Tự ái là gì? Bí quyết để giảm bớt cảm giác tự ái

Tự ái là gì? Những người tự ái có đặc điểm gì và làm thế nào để giảm bớt tính tự ái của bản thân? Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp qua nội dung sau đây, hãy cùng tìm hiểu nhé. 

Tự ái là gì? Bí quyết để giảm bớt cảm giác tự ái

Tự ái là gì?

Tự có nghĩa là bản thân, ái có nghĩa là yêu. Tự ái là tự yêu bản thân mình. 

“Tự ái là một tính từ mang ý nghĩa đề cao cái tôi của bản thân, từ đó sinh ra cáu gắt, giận dỗi mỗi khi bị xem thường hoặc bị đánh giá thấp.”

Theo nhiều nghiên cứu, tự ái là một hội chứng của rối loạn nhân cách. Họ luôn đề cao tầm quan trọng củ bản thân, cho mình cao hơn hẳn những người khác và sinh ra hờn dỗi mỗi khi người khác có thành tích cao hơn mình. Vì điều này họ khó kết nối với người khác và khó xây dựng các mối quan hệ bền vững. 

Tại sao người tự ái lại dễ tự ái như vậy? 

Có thể họ đang gặp phải các vấn đề sau: 

  • Có vấn đề về tâm lý liên quan đến những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ nhưng chưa được giải tỏa hoàn toàn. 
  • Họ nhận ra rằng giá trị của bản thân đang bị đe dọa. 
  • Họ tự ti, mặc cảm. 
  • Họ dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như mạng xã hội… Hay nói cách khác, họ không có sức mạnh nội tại. 

Người dễ tự ái thường gặp trở ngại nào? 

Họ không nhận được sự tin cậy và tôn trọng từ mọi người xung quanh bởi quá xem trọng ý kiến cá nhân mà không quan tâm đến cảm nhận của người khác. Ngoài ra, hành vi của họ dễ bị cảm xúc chi phối nên thường có các hành động tiêu cực. 

Tự ái cao cũng khiến mối quan hệ rạn nứt, không tồn tại lâu bởi không ai thích người chỉ biết quan tâm đến bản thân mình. Ngoài ra, người tự ái có thể không có nhiều cơ hội phát triển trong học tập lẫn sự nghiệp vì luôn cho mình là nhất, không muốn học hỏi ở bất kỳ ai. 

Dấu hiệu của người có tính tự ái

Coi mình là cái rốn của vũ trụ

Người có tính tự ái luôn muốn mình là trung tâm của mọi sự chú ý trong công việc lẫn cuộc sống. Họ muốn hành động của họ được mọi người ghi nhớ, thành tích của họ được mọi người ghi nhận, khả năng của họ được mọi người đề cao. Cũng chính vì điều này mà một khi không nhận được sự quan tâm, họ sẽ có suy nghĩ tiêu cực, tự làm tổn thương mình. 

Dễ bị cảm xúc chi phối

Người có tính tự ái dễ bị cảm xúc chi phối bởi luôn đặt cái tôi lên hàng đầu. Mỗi khi nhận được lời góp ý, họ sẽ cho rằng mọi người đang hạ thấp và coi thường họ. Điều này dẫn đến sự tự ti, bốc đồng dễ đưa họ đến các quyết định thiếu sáng suốt dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Trong các cuộc tranh luận, người có tính tự ái sẽ không bao giờ nhận sai và luôn tìm cách khẳng định mình đúng. Họ không chịu nhìn nhận quan điểm của người khác nên cuộc trò chuyện dễ đi đến ngõ cụt, thậm chí khiến mối quan hệ tan vỡ. Đôi khi chỉ những câu nói đùa cũng khiến người tự ái để tâm và làm quá vấn đề khiến mọi người xung quanh xa lánh. 

Kỹ năng làm việc nhóm kém

Nói đến đặc điểm của người có tính tự ái là gì thì không thể bỏ qua khả năng làm việc nhóm rất kém. Với tính cách chỉ đề cao bản thân mình, không chịu lắng nghe ý kiến đóng góp từ người khác nên người tự ái không phải là một thành viên đáng giá của nhóm. Họ bảo thủ, cố chấp không đồng ý với những người trái quan điểm hoặc không tự tin vào bản thân nên ít khi tham gia đóng góp xây dựng nhóm. Dĩ nhiên, không ai lại muốn làm việc với người có tính cách như vậy. 

Không chịu lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người khác

Nếu người tích cực luôn vui lòng, sẵn sàng chấp nhận và rút kinh nghiệm khi có ai đó góp ý, coi đó là kinh nghiệm quý báu thì ngược lại, người dễ tự ái không thích điều đó. Họ không thích nhận lỗi sai, không muốn nghe ý kiến của người khác, nhất là khi đó là ý kiến đóng góp về các thiếu sót của họ. Họ nghĩ bản thân luôn đúng và không chấp nhận thay đổi. Đây chính là rào cản người tự ái đi đến thành công. 

Suy nghĩ tiêu cực quá nhiều

Một đặc điểm dễ nhận thấy ở người có tính tự ái là suy nghĩ quá nhiều. Đôi khi những câu nói vui của người xung quanh cũng khiến họ cho rằng tất cả điều đó đang hướng về mình và sinh ra tâm lý bất an. Họ hiếm khi có giây phút sống bình yên vì luôn bị ám ảnh bởi suy nghĩ tiêu cực. Người có tính tự ái cũng luôn dằn vặt, trách móc bản thân và khó thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực đó. Càng tìm cách quên đi những tổn thương thì họ càng lún sâu hơn vào tổn thương đó. 

Bí quyết để giảm bớt cảm giác tự ái

Thẳng thắn đối mặt với lời góp ý của người khác

Muốn vượt qua sự tự ái, chúng ta cần tạo cho mình sự thoải mái, cởi mở đón nhận các quan điểm mới. Nếu lời góp ý của mọi người là đúng, hãy dũng cảm đối mặt và sửa đổi để ngày càng trở nên tốt hơn. Nếu ý kiến của họ là sai, thì chúng ta cần cố gắng hơn nữa để chứng minh rằng mình đang đúng. Hãy tập trung vào việc cải thiện bản thân thay vì cứ nhìn thành công của người khác rồi ghen tị. 

Rèn luyện tính khiêm tốn

Chúng ta cần hạ thấp cái tôi của mình xuống để nhìn thấy ưu điểm của người khác đồng thời tiếp thu, lắng nghe ý kiến của họ, không quá cố chấp và kỳ vọng quá cao vào bản thân, dám đối mặt với sai lầm và sửa chữa để trở nên tốt hơn. 

Luôn có suy nghĩ tích cực

Đối mặt với bất kỳ vấn đề nào, chúng ta cần suy nghĩ tích cực để đưa ra quyết định đúng đắn. Đôi khi vì quá tự ái mà chúng ta mất đi tự tin và có suy nghĩ rằng mình không làm được. Hãy suy nghĩ tích cực lên để loại bỏ sự tự ái và hướng đến cuộc sống vui vẻ, bình yên. 

Trên đây là chia sẻ về tự ái là gì mà CareerLink muốn gửi đến bạn. Hi vọng thông tin này hữu ích cho bạn trong việc rèn luyện một tính cách tích cực, từ đó gặt hái được nhiều thành công trong công việc và cuộc sống. 

Trang Trần

Về Tác Giả

CareerLink

Sao chép thành công