Tháng 9/2013: Khai thông thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc

Tháng 8/2012, thị trường lao động Hàn Quốc quyết định loại Việt Nam ra khỏi danh sách tuyển dụng lao động nước ngoài năm 2013. Việc làm này đã khiến cho hơn 15 nghìn hồ sơ lao động Việt Nam bị tồn ứa, người lao động thấp thỏm chờ việc.

 

Để khắc phục tình trạng này, phía Việt Nam đã tích cực giải quyết vấn đề bên phía Hàn Quốc yêu cầu. Kết quả đến 9/9/2013, Bộ Lao động và Thương binh xã hội Việt Nam (Bộ LĐ&TBXH) và Bộ lao động và Việc làm Hàn Quốc đã ký thỏa thuận tiếp tục đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm (EPS).

 

Thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc đóng băng

Từ năm 2011, cơ quan thẩm quyền Hàn Quốc đã khuyến cáo: Nếu Việt Nam không cải thiện được tình hình lao động bỏ trốn, thì nguy cơ dừng hợp tác lao động theo chương trình EPS là khó tránh khỏi.

Trước lời cảnh báo đó, bên phía Việt Nam đã cố gắng khắc phục tình trạng lao động bỏ trốn nhưng không khả quan. Số lao động hết hạn hợp đồng không hề giảm mà ngày càng tăng cao, trên 50% (khoảng 11.000 lao động). Trước tình hình đó, tháng 8/2012, Hàn Quốc quyết định không ký lại thỏa thuận hợp tác lao động, chính thức dừng tuyển mới lao động Việt Nam.

 

Giải thích cho việc Hàn Quốc loại Việt Nam ra khỏi danh sách tuyển dụng mới 2013, ông Lương Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết: “Mặc dù số lượng tuyển dụng lao động nước ngoài năm 2013 của Hàn Quốc lên tới 62.000, tăng 8% so với năm 2013. Trong đó có 52.000 được tuyển mới nhưng do chúng ta chưa cải thiện được tình trạng lao động bỏ trốn nên Hàn Quốc không cấp chỉ tiêu hồ sơ mới theo hạn ngạch tuyển lao động nước ngoài năm 2013 theo chương trình cấp phép lao động EPS cho Việt Nam nữa”.

 

Ông Long cho biết thêm: “Phía Hàn Quốc yêu cầu Việt Nam phải giảm được tỷ lệ lao động bỏ trốn xuống dưới 40%. Tuy nhiên, Kết quả giải quyết lao động bỏ trốn được phía Hàn Quốc tính toán theo từng quý và ở hầu hết các quý, tỉ lệ lao động bỏ trốn vẫn ở mức trên 50%. Chẳng hạn ở quý II/2012, trong số khoảng 2.000 lao động hết hạn hợp đồng vẫn có trên 1.200 lao động không về nước. Đến quý III/2012, khoảng 1.500/2.500 lao động hết hạn hợp đồng tiếp tục bỏ trốn”.

 

Do quyết định ngưng tuyển lao động Việt Nam nên trong tổng số 13.958 hồ sơ của kỳ thi tiếng Hàn đợt tháng 12/2011 được gửi lên mạng chỉ có 2.816 hồ sơ được lựa chọn (chiếm 20,2%), số còn lại phải chờ hạn ngạch tuyển dụng của năm 2013. Nhưng trong những tháng đầu năm 2013, thị trường lao động Hàn Quốc vẫn còn e dè trong tuyển dụng mới lao động Việt Nam.

 

Một điều đáng ghi nhận là dù tạm ngưng tuyển lao động Việt Nam, nhưng năm 2012 tính riêng chương trình EPS, phía Hàn Quốc vẫn tiếp nhận 7.252 lao động Việt Nam. Dù giảm hơn 5000 so với năm 2011 nhưng điều đó chứng tỏ thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc vẫn rất ưu ái cho lao động Việt Nam.

 

Thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc khai thông trở lại

Sau thời gian thị trường lao động Hàn Quốc đóng cửa đối với lao động Việt Nam, đến đầu tháng 9/2013 từ những nổ lực phía chúng ta cũng đã ký được thỏa thuận mới về việc khai thông thị trường lao động Hàn Quốc. Dù chỉ là bản thỏa thuận tạm thời nhưng sẽ góp phần giải quyết được tình trạng “tồn” lao động cho chúng ta trong thời gian qua.

