Storytelling là gì? 5 điều cơ bản trong xây dựng Storytelling

Storytelling là gì? Có bao giờ bạn xem quảng cáo hoặc các chiến dịch truyền thông của những nhãn hàng lớn như Coca, Pepsi, cà phê Trung Nguyên… mà không khỏi cảm thấy ấn tượng, thu hút chưa? Các nhãn hàng nổi tiếng này không lựa chọn cách quảng cáo sản phẩm một cách trực tiếp mà thường đưa ra thông điệp dựa vào những câu chuyện ý nghĩa liên quan đến thương hiệu. Phương pháp này gọi là storytelling.

Để tìm hiểu rõ hơn về định nghĩa storytelling, mời bạn hãy đọc bài viết dưới đây của CareerLink nhé!

storytelling là gì

Storytelling là gì?

“Storytelling là nghệ thuật kể chuyện sử dụng ngôn từ, hình ảnh hoặc video để khơi gợi cảm xúc đồng cảm về thông điệp mà người kể muốn truyền tải.”

Storytelling là phương pháp được sử dụng nhiều trong các chiến dịch truyền thông của nhiều nhãn hàng, công ty để tác động tới cảm xúc của khách hàng mục tiêu. Đồng thời phương pháp này cũng nhanh chóng giúp các công ty, nhãn hàng truyền tải được thông điệp đến khách hàng một cách tự nhiên nhất.

5 nguyên tắc cơ bản trong xây dựng storytelling

Glue (kết nối)

Đây là nguyên tắc thể hiện sự kết nối giữa các thông điệp marketing với niềm tin của khách hàng. Vì thế mà các thông điệp bạn đưa ra cần phải phù hợp với quan điểm của khách hàng, phù hợp với niềm tin của họ. Để có được sự kết nối đó bạn cần phải nghiên cứu thật kỹ về tâm lý khách hàng, những quan điểm sống của nhóm khách hàng mục tiêu.

Reward (phần thưởng)

Khi nghe một câu chuyện hoặc xem một bộ phim ai cũng mong muốn kết thúc của nó có hậu. Và câu chuyện trong hình thức storytelling cũng không ngoại lệ. Bởi khách hàng cần phải biết mình nhận được điều gì, có sự thay đổi nào tích cực đến từ việc sử dụng sản phẩm giống nhân vật trong câu chuyện hay không. Những kết quả này sẽ đem đến động lực lớn quyết định việc có sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp.

Emotion (cảm xúc)

Những câu chuyện được mọi người chú ý nhiều thường là những câu chuyện đem lại cảm xúc mạnh mẽ cho người xem. Cũng giống như kết nối, bạn cũng cần phải hiểu rõ được tâm lý, tình cảm hay những điều dễ làm khách hàng xúc động để xây dựng được câu chuyện tác động mạnh đến tình cảm sâu lắng bên trong mỗi người.

Authentic (chân thật)

Mọi câu chuyện dù hay đến đâu nhưng không có tính chân thật thì rất khó chiếm được tình cảm của khách hàng. Vì vậy câu chuyện mà bạn xây dựng cũng cần phải dựa trên những sự kiện có thật hoặc các yếu tố về chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng cần đúng với thực tế. Như vậy khách hàng mới sẵn sàng lựa chọn doanh nghiệp và thương hiệu của bạn hơn. Bạn cũng đừng quá chú ý vào việc xây dựng kết quả tốt đẹp mà quên đi yếu tố chân thực.

Target (mục tiêu)

Bạn cần xác định được đúng đối tượng mục tiêu, nghiên cứu và tìm hiểu rõ về khách hàng để xây dựng được một cốt truyện phù hợp và thu hút. Việc nhắm vào quá nhiều đối tượng cho một câu chuyện thường phản tác dụng và không đem lại hiệu quả cao.

Chẳng hạn nếu đối tượng khách hàng của bạn là nữ thì họ thường có xu hướng yêu thích thời trang, còn các bạn nam thì lại thích thể thao. Vậy nên cần nghiên cứu đối tượng một cách kỹ càng để lựa chọn nội dung câu chuyện hợp lý, nhắm đúng vào khách hàng mục tiêu.

