Làm sáng tỏ 5 lầm tưởng về thư ứng tuyển vào công ty

Thư ứng tuyển vào công ty là phần mở rộng CV xin việc để bạn có thêm không gian để giải thích lý do tại sao bạn ứng tuyển và vì sao bạn quan tâm đến vai trò cũng như công ty. Đây còn là cách hiệu quả để thêm một câu chuyện hấp dẫn về kỹ năng của bạn nhằm tạo ấn tượng tích cực và thuyết phục nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, có rất nhiều thông tin trái chiều về cách viết thư ứng tuyển chuẩn, thế nên bước đầu tiên là cần làm rõ về những lầm tưởng liên quan.

“Thư ứng tuyển vào công ty, dù được gửi qua email hay tải lên các trang ứng tuyển trực tuyến, vẫn là một cách quan trọng để làm cho hồ sơ xin việc của bạn nổi bật.”

Bạn không cần thư ứng tuyển vào công ty vì nhà tuyển dụng không đọc chúng

Làm sáng tỏ 5 lầm tưởng về thư ứng tuyển vào công ty

Thực tế là nhiều nhà tuyển dụng coi thư ứng tuyển cũng quan trọng như CV. Chị Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Tuyển dụng giải thích: “Thư ứng tuyển thể hiện nhiều khía cạnh của ứng viên như tính cách, khả năng giao tiếp… những điều thường khó thấy được ở CV. Đây cũng là nơi ứng viên sẽ nói về lí do vì sao họ là người phù hợp với vị trí và truyền đạt sự nhiệt tình của họ đối với công việc. Chúng tôi luôn cần tìm hiểu các thông tin cá nhân như vậy, đặc biệt là khi lựa chọn giữa các ứng viên có trình độ ngang nhau”. 

Chị cũng chia sẻ thêm: “Nếu hỏi tôi có đọc mọi lá thư ứng tuyển mà tôi nhận được không thì câu trả lời là Có. Nếu hỏi tôi có đánh giá ứng viên là thiếu nhiệt tình khi gửi email chỉ vỏn vẹn vài chữ: “Vui lòng xem CV đính kèm” không thì đáp án chắc chắn là Có. Nếu nhà tuyển dụng yêu cầu, bạn nên viết thư ứng tuyển và nó phải đầy đủ các chi tiết để xứng đáng với tên gọi. Nếu họ không bắt buộc, bạn vẫn nên gửi thư để chứng minh rằng bạn có sự chuyên nghiệp và hiểu biết”.

Thư ứng tuyển chỉ cần lặp lại những gì đã có trong CV là được

Mặc dù có thể có sự trùng lặp giữa thông tin bạn đưa vào thư ứng tuyển và thông tin trình bày trong CV, nhưng hai tài liệu này khác nhau ở nhiều điểm. Khác biệt chính là thư ứng tuyển cho bạn cơ hội giải thích mọi thứ chi tiết hơn so với trong CV. Thư ứng tuyển cần cho thấy điểm mạnh của bạn và nêu bật những lý do thuyết phục nhất tại sao bạn là người phù hợp tuyệt vời cho công việc.

Theo đó, mở đầu thư ứng tuyển bạn có thể trình bày chi tiết về một số vai trò trước đây có liên quan đến vị trí ứng tuyển, nói rõ những thành tích hoặc nhiệm vụ cụ thể mà bạn đã hoàn thành và cách mà trải nghiệm của bạn có thể mang lại giá trị cho nhà tuyển dụng tương lai. Điều này sẽ giúp tạo nên sự khác biệt giữa bạn và đối thủ cạnh tranh khi quyết định phỏng vấn được đưa ra. Chị Mỹ Liên lý giải: “Nhà tuyển dụng không chỉ chọn ứng viên dựa trên kỹ năng mà còn tìm kiếm người phù hợp với nhóm và giá trị tổ chức của họ, vì vậy đừng ngại thể hiện bản thân mình trong thư”. Theo chị, thư ứng tuyển nên ngắn gọn vì vậy hãy chọn hai hoặc ba kỹ năng quan trọng nhất của vai trò mà bạn đang ứng tuyển và tập trung vào chúng. Hãy cụ thể nhất có thể vì chỉ có như thế bạn mới thực sự chứng minh được năng lực của mình.