 

Theo Bộ LĐTB&XH, nếu thuận lợi, 4 nhóm đối tượng thuộc diện ưu tiên sẽ có cơ hội sang làm việc tại Hàn Quốc ngay trong năm nay. Cụ thể gồm: 11.096 lao động đã đỗ các kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn theo chương trình EPS vào tháng 12/2011 và tháng 8/2012; 755 ứng viên thuộc huyện nghèo đã đăng ký kiểm tra TOPIK – EPS tháng 8/2012 nhưng chưa được tham gia kiểm tra; hơn 2.000 lao động về nước đúng hạn, đã đỗ kỳ kiểm tra TOPIK – EPS trên máy tính mà chưa sang lại Hàn Quốc và các lao động trong ngành ngư nghiệp.

 

Như vậy, với bản ghi nhớ đặc biệt này đã tạo điều kiện cho số lao động đang tồn có cơ hội làm việc trở lại. Hiện đã có khoảng 52% hồ sơ thi tuyển trên mạng được lựa chọn. Đối với những hồ sơ lao động hết hạn và về nước theo đúng quy định nếu trong vòng 20 ngày không được chủ sử dụng cũ lựa chọn sẽ được chuyển sang nhóm lao động mới.

 

Thêm một tin vui nữa cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc là Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ra thông báo về mức lương tối thiểu áp dụng cho người lao động nước ngoài từ 1/1/2013 đến 31/12/013 sẽ từ 1.000-1.500 USD/tháng, cao nhất là 1.300-1.700 USD/tháng (khoảng 26-35 triệu đồng/tháng).

 

Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ&TBXH) cho biết: “Từ nay đến cuối năm Trung tâm sẽ thông báo rộng rãi cho các tỉnh nhu cầu tuyển dụng đi làm việc trở lại nếu lao động nào có nhu cầu. Người lao động có thể học tiếng ngay tại địa phương để giảm chi phí. Với lao động nông nghiệp ở các huyện nghèo (khả năng học tiếng nước ngoài khó hơn), Trung tâm cũng đang nghiên cứu để yêu cầu các doanh nghiệp tăng thời gian học tiếng để đảm bảo yêu cầu”.

 

Nghị định mới đối với lao động bỏ trốn

Để giải quyết tình trạng lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của những lao động khác, Chính phủ đã ra Nghị định 95/2013/NĐ-CP, về việc ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc. Theo đó, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng. Nghị định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/10. Nhằm siết chặt tình trạng lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc, từ 10/10/2013, sẽ phạt 100 triệu đồng nếu lao động hết hạn hợp đồng nhưng không về nước; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; bỏ trốn tại sân bay sau khi nhập cảnh Hàn Quốc; lôi kéo dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt lao động Việt Nam ở lại cư trú bất hợp pháp.

 

Ngoài việc phạt 100 triệu đồng, những lao động này buộc về nước và không được đi làm việc trong 2 năm (nếu bỏ trốn tại nơi cư trú), 5 năm nếu bỏ trốn tại sân bay và dụ dỗ người khác ở lại Hàn Quốc trái quy định. Nếu tự nguyện về nước trong thời gian 3 tháng (từ ngày 10/10/2013 đến ngày 10/1/2014), lao động đã bỏ trốn sẽ được miễn xử phạt hành chính.

 

Quyết định cũng nêu rõ, người lao động thuộc đối tượng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài được vay tối đa 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ. Trường hợp người lao động hoàn thành hợp đồng về nước đúng hạn, người lao động bị chết trong thời gian làm việc theo hợp đồng hoặc phải về nước trước hạn do điều kiện khách quan (thiên tai, ốm đau, tai nạn…), người lao động không đi làm việc tại Hàn Quốc sau khi đã nộp tiền ký quỹ thì khoản tiền này (bao gồm cả gốc và lãi) sẽ được hoàn trả cho người lao động.

 

Trường hợp, nếu người lao động về nước trước thời hạn do vi phạm hợp đồng thì tiền ký quỹ sẽ được sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra; nếu còn thừa sẽ được trả lại cho người lao động; nếu không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung. Nếu người lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn, ở lại cư trú và làm việc trái phép tại Hàn Quốc, tiền ký quỹ sẽ không được hoàn trả.

 

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định rõ: doanh nghiệp tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng sẽ bị phạt tiền từ 20 – 40 triệu đồng nếu có hành vi không báo cáo danh sách lao động xuất cảnh với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài theo quy định hoặc không phối hợp với các cơ quan này trong việc quản lý và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

 

Như vậy, từ tháng 10/2013 thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc chính thức mở cửa tuyển dụng lao động Việt Nam trở lại làm việc. Hy vọng với bản cam kết mới giữa hai nước và nghị định 95 về quy định mới trong việc xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc sẽ mang lai nhiều điểm tích cực, mở ra một con đường mới cho người lao động Việt Nam muốn xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc nói riêng và các nước khác trên thế giới nói chung.

 

Thúy Lộc – CareerLink.vn

Sao chép thành công