Ví dụ về storytelling

G&P: Đó là video với các bà mẹ đồng hành cùng con trong hành trình đầy nước mắt để trở thành những vận động viên Olympic tương lai. Các bà mẹ đã khuyến khích con của mình. Chúng ta thấy được những đứa trẻ phạm sai lầm và học hỏi từ đó. Và sau bao nhiêu nỗ lực, mẹ và con đã chia sẻ niềm vui cùng nhau khi giành được chiến thắng sau buổi thi đấu.

Nike (Find Your Greatness): Ở đây, máy quay lia lên trong một cảnh quay rộng, đậm chất điện ảnh tập trung vào một cậu bé đang chạy trên một con đường vắng. Không có nhạc đệm, chỉ có lời tường thuật đầy chất thơ phản ánh ý nghĩa của “sự vĩ đại”, quảng cáo có cảm giác vắng lặng nhưng mạnh mẽ và người xem được truyền cảm hứng.

Lợi ích của storytelling là gì?

Tạo nguồn cảm hứng và ý tưởng mới cho content marketing

Storytelling giúp cho những người xây dựng nội dung có thêm nhiều ý tưởng mới lạ, độc đáo bằng cách suy nghĩ về những chủ đề liên quan đến câu chuyện được cung cấp. Phương pháp này sẽ giúp các ý tưởng nội dung bị bão hòa trở nên mới mẻ, thu hút và có cốt truyện hấp dẫn hơn.

Thu hút sự đồng cảm của khách hàng

Như đã nói ở trên thì storytelling là cách truyền tải thông điệp chạm vào cảm xúc của khách hàng một cách gần gũi, tự nhiên nhất. Vậy nên giữa muôn vàn cách tiếp nhận thông từ các nhãn hàng, doanh nghiệp thì việc lựa chọn hình thức storytelling để kể một câu chuyện thu hút sự đồng cảm của khách hàng đối với thương hiệu và từ đó tạo dựng được sự kết nối mạnh mẽ đối với sản phẩm của doanh nghiệp.

Khi đã nhận được sự kết nối và chú ý từ phía khách hàng thì doanh nghiệp cũng dễ dàng nắm bắt được tâm lý của họ từ đó thu hút họ sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ.

Truyền thông và quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp

Nếu như quảng cáo truyền thống đôi lúc bị cứng nhắc và nhàm chán thì storytelling sẽ là hình thức quảng cáo mang đến sự mới mẻ, uyển chuyển và linh hoạt để doanh nghiệp truyền tải thông điệp một cách tự nhiên hơn. Một câu chuyện thực tế, sống động và dễ nhớ sẽ đem đến nhận thức đầy thiện cảm của khách hàng dành cho doanh nghiệp. Đó cũng là một trong những lợi ích thiết thực trả lời cho câu hỏi storytelling là gì.

Sử dụng yếu tố “kể chuyện” sẽ giúp cho khách hàng nhanh chóng đồng cảm với doanh nghiệp một cách tự nhiên hơn, đó cũng là nền tảng để xây dựng lòng tin đối với khách hàng của bạn.

Mỗi một câu chuyện khi đưa ra đều chứa đựng quá trình hình thành và phát triển của doanh nghiệp, điều này sẽ giúp khách hàng có thêm nhiều thông tin về tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu phát triển của doanh nghiệp.

Nếu có được chiến lược storytelling một cách đúng đắn thì doanh nghiệp của bạn sẽ ngày càng tiếp cận gần hơn được với công chúng, có thể trở thành tâm điểm chú ý của nhiều người.

Tạo ưu thế cạnh tranh trên thị trường cho doanh nghiệp

Giữa hàng ngàn doanh nghiệp và thương hiệu cạnh tranh trên thị trường thì việc xây dựng storytelling một cách đúng đắn, dành ưu thế cũng sẽ góp phần giúp cho khách hàng nhớ tới doanh nghiệp của bạn. Đây cũng là bàn đạp cho doanh nghiệp tỏa sáng và nhanh chóng xây dựng được vị thế dẫn đầu trong thị trường.

Giao tiếp, thấu hiểu và nắm bắt được tâm lý của khách hàng

Storytelling là câu chuyện được xây dựng dựa trên thực tế, liên quan đến thương hiệu. Vậy nên ngoài để quảng cáo thì đây cũng là cách để bạn giao tiếp với khách hàng, nắm bắt được phản ứng của họ đối với câu chuyện được kể.

