mục đích – một là cho người quản lý biết bạn đang làm gì. Có thể họ đang bận với các ưu tiên của riêng họ và không nắm hết mọi việc bạn đang làm. Họ cần một chút trợ giúp để hiểu cách bạn làm việc và những gì bạn đạt được. Khi đánh giá hiệu suất thì việc làm này đặc biệt hữu ích. Danh sách thành tích sẽ giúp bạn đánh giá bản thân một cách chính xác đồng thời đó là minh chứng hùng hồn về năng lực của bạn. Người quản lý sẽ hiểu rõ về hiệu suất của bạn và đánh giá tốt hơn về bạn.

Mặt khác, ghi lại các thành tích, từ phản hồi tích cực, lời khen ngợi đến các bài thuyết trình hay báo cáo khiến bạn tự hào, còn giúp bạn tự tin hơn vào bản thân mà không cần đến sự công nhận từ bên ngoài. Bạn biết mình đang làm tốt và điều đó tạo niềm tin rằng bạn có thể còn làm tốt hơn nữa.  

Tăng khả năng hiện diện của bạn

Nếu bạn cảm thấy bị đánh giá thấp tại nơi làm việc vì công sức không được ghi nhận, hãy thử tăng cường sự hiện diện của mình xem sao. Cách đơn giản nhất là phát biểu nhiều hơn trong các cuộc họp, tình nguyện đại diện cho nhóm tại các sự kiện đa phòng ban, năng nổ tham gia vào các hoạt động, sự kiện do doanh nghiệp tài trợ… Bạn sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp xúc và để mọi người biết đến bạn nhiều hơn. Sẽ không ai tìm đến bạn nếu họ không biết bạn là ai và bạn mang lại điều gì cho họ. Vì vậy, hãy tỏa sáng rực rỡ đến mức họ không thể không nhìn về phía bạn.

Điều chỉnh lại những suy nghĩ tiêu cực

Sếp có vẻ không ưa mình. Đồng nghiệp dường như xa lánh mình. Mình thật tệ… Những suy nghĩ tiêu cực này có thể tràn lan trong tâm trí bạn. Dễ tự ti và suy nghĩ tiêu cực khi cảm thấy bị đánh giá thấp là điều bình thường. Vấn đề là, bạn có thể đang lắng nghe lời chỉ trích nội tâm của mình quá nhiều. Chỉ vì bạn không nhận được lời khen nồng nhiệt không có nghĩa là bạn không xứng đáng. Những suy nghĩ như “Không có ai giúp gì cho mình cả” hoặc “Mọi người chỉ cho mình làm việc vặt” sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn mà thôi.

Thay vào đó, hãy đáp lại những suy nghĩ bi quan mà bạn đang có về bản thân bằng những lời động viên lạc quan hơn như “Mình đang cố gắng hết sức”, “Mình là một nhân viên chăm chỉ” hay “Các kỹ năng của mình rất có giá trị”…

Nếu bạn vẫn cảm thấy bị đánh giá thấp, hãy cân nhắc việc rời đi

Bạn cần cố gắng để vực dậy bản thân khi cảm thấy bị đánh giá thấp nhưng nếu không có cách nào trên đây là hữu ích, bạn vẫn thấy mình không nhận được sự quan tâm xứng đáng và điều đó ảnh hưởng đến năng suất cũng như sự bình yên của bạn, thì đã đến lúc cân nhắc một công việc mới. Nếu bạn đã dành nhiều năm để chăm chút cho khả năng của mình nhưng chỉ nhận về sự “ghẻ lạnh” thì điều đó không đáng một chút nào. Ngoài kia vẫn còn có rất nhiều cơ hội dành cho bạn.

Cảm thấy bị đánh giá thấp ở nơi làm việc có thể dẫn đến căng thẳng và gia tăng lo lắng. Nếu bạn rơi vào trường hợp đó, hãy chủ động thay đổi tình hình, nâng cấp các kỹ năng, đóng góp nhiều hơn và thoát khỏi tình trạng hiện tại hoặc chuyển hướng nghề nghiệp như câu nói “Hãy đến nơi bạn được tôn vinh chứ không phải nơi bạn phải chịu đựng”.

Vân Phạm

Sao chép thành công