Bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng có vài nhu cầu cần được ứng viên đáp ứng trong buổi phỏng vấn. Vậy, cụ thể họ muốn nghe thấy điều gì? Dưới đây là 3 điều nhà tuyển dụng thực sự muốn nghe từ bạn trong quá trình phỏng vấn, hãy cùng tham khảo nhé!
Bạn có khả năng
Một cuộc phỏng vấn việc làm là cơ hội để bạn giới thiệu tài năng, kinh nghiệm và mục tiêu nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, bạn chỉ có một khoảng thời gian giới hạn, vì vậy đây không phải là lúc để kể về câu chuyện nghề nghiệp mà cần tập trung, điều đầu tiên là bạn có khả năng làm việc.
Để chứng minh khả năng đảm nhận vị trí ứng tuyển, bạn cần cho thấy rằng mình tự tin, có kiến thức và kinh nghiệm làm việc phong phú liên quan đến vai trò ứng tuyển (Bạn cũng cần nêu rõ mức độ liên quan, tránh để nhà tuyển dụng phải đoán). Khi câu hỏi mở “Hãy nói qua một chút về bạn” được đặt ra là lúc bạn nên chứng tỏ khả năng của mình. Đây là câu hỏi cực kỳ rộng nhưng bạn cần nói chuyện cụ thể về các kỹ năng và kinh nghiệm sẽ áp dụng cho công việc. Những kỹ năng và kinh nghiệm này không chỉ là những điều bạn đã đạt được trong công việc trước đây mà còn có thể là các kỹ năng chuyển giao có được thông qua hoạt động tình nguyện, sở thích… Nhà tuyển dụng không quan tâm nhiều tới việc bạn đã làm cùng một công việc trong quá khứ hay chưa, họ muốn có một bức tranh chính xác về những gì bạn có thể làm trong tương lai.
Bạn rất hào hứng với công việc
Điều quan trọng không kém khả năng làm việc là liệu rằng bạn có thực sự muốn công việc hay không. Nhà tuyển dụng muốn thấy bạn có sự nhiệt tình với công ty và nếu có được lời mời thì bạn sẽ chấp nhận công việc.
Có rất nhiều điều thể hiện sự quan tâm của bạn trong buổi phỏng vấn, bao gồm những gì bạn nói và cách bạn thể hiện. Trước tiên, bạn cần chứng minh mình có sự chuẩn bị kỹ lưỡng bằng cách thể hiện sự hiểu biết về tình hình phát triển lĩnh vực hoạt động của công ty, các mục tiêu của doanh nghiệp, thậm chí tìm hiểu về những người đã làm việc ở đó. Nhà tuyển dụng muốn biết bạn đã nghĩ về những gì có thể mang lại cho vị trí, tự hình dung mình trong vai trò ứng tuyển và suy nghĩ về cách sẽ đóng góp cho công ty, chứ không chỉ ở đó để làm việc và nhận lương mỗi tháng.
Ngoài ra, ngôn ngữ cơ thể cũng sẽ tác động đến việc người phỏng vấn có đánh giá bạn là người quan tâm đến công việc hay không. Bạn có liên lạc bằng mắt với người phỏng vấn hay liên tục nhìn vào đồng hồ hoặc cửa ra vào, khiến bạn có vẻ như không thể chờ đợi để ra khỏi đó? Tất cả điều này đều ảnh hưởng đến ấn tượng bạn mang lại cho nhà tuyển dụng.
Bạn sẽ phù hợp với công ty
Cuối cùng, nhà tuyển dụng sẽ sử dụng buổi phỏng vấn để cố gắng xác định xem bạn có phù hợp với môi trường công ty, bạn có phải là “mảnh ghép còn thiếu” của nhóm hay bạn có tin tưởng vào sứ mệnh của công ty hay không. Nếu các ứng viên đều có khả năng, đều yêu thích công việc thì “phù hợp” là yếu tố quyết định bạn có nhận được lời mời làm việc hay phải rời khỏi “vòng đua”.
Để thể hiện sự phù hợp của bạn cho một công việc, bạn cần chứng minh rằng bạn hiểu và phù hợp với văn hóa công ty. Phù hợp không có nghĩa là bạn cần phải là bản sao của những người làm việc ở đó mà là những điều bạn sẽ “bù đắp” cho nhóm thông qua các kỹ năng, quan điểm và ý tưởng mới mẻ. Do đó, trong buổi phỏng vấn bạn cần thoải mái nói lên các ý tưởng của mình đồng thời bạn là người có tinh thần đồng đội và sẽ hợp tác tốt với các đồng nghiệp khác.
Việc bạn có phù hợp với tổ chức hay không không phải là điều bạn có thể kiểm soát. Bạn chỉ cần chân thực, cho nhà tuyển dụng thấy bạn hiểu tổ chức và cách bạn phù hợp với nhóm sẽ giúp bạn có được lợi thế lớn khi họ xem xét yếu tố quan trọng này.
Hoàng Oanh