“Ads thủ” là biệt danh thân thương dành cho những người hành nghề chạy quảng cáo trực tuyến với nhiều cơ hội sáng tạo và làm việc trong các chiến dịch tiếp thị thú vị. Giống như bất kỳ ngành nào, quảng cáo trực tuyến cũng có ưu và nhược điểm riêng. Vậy, nghề chạy quảng cáo trực tuyến mang lại cho người trong cuộc những gì và có thể khiến họ phải đánh đổi điều gì?
“Chạy quảng cáo trực tuyến là một nghề cho phép bạn luôn cập nhật các xu hướng mới nhất về công nghệ và tiếp thị nhưng cũng có nhược điểm đi kèm”
Làm công việc chạy quảng cáo trực tuyến, bạn được những gì?
Luôn luôn có chỗ để thử một điều gì đó mới mẻ
Nếu bạn thích khám phá những cơ hội mới và giải quyết nhiều vấn đề khác nhau, quảng cáo trực tuyến là một nghề nghiệp thú vị và bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về việc rơi vào lối mòn.
Một trong những lí do là vì thói quen và hành vi của người tiêu dùng luôn thay đổi. Điều này đòi hỏi bạn phải có cách thích ứng nếu muốn dẫn đầu cuộc chơi. Bên cạnh đó, công nghệ và các nền tảng cũng không ngừng đổi mới sẽ thúc đẩy bạn liên tục mở rộng kiến thức và tìm hiểu về các xu hướng sắp tới cũng như những thay đổi về thuật toán của Facebook Ads, Google Ads, TikTok Ads, Zalo Ads và hàng loạt công cụ tối ưu quảng cáo khác. Sự phát triển và cải tiến không ngừng của các nền tảng này mang đến cơ hội học hỏi vô biên cho các “ads thủ”, từ việc hiểu rõ hành vi người dùng thông qua các công cụ phân tích, báo cáo đến việc tối ưu chi phí quảng cáo và tăng cường khả năng nhắm mục tiêu.
Cơ hội thu nhập cao
Nghề chạy quảng cáo trực tuyến mang lại tiềm năng thu nhập vô cùng lớn, thậm chí là không giới hạn nếu bạn thực sự giỏi, biết cách tối ưu chiến dịch quảng cáo, biết nắm bắt xu hướng của thị trường và đặc biệt có tinh thần “máu chiến”, sẵn sàng dấn thân, thử nghiệm và chịu trách nhiệm cho những thất bại. Khi đó, việc nhận được những dự án giá trị khủng, đạt được các chỉ số quảng cáo ấn tượng, đáp ứng yêu cầu của khách hàng và mang về những khoản thù lao kếch xù không phải là điều quá xa vời.
Rèn luyện các kỹ năng có thể chuyển đổi
“Ads thủ” thường sử dụng nhiều kỹ năng quảng cáo khác nhau để thuyết phục người dùng thực hiện một hành động cụ thể, chẳng hạn như mua sản phẩm hoặc dịch vụ hay nhấp vào liên kết để biết thêm thông tin khuyến mại. Các kỹ năng có thể khác nhau, tùy thuộc vào vai trò mà bạn đảm nhận từ sáng tạo, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm và cộng tác, viết lách và biên tập, phân tích dữ liệu, chiến lược và lãnh đạo… Điều này có thể giúp bạn có thể chuyển sang các vai trò liên quan khác một cách dễ dàng.
Làm việc với các nhóm đa dạng và phát triển sự nghiệp
Khi thực hiện chạy các quảng cáo trực tuyến, bạn sẽ hợp tác với nhiều người cùng hướng đến một mục tiêu chung từ designer, web developer, nhân viên sáng tạo nội dung, biên tập video hay quản lý dự án. Đây là cơ hội để bạn tiếp thu thông tin hữu ích từ mọi người xung quanh, giúp bạn phát triển và mở rộng kiến thức các lĩnh vực trong ngành. Khi kiến thức này được tích lũy và kỹ năng hợp tác với nhóm được thực hành thường xuyên thì đồng nghĩa bạn sẽ có nhiều khả năng để vươn lên đảm nhận các vai trò quản lý hoặc lãnh đạo.
Từ môi trường làm việc năng động, mức lương cạnh tranh đến cