Mục Lục
Ngoài việc vật vã tìm vị trí phù hợp, viết CV, thư xin việc thì bạn cũng cần suy nghĩ về chuyện nên nhờ ai làm người tham khảo khi tìm việc để chứng thực khả năng và trình độ của mình. Bởi nhiều công ty sẽ yêu cầu bạn đưa danh sách người tham khảo vào hồ sơ xin việc hoặc cung cấp thông tin về họ khi tham gia phỏng vấn.
Khi nhận được đề nghị này từ nhà tuyển dụng, bạn có thể “nhức nhức cái đầu” bởi nhiều câu hỏi tuôn ra xối xả: Nên chọn ai làm người tham khảo? Rồi nên nhờ ra sao để họ nhận lời? Hay nên dặn dò họ những gì, cung cấp thông tin nào để giúp bạn tăng cơ hội trúng tuyển?…
Đừng vội, chúng ta sẽ lần lượt làm sáng tỏ từng thắc mắc này nhé.
Lựa chọn người tham khảo khi tìm việc một cách khôn ngoan
“Hãy nghĩ đến những người có thể nói kỹ về kỹ năng và trình độ của bạn cho vị trí ứng tuyển trong quá trình chọn người tham khảo khi tìm việc.”
Có lẽ bạn đã từng nghe rất nhiều lời khuyên rằng, người tham khảo lý tưởng nên là quản lý cũ hay đồng nghiệp có uy tín, thậm chí là khách hàng đã từng làm việc trực tiếp với bạn trong quá khứ. Những người này có thể nói về tính cách, thành tích, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp của bạn một cách chi tiết. Điều này hoàn toàn đúng nhưng để tăng thêm phần an toàn, bạn cũng nên chọn người hợp “gu” với bạn trong công việc, có sự chân thành và chuyên nghiệp, có sự trân trọng dành cho bạn và quan trọng là bạn “chia tay” họ trong điều kiện tốt đẹp.
Thử ngẫm xem, dù cho người đó là nhân vật cộm cán trong ngành hay người giám sát có bề dày thành tích, nhưng khi bạn có mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” với họ thì làm sao họ có thể nói tốt về bạn? Hơn nữa, bạn đang nhờ vả họ và tiêu tốn thời gian lẫn công sức của họ, vì vậy, có mối quan hệ tích cực với họ sẽ giúp mọi việc diễn ra suôn sẻ hơn.
Hỏi ý kiến một cách lịch sự ngay khi bắt đầu hành trình tìm kiếm việc làm
Đừng đợi nước đến chân mới nhảy, chờ đến vòng phỏng vấn cuối cùng mới lật đật báo cho ai đó rằng họ là “người được chọn” theo kiểu đặt họ vào thế đã rồi, chịu hay không chịu cũng buộc chịu. Không ai vui vẻ khi bị ép buộc cả, thế nên nguy cơ bị từ chối là rất lớn.
Bạn cần xin phép ngay từ khi bắt đầu hành trình tìm việc của mình. Tất cả đều vì lợi ích của bạn. Trong trường hợp họ chối từ, bạn sẽ có thêm thời gian tìm kiếm sự thay thế. Hơn nữa, liên hệ sớm sẽ giúp họ có thời gian chuẩn bị tốt hơn trong việc đưa ra những lời đánh giá có lợi, giúp bạn nâng cao cơ hội trúng tuyển.
Và khi hỏi, hãy hỏi một cách lịch sự đồng thời cố gắng diễn đạt mong muốn của bạn theo cách không khiến người đó cảm thấy bị đặt vào thế khó. Thay vì xông thẳng vào vấn đề “Anh, chị có thể làm người tham khảo cho em không?”, hãy hỏi thăm họ, nói một vài câu chuyện phím và sau đó cho họ biết bạn liên hệ là có lý do bằng một câu lịch sự: “Em gọi điện là muốn hỏi xem anh/chị có phiền khi làm người tham khảo cho em không? Em đang nhắm đến vị trí A và em nghĩ anh, chị có thể trả lời một vài câu hỏi nếu nhà tuyển dụng muốn xác minh kỹ năng và kinh nghiệm của em”. Với cách hỏi này, bạn có thể cho họ cơ hội nói “không” nếu họ cảm thấy bản thân không thể đưa ra những lời nhận xét đắt giá, tích cực hoặc nếu họ không có thời gian để giúp đỡ.