Nếu câu chuyện bạn kể thu hút được sự quan tâm đông đảo, đồng cảm từ công chúng thì có nghĩa là bạn đã đánh trúng được tâm lý khách hàng. Điều này tạo bước đệm vững chắc để bạn triển khai thêm nhiều chiến dịch quảng bá phù hợp.

Tạo thêm nhiều khách hàng trung thành

Storytelling còn chứa cả tầm nhìn trong tương lai của doanh nghiệp. Vậy nên khi đã thấu hiểu, đồng cảm với doanh nghiệp thì việc tạo dựng niềm tin với khách hàng là điều tương đối dễ dàng. Về lâu dài họ sẽ dần trở thành khách hàng trung thành của doanh nghiệp.

Thúc đẩy năng suất làm việc và tạo sự gắn kết với nhân viên trong công ty

Storytelling còn là công cụ truyền thông nội bộ để kể những câu chuyện xoay quanh doanh nghiệp như lịch sử công ty, tầm nhìn, mục tiêu phát triển. Và đương nhiên nhân viên chính là trung tâm và đóng góp một phần quan trọng trong những câu chuyện đó. Việc này giúp nhân viên hiểu rõ hơn về doanh nghiệp, củng cố thêm niềm tin vào công ty và góp phần thúc đẩy động lực làm việc của họ.

4 cách đơn giản để sử dụng storytelling trong Marketing

Có quá nhiều lợi ích để áp dụng storytelling phải không nào? Vậy cụ thể cách để sử dụng storytelling là gì?

Kể câu chuyện bạn bắt đầu kinh doanh như thế nào

Mỗi doanh nghiệp đều có một số loại câu chuyện về cách nó ra đời. Một video ngắn 2-3 phút về người sáng lập nói về quá trình thành lập công ty có thể rất hấp dẫn. Nó sẽ giúp người xem gián tiếp chia sẻ sự phấn khích và lo lắng đi cùng với việc ra mắt một doanh nghiệp hoàn toàn mới.

Chia sẻ câu chuyện của khách hàng

Các câu chuyện này là những ví dụ thực tế về cách sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn đã mang lại lợi ích cho khách hàng thực. Nếu bạn chưa có câu chuyện nào trong kho nội dung của mình, đã đến lúc đi tìm khách hàng có thể giúp đỡ bạn.

Chia sẻ trải nghiệm của khách hàng trên mạng xã hội

Trải nghiệm của khách hàng đáng tin cậy hơn và thường hiệu quả hơn nhiều trong việc tạo doanh thu so với nội dung do thương hiệu tạo ra.

Nội dung do khách hàng tạo ra mà bạn sẽ nhận được có thể sẽ không phải là một câu chuyện truyền thống, hoàn chỉnh, có đầu có đuôi. Thay vào đó, những gì bạn nhận được sẽ giống như một khung hình của một bộ phim. Nhưng thế là đủ – con người chúng ta rất giỏi trong việc điền thông tin còn thiếu về câu chuyện của người khác. Vì vậy, nếu bạn chỉ chiếu một khoảnh khắc trong câu chuyện của ai đó, thì bạn có thể tin tưởng khán giả của mình sẽ “hiểu” phần còn lại.

Chia sẻ những câu chuyện về nhân viên hoặc văn hóa công ty

Thay vì nói “Chúng tôi khuyến khích nhân viên chấp nhận rủi ro”, hãy kể những câu chuyện về cách nhân viên chấp nhận rủi ro. Bạn cũng có thể kể những câu chuyện về chính nhân viên của mình.

Những loại câu chuyện về công ty này rất tốt để thu hút những ứng viên tiềm năng. Bạn càng có thể chia sẻ nhiều về cảm giác làm việc tại công ty của mình thì càng tốt. Nó sẽ giúp bạn thu hút những người phù hợp và cũng có thể giúp những người không phù hợp sớm biết điều đó. Cả hai điều tiết kiệm cho nhân sự rất nhiều thời gian.

Có thể thấy, storytelling là phương pháp mà các doanh nghiệp nên vận dụng để có thể đưa được thương hiệu của mình đến gần hơn với công chúng bằng cách thức kể chuyện một cách tự nhiên, lôi cuốn và chạm cảm xúc. Hy vọng rằng sau khi đọc xong bài viết này, bạn sẽ hiểu hơn về định nghĩa storytelling là gì cũng như biết được một số nguyên tắc cơ bản trong xây dựng storytelling.

Hồng An

Sao chép thành công