Mặc dù phải đến tháng 10/2012, Chính Phủ mới ban hành phương án chính thức về điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2013 nhưng thị trường lao động đã xôn xao trước tin tiếp tục nâng lương tối thiểu.
Tăng thêm 500-700 ngàn/người/tháng
Căn cứ vào 2 phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2013 trong các loại hình doanh nghiệp mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có công văn đề nghị địa phương lấy ý kiến, lương tối thiểu vùng 1 tăng từ 2 triệu đồng/tháng lên 2,7 triệu đồng/tháng, vùng 2 tăng từ 1,78 triệu đồng lên 2,4 triệu đồng, vùng 3 tăng từ 1,55 triệu đồng lên 2,13 triệu đồng và vùng 4 tăng từ 1,4 triệu đồng lên 1,93 triệu đồng.
Tuy nhiên, do lo ngại điều chỉnh này sẽ làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp nên Bộ cũng đưa thêm phương án 2. Theo đó, mức điều chỉnh vùng 1 là 2,5 triệu đồng, vùng 2 là 2,25 triệu đồng, vùng 3 là 1,95 triệu đồng và vùng 4 là 1,8 triệu đồng. Dự kiến, Chính phủ sẽ công bố điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nói trên vào tháng 10/2012 và việc điều chỉnh lương sẽ bắt đầu từ ngày 01/1/2013.
Nếu áp dụng, lương tối thiểu mới ước tăng khoảng 35% so với lương tối thiểu cũ. Vì thế, người lao động ít nhiều hồ hởi. Tuy nhiên, giám đốc một CTCP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản cho biết, hiện công ty đã trả lương cho nhân viên cao hơn so với quy định lương tối thiểu này. Nghĩa là việc tăng lương tối thiểu chỉ có ý nghĩa với doanh nghiệp quốc doanh (tính lương theo ngạch-dựa trên lương tối thiểu), cho những người đang nhận các trợ cấp xã hội (như nghỉ hưu, thất nghiệp, thai sản…) và thuận lợi cho người lao động trong việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Dù vậy, không thể phủ nhận phương án điều chỉnh lương tối thiểu mới này đã thu hẹp dần khoảng cách giữa lương cơ bản với lương thực tế. Theo mặt bằng lương chung thì mức lương doanh nghiệp trả cho công nhân trong khoảng 2,5-5 triệu đồng/tháng/người tùy ngành nghề. Với lao động có trình độ cao hơn, mức lương trung bình chênh lệch là 1,5-2,5 lần. Nghĩa là các nhà làm chính sách đã tiến dần đến mục đích thu hẹp khoảng cách về lượng. Nhưng với người lao động, quan trọng là lương có đủ sống không.
Lương khó đua được với giá
Mới đây, trong dự thảo Luật sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân dự kiến áp dụng từ 1/7/2013, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế tăng từ 4 triệu đồng hiện hành lên 9 triệu đồng/tháng, tương ứng 108 triệu đồng/năm. Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 1,6 triệu đồng/tháng hiện hành lên 3,6 triệu đồng/tháng. Tính toán này của Bộ Tài Chính đã gián tiếp thể hiện, Bộ Tài Chính ghi nhận thực tế chi tiêu trong mỗi gia đình đã tăng và sẽ còn tăng.
Trong chia sẻ với báo giới khi lương tăng vào ngày 01/5/2012, ông Lê Hải Mơ, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cũng thừa nhận “thu nhập từ lương dù cải thiện nhưng mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu chi tiêu tối thiểu của người lao động chứ chưa nói đến việc chi tiêu cho gia đình họ”.
Khảo sát sơ bộ từ một số gia đình, nhất là gia đình có con nhỏ hay phải thuê mướn nhà thì thu nhập 12-15 triệu đồng/tháng của mỗi hộ gần như chỉ đủ chi tiêu trong mức tiết kiệm. Bởi lẽ, trước một loạt những tác động từ giá xăng, điện nước, gas tăng, giá nhiều mặt hàng, dịch vụ cũng nhảy múa theo. Sắp tới, người lao động còn tiếp tục lo âu khi xăng lại tăng thêm 1100 đồng/ lít lên 23.000 đồng/ lít (ngày 13.8.2012-Xăng 92). Xăng tăng kéo theo nhiều đợt tăng giá mới mà trước mắt là thực phẩm rục rịch tăng giá và các hãng taxi như Vinasun tuyên bố tăng giá cược thêm 500 đồng/km, .
Vì thế, báo cáo kết quả nghiên cứu tâm lý – hành vi người tiêu dùng của người dân TPHCM mới nhất do Báo Sài Gòn Tiếp Thị đã chỉ ra, chi phí cho giải trí (xem phim, kịch, ca nhạc…) chỉ chiếm 3% tổng thu nhập hộ gia đình. Điều này cho thấy, người dân đã dành gần hết thu nhập cho nhu cầu tối thiểu (như ăn mặc) nên không có điều kiện để hưởng thụ các loại hình giải trí bên ngoài.
Những khoản bù vào thâm hụt, mua sắm lớn hay để tích lũy, đầu tư thường được người lao động trông đợi ở những thu nhập ngoài lương như thưởng lễ tết. Tuy nhiên, với thực trạng chỉ riêng TPHCM đã có hơn 1200 DN giải thể, 1065 DN tạm ngưng hoạt động trong 06 tháng đầu năm 2012, với thua lỗ gia tăng và đa số DN chịu cảnh suy giảm lợi nhuận, khả năng người lao động bị cắt giảm nguồn thu ngoài lương rất cao.
Tăng lương rõ ràng là tin tốt nhưng mong muốn nhất của người lao động lúc này là đừng bị cắt giảm các nguồn thu nhập dù là lý do nào và hy vọng giá cả thị trường đừng biến động để người lao động đỡ đau đầu trong tính toán chi tiêu.
Hà Thy – CareerLink.vn
Lo hay mừng trước lương tối thiểu tăng?
Sao chép thành công