BD là gì? Kỹ năng cần có của nhân viên phát triển kinh doanh

BD là gì mà được xem là vị trí quan trọng trong bất cứ công ty nào. Để hiểu rõ về BD, công việc và kỹ năng cần thiết của BD cũng như khác biệt giữa BD và Sales, hãy đọc ngay nội dung sau đây nhé.

BD là gì?

“BD hay Business development là bộ phận phát triển kinh doanh, chịu trách nhiệm tìm kiếm, khai thác và phát triển cơ hội kinh doanh mới, giúp doanh nghiệp tăng trưởng và mở rộng thị trường”

Bộ phận BD thường bao gồm Nhân viên phát triển kinh doanh (Business Development Executive) và Quản lý hay Giám đốc phát triển kinh doanh (Business Development Manager).

Nhân viên Phát triển kinh doanh Business Development Executive nắm vững kiến thức và kỹ năng về Sales và Marketing, có nhiệm vụ xây dựng và duy trì các mối quan hệ hợp tác lâu dài với khách hàng, đối tác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp.

Giám đốc phát triển kinh doanh Business Development Manager là người đứng đầu phòng phát triển kinh doanh có trách nhiệm xác định phương hướng và tầm nhìn phát triển kinh doanh của doanh nghiệp, triển khai và thúc đẩy kết quả hoạt động kinh doanh.

Tùy vào lĩnh vực và quy mô kinh doanh mà nhiệm vụ của các vị trí này sẽ khác nhau nhưng mục tiêu chính vẫn là đảm bảo gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Xem Thêm: Việc Làm Nhân Viên Kinh Doanh Tại Careerlink.vn

Vai trò của nhân viên BD là gì?

Business Development đóng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng từ cấp độ nhân viên đến trưởng phòng với các nhiệm vụ chính như:

  • Khám phá cơ hội kinh doanh mới, khách hàng tiềm năng mới, nghiên cứu xu hướng thị trường cũng như đối thủ cạnh tranh.
  • Củng cố mối quan hệ với khách hàng hiện tại, đảm bảo sự hài lòng của họ và khuyến khích họ tiếp tục sử dụng sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp.
  • Lên kế hoạch và thực hiện các chiến lược phát triển kinh doanh dài hạn, giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu kinh doanh đề ra.

Công việc của nhân viên BD

  • Tiếp nhận dữ liệu khách hàng từ bộ phận Marketing, rà soát, sàng lọc và phân tích để đưa ra danh sách khách hàng chất lượng và tiềm năng cho bộ phận bán hàng.
  • Liên hệ, thiết lập và duy trì mối quan hệ với khách hàng tiềm năng và đối tác chiến lược.
  • Phối hợp với các bộ phận khác như Marketing, Sales, Product… để thực hiện các buổi ra mắt sản phẩm/dịch vụ mới.
  • Nghiên cứu xu hướng thị trường và đề xuất những cơ hội kinh doanh nhằm mở rộng thị trường hoặc hợp tác với các đối tác mới.
  • Thực hiện báo cáo tình hình kinh doanh theo yêu cầu của lãnh đạo.

Yêu cầu tuyển dụng Business Development

Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp các ngành quản trị kinh doanh, kinh tế, Marketing…

Kinh nghiệm: Có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực B2B, đã từng đảm nhận vị trí nhân viên bán hàng hoặc tiếp thị thị trường hay Marketing.

Kỹ năng: thành thạo vi tính văn phòng và các công cụ, phần mềm liên quan đến công việc; có kỹ năng đàm phán, thuyết phục, tư vấn và bán hàng; lập ngân sách, nghiên cứu thị trường, nhạy bén với các cơ hội kinh doanh; giải quyết vấn đề và biết cách tiếp cận, xây dựng mối quan hệ với khách hàng, đối tác.

Mức lương của nhân viên BD có cao không?

Nhân viên Business Development thường có mức thu nhập khá cao, dao động từ 10 – 20 triệu đồng/tháng dựa trên mức độ đạt được các mục tiêu về KPI, số lượng đối tác, khách hàng được kết nối cũng như số lượng hợp đồng được ký kết. Với các Business Development Manager, mức lương trung bình rơi vào khoảng 15 – 20 triệu đồng/tháng. Nếu có năng lực tốt và kinh nghiệm dày dặn, mức lương của họ có thể lên đến 35 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, người làm trong bộ phận BD còn nhận được các khoản thưởng, hoa hồng hấp dẫn.

