Mục Lục
Tinh thần đồng đội không chỉ quan trọng đối với các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền… mà còn rất cần thiết trong công việc. Hầu như mọi vị trí hiện nay đều đòi hỏi mức độ làm việc nhóm nhất định và nhà tuyển dụng sẽ muốn biết rằng bạn có thể cộng tác tốt với người khác hay không. Đây là lí do mà các chuyên gia nhân sự khuyên rằng bạn nên luôn chuẩn bị để trả lời các câu hỏi như: “Bạn nghĩ thế nào về tinh thần đồng đội?” hay “Kỹ năng làm việc nhóm của bạn ra sao?”
Khi được hỏi những điều này trong buổi phỏng vấn, rõ ràng là bạn sẽ trả lời “Có, em làm việc nhóm rất tốt” nhưng nhà tuyển dụng sẽ mong đợi bạn trình bày thêm về câu trả lời của mình. Thế nên, đừng chỉ trả lời suông mà hãy kể về một câu chuyện cụ thể từ kinh nghiệm trước đây, trong đó nêu rõ vai trò và trách nhiệm cụ thể của bạn, sự tương tác của bạn với các nhóm và sự đóng góp của bạn vào các nhiệm vụ làm việc nhóm.
“Kỹ năng làm việc nhóm thường là khía cạnh quan trọng của nhiều vai trò, vì nó góp phần tạo nên môi trường làm việc tích cực, thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao năng suất.”
Gợi ý cách trả lời câu hỏi phỏng vấn “Kỹ năng làm việc nhóm của bạn thế nào?
Để có câu trả lời tập trung và ngắn gọn, gợi ý tốt nhất là sử dụng công thức Tình huống – Nhiệm vụ – Hành động – Kết quả, một phương pháp đã được thử nghiệm và được xem là đáng tin cậy để trả lời các câu hỏi phỏng vấn.
Đây là cách bạn có thể sử dụng công thức này để trả lời câu hỏi phỏng vấn “Bạn có khả năng làm việc nhóm tốt hay không?”
Tình huống: Em làm công việc thu ngân, chịu trách nhiệm tính tiền và đóng gói hàng hóa cho khách hàng.
Nhiệm vụ: Trong khi quầy của em vắng khách thì quầy của đồng nghiệp có một đơn hàng lớn nên em muốn hỗ trợ chị ấy hoàn thành công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể.
Hành động: Khi đảm bảo không có khách hàng nào khác đang chờ, em đã đến giúp đồng nghiệp đóng gói các mặt hàng.
Kết quả: Khách hàng tỏ ra hài lòng vì dù có nhiều hàng hóa nhưng đơn hàng vẫn được hoàn thành nhanh chóng và đồng nghiệp cũng rất cảm kích vì sự giúp đỡ của em.
Công thức “thần thánh” này sẽ giúp bạn đơn giản hóa các tình huống phức tạp và cho phép bạn đi thẳng vào vấn đề một cách nhanh chóng, ngắn gọn. Hãy cố gắng giữ câu trả lời của bạn trong vòng 1-2 phút, nếu lâu hơn bạn có nguy cơ sẽ bắt đầu lan man.
Điều cần lưu ý khi trả lời phỏng vấn về tinh thần đồng đội
Khi nói về tinh thần đồng đội và kể về những “giai thoại” mà kỹ năng làm việc nhóm của bạn tỏa sáng rực rỡ, ngoài việc áp dụng công thức còn có một số điều cần lưu ý khác sẽ giúp bạn chiếm trọn cảm tình của nhà tuyển dụng.
Thứ nhất, cố gắng đưa ra các ví dụ gần đây (tốt nhất là 12 tháng trở lại), tránh chọn các sự kiện đã xảy ra quá lâu trừ khi nó đặc biệt ấn tượng. Việc kể lại một câu chuyện lỗi thời về cách bạn làm việc với nhóm để toàn bộ công ty có thể truy cập internet tốc độ cao hơn sẽ không thu hút được sự chú ý. Và tất nhiên, ví dụ bạn đưa ra cần có mối liên quan đến công việc hoặc công ty ứng tuyển. Hãy đọc kỹ mô tả công việc để hiểu rõ hơn về loại hình cộng tác mà công ty yêu cầu và liên kết với kinh nghiệm của bạn để nhà tuyển dụng có thể thấy bạn sẽ thành công như thế nào khi làm việc cùng họ. Toàn bộ mục đích của bạn là thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn là người phù hợp nhất với công việc và minh họa những khía cạnh có lợi mà bạn mang lại sẽ giúp bạn được đánh giá cao hơn.
Thứ hai, đừng quá khiêm tốn cũng đừng khoe khoang quá đà. Nếu bạn thực sự là một người có tinh thần đồng đội, đừng ngại nêu bật những kinh nghiệm và kỹ năng làm việc nhóm của mình. Mặt khác, cũng nên tránh tỏ ra kiêu ngạo hoặc tự phụ. Bạn có thể nêu bật những thành tích và đóng góp của mình với tư cách là một thành viên trong nhóm, nhưng hãy chắc chắn nhấn mạnh những nỗ lực của bạn đã mang lại lợi ích cho toàn đội như thế nào, thay vì chỉ tập trung vào những thành tích của bản thân.
Một điều khác cũng quan trọng không kém là tránh lạm dụng những từ ngữ thông dụng. Những từ như “hợp tác”, “hợp lực” hoặc “gắn kết” nghe qua rất hay, nhưng đừng lạm dụng chúng. Mặc dù những từ này thực sự có liên quan, nhưng việc sử dụng quá mức có thể khiến câu trả lời của bạn trông quá học thuật, gượng gạo, thiếu tự nhiên. Hãy chân thành và sử dụng những từ này một cách tiết kiệm hoặc bạn có thể thay thế bằng các từ ngữ đơn giản, dễ hiểu và truyền đạt cảm xúc chân thật hơn như cách bạn vẫn nói chuyện thường ngày.
Cùng với lời nói, bạn cũng cần đảm bảo ngôn ngữ cơ thể phù hợp với câu chuyện được kể. Nếu bạn nói rằng bạn thích làm việc với người khác, nhưng cử chỉ, tư thế và biểu cảm khuôn mặt của bạn lại nói rằng bạn chán ghét việc giao tiếp thì bạn đang gửi đi một tín hiệu đáng ngờ. Vậy thì nên làm gì? Áp dụng ngay các ngôn ngữ cơ thể tích cực chứ sao nữa. Giữ tư thế thẳng, thoải mái và giao tiếp bằng mắt với nhà tuyển dụng một cách phù hợp, lâu lâu lại nở một nụ cười thân thiện. Bạn biết không, những người mỉm cười chân thành và tỏ ra dễ gần có nhiều khả năng thành công hơn khi làm việc nhóm vì họ được coi là người dễ mến và đáng tôn trọng đấy!
Cuối cùng, trong khi bạn có thể đang cố gắng hết sức để thể hiện những phẩm chất chứng minh giá trị của mình ở vai trò là một thành viên giá trị của nhóm, đừng cố gắng quá mức và khiến nhà tuyển dụng tin rằng bạn không thể làm việc độc lập. Họ đang tìm kiếm người có khả năng làm việc nhóm tốt nhưng sẽ không tuyển một người chỉ có thể làm việc khi được nhóm hỗ trợ và không thể tự mình tạo ra bất cứ kết quả nào. Vậy nên, sau khi chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy khả năng làm việc nhóm, bạn cũng nên đảm bảo với họ bạn cũng thích làm việc một mình và đã đạt được nhiều thành tích nhất định.
“Kỹ năng làm việc nhóm của bạn thế nào?” chắc chắn là một trong những câu hỏi quan trọng nhất trong buổi phỏng vấn và cũng là cơ hội để bạn chứng minh mình là ứng viên tốt nhất cho công việc. Với những chia sẻ trên đây, tin rằng kết quả tích cực này sẽ không còn là điều quá khó khăn đối với bạn.
Ngọc Quyên