Thư ứng tuyển chỉ dành cho các vị trí cấp cao

Thêm một lầm tưởng phổ biến khác mà chị Mỹ Liên đề cập đến là thư ứng tuyển vào công ty chỉ cần thiết cho những người ứng tuyển vào các vị trí cấp cao. Thực tế là, một lá thư ứng tuyển được viết tốt có thể có lợi cho bất kỳ ứng viên nào. “Ngay cả khi bạn đang ứng tuyển vào một vị trí cần ít kinh nghiệm và kỹ năng thì thư ứng tuyển cũng có thể giúp bạn nổi bật. Nó cho phép bạn thể hiện sự nhiệt tình của mình, giới thiệu bất kỳ kinh nghiệm hoặc kỳ thực tập nào có liên quan và nói rõ lý do tại sao bạn quan tâm đến việc bắt đầu sự nghiệp của mình với công ty cụ thể đó”, chị Liên bày tỏ.

Thư ứng tuyển chỉ nên tập trung vào nhu cầu của bạn

Như có thể thấy trong bất kỳ lời khuyên viết thư ứng tuyển nào thì bạn nên bao gồm thông tin về các trải nghiệm cho thấy bạn có năng lực ra sao và vị trí đang ứng tuyển sẽ hỗ trợ cho sự phát triển nghề nghiệp của bạn như thế nào. Làm như vậy bạn có thể thuyết phục nhà tuyển dụng tin rằng bạn sẽ gắn kết với công việc lâu dài. Tuy nhiên, thư ứng tuyển cũng nên truyền đạt những cách khác nhau mà kinh nghiệm và kỹ năng của bạn có thể mang lại giá trị cho nhà tuyển dụng.

Chị Mỹ Liên tiết lộ: “Chỉ tập trung vào bản thân và những lợi ích mà vai trò đó mang lại cho bạn sẽ không hấp dẫn đối với nhà tuyển dụng. Suy cho cùng, mục tiêu của họ là tuyển người có thể mang lại lợi ích cho công ty. Họ muốn biết bạn có thể làm gì cho họ. Bạn có thể tác động đến lợi nhuận như thế nào? Bạn có thể làm những gì được yêu cầu ở vị trí này không? Bạn có phù hợp với văn hóa công ty không? Vì vậy, hãy cân nhắc đến việc cân bằng giữa việc đề cập đến sở thích của bạn đối với công việc và cách bạn có thể đáp ứng được kỳ vọng”.

Bạn có thể sử dụng cùng một lá thư ứng tuyển cho mọi đơn xin việc

Viết thư ứng tuyển không phải là việc dễ dàng và mọi người thường gặp khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ này lần đầu tiên. Tuy nhiên, sự thật là bạn sẽ cần phải tạo nhiều thư ứng tuyển trong quá trình tìm việc của mình.

“Lý do đằng sau điều này là mục đích của thư ứng tuyển. Những lá thư này nhằm mục đích làm nổi bật các kỹ năng phù hợp với một vị trí công việc cụ thể. Do đó, bạn nên tạo thư ứng tuyển riêng cho từng vai trò mà bạn ứng tuyển”, chị Mỹ Liên phân tích.

Ví dụ, nếu bạn đang ứng tuyển vào một công việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thư ứng tuyển của bạn có thể đề cập đến trải nghiệm của bạn ở vai trò là lễ tân ở một phòng khám. Nếu ứng tuyển vào công việc trong ngành tài chính, tốt hơn là nên nói về các khóa học liên quan đến tài chính mà bạn đã học ở trường thay vì lễ tân phòng khám.

Trong thị trường việc làm cạnh tranh ngày nay, một lá thư ứng tuyển vào công ty được viết tốt có thể tạo nên sự khác biệt giữa việc được phỏng vấn và bị từ chối. Bằng cách làm sáng tỏ những lầm tưởng phổ biến về thư ứng tuyển và làm theo các chiến lược đã được chứng minh, bạn sẽ tạo ra một lá thư ứng tuyển không chỉ bổ sung thông tin cho CV của mình mà còn thể hiện giá trị độc đáo của bạn đối với các nhà tuyển dụng tiềm năng.

Ngọc Quyên

Sao chép thành công