Tất nhiên, mức lương cao đi kèm với yêu cầu ccao về kỹ năng lẫn kinh nghiệm. Do đó, để trở thành nhân viên phát triển kinh doanh chuyên nghiệp và nhận được mức lương cao thì bạn cần trau dồi và phát triển thêm kỹ năng cần thiết.

So sánh điểm khác biệt giữa nhân viên Sales và nhân viên Phát triển kinh doanh

Dù cùng làm việc với khách hàng nhưng tính chất công việc của Sales và BD hoàn toàn khác. Hãy cùng xem điểm khác biệt giữa Sales và BD là gì sau đây nhé.

Về bản chất công việc

Đối tượng khách hàng: Khách hàng của Sales là người có nhu cầu và đã biết về sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Khách hàng của BD là những người mới, có thể có nhu cầu về sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp trong tương lai.

Mục tiêu: mục đích của nhân viên bán hàng là bán sản phẩm, dịch vụ, chốt đơn và mang về doanh thu trực tiếp trong khi đó mục tiêu của nhân viên BD là tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, xây dựng mối quan hệ với khách hàng và đối tác, tạo nền tảng cho sự phát triển cho doanh nghiệp về lâu dài.

Tính chất: Sales có tính chất ngắn hạn khi áp dụng các chiến lược thuyết phục mua hàng và tạo ra doanh thu ngay tại thời điểm hiện tại. BD có tính chất dài hạn khi chịu trách nhiệm tìm kiếm khách hàng tiềm năng, đối tác chiến lược và thuyết phục họ sử dụng sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp với mục đích lâu dài.

Đặc trưng nhân viên: Mục tiêu của Sales là thu nhập. Mục tiêu của BD là hướng đến sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Về hành trình khách hàng

Hành trình khách hàng thường trải qua 5 giai đoạn: Nhận biết – Cân nhắc – Mua hàng – Quay lại – Ủng hộ.

Giai đoạn nhận thức (Awareness): Sales ít tham gia vào giai đoạn này trong khi Business Development nghiên cứu thị trường và xác định khách hàng tiềm năng, thực hiện các chiến lược xây dựng nhận thức về sản phẩm/dịch vụ.

Giai đoạn cân nhắc (Consideration): Sales bắt đầu tham gia vào giai đoạn này như tiếp cận khách hàng có nhu cầu, giải đáp thắc mắc và cung cấp thông tin chi tiết. Business Development hỗ trợ Sales xác định khách hàng tiềm năng và cung cấp thông tin về thị trường.

Giai đoạn quyết định (Decision): Sales áp dụng các kỹ năng thuyết trình để thuyết phục khách hàng và hỗ trợ thanh toán. Business Development ít tham gia vào giai đoạn này, chỉ hỗ trợ sales chốt hợp đồng.

Giai đoạn sau bán hàng (Post-Sale): Sales duy trì mối quan hệ với khách hàng, giải quyết các vấn đề sau bán hàng, khuyến khách họ giới thiệu khách hàng mới. Business Development ít tham gia vào quá trình này, chỉ hỗ trợ các chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng thân thiết để duy trì mối quan hệ.

Có thể thấy, Sales tập trung vào việc bán hàng cho khách hàng tiềm năng đã có nhu cầu trong khi Business Development tập trung vào việc xây dựng nhận thức thương hiệu, phát triển thị trường và tạo ra khách hàng mới.

Bài viết này đã cung cấp thông tin về BD là gì và sự khác nhau giữa Sales và BD. Nếu bạn có niềm yêu thích kinh doanh, giỏi giao tiếp và muốn chinh phục những đỉnh cao mới thì BD là sự lựa chọn tuyệt vời dành cho bạn. Để ứng tuyển vào các vị trí BD hấp dẫn, hãy truy cập ngay vào trang web CareerLink.vn nhé.

Thu Trang

Sao chép thành công