Trong quá trình chọn người tham khảo khi tìm việc, có một tình huống rất phổ biến mà bạn cũng có thể trải qua, đó là bạn và “người được chọn” có mối quan hệ tốt nhưng đã không nói chuyện trong nhiều “thế kỷ”. Thế thì sao?
Cũng tương tự như vậy, hãy thân thiện và lịch sự. Tuy nhiên, bạn cần tìm hiểu thông tin chi tiết về vị trí hiện tại của họ và gọi điện hỏi thăm họ thế nào, công việc ra sao… và nói một cách ngắn gọn về lý do gọi điện và công việc mới mà bạn đang ứng tuyển. Điều quan trọng là bạn cần chắc rằng họ nhớ đến bạn cùng các điểm mạnh nổi trội. Nếu họ đã làm việc với bạn cách đây hơn 10 năm, có thể họ sẽ không hình dung hết về bạn và càng không thể chứng thực các kỹ năng hiện tại của bạn.
Cung cấp tất cả các chi tiết
Khi tiếp cận ai đó để nhờ họ làm người tham khảo, bên cạnh việc cung cấp thông tin về công việc bạn đang ứng tuyển thì bạn cũng cần đưa ra lý do tại sao bạn tin rằng mình là ứng viên phù hợp cho vị trí cũng như tại sao họ sẽ là người tham khảo tốt nhất. Bạn có thể gửi qua email tất cả các thông tin cần thiết như CV, mô tả công việc để họ không phải loay hoay suy nghĩ về những điều mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm và dự đoán trước những câu hỏi mà họ cần trả lời về hiệu suất và tiềm năng của bạn. Càng tạo điều kiện dễ dàng cho “người được chọn” thì khả năng họ đồng ý sẽ càng cao.
Nếu bạn muốn họ nêu bật một kỹ năng cụ thể, thành tích hoặc các đặc điểm liên quan đến vị trí ứng tuyển, hãy nói rõ cho họ biết. Điều này không chỉ giúp họ hiểu nên nói gì thay mặt bạn mà còn biết được đó có phải là điều họ có thể nói và nên nói hay không.
Nếu họ do dự, hãy chấp nhận quyết định của họ một cách lịch sự và tiếp tục tìm kiếm các lựa chọn khác. Việc nài nỉ hoặc gây áp lực để họ xem xét lại gần như luôn làm hỏng mối quan hệ của bạn.
Luôn cảm ơn những người bạn chọn làm người tham khảo
Kể cả khi “người được chọn” từ chối lời đề nghị của bạn, hãy cảm ơn họ. Thà là họ từ chối còn hơn đưa ra lời xác nhận vội vàng, hời hợt về công việc của bạn hay có những nhận xét gây bất lợi cho bạn.
Và tất nhiên, bạn càng nên cảm ơn những ai đã đồng ý và đưa ra những lời đánh giá tốt đẹp về bạn. Ghi nhận sự đóng góp của họ cho quá trình tìm việc của bạn không chỉ cho thấy bạn trân trọng thời gian và công sức của họ mà còn giúp thắt chặt thêm mối quan hệ, khiến họ có nhiều khả năng đưa ra những đánh giá tích cực và nhiệt tình hơn trong tương lai. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi bạn vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ và cập nhật tình hình ứng tuyển cho họ thay vì phớt lờ như chưa từng quen. Khi chính thức được tuyển dụng, hãy thông báo kết quả cho họ và có thể tặng họ món quà nhỏ hay mời họ một bữa ăn thân mật như một cách thể hiện lòng biết ơn chân thành.
Với những người tham khảo tuyệt vời, bạn sẽ có nhiều cơ hội đạt được công việc mong muốn. Và điều này phụ thuộc vào bạn. Bằng cách chọn đúng người tham khảo khi tìm việc, giao tiếp rõ ràng và thể hiện sự trân trọng, bạn chắc chắn sẽ nhận được kết quả xứng đáng.
Ngọc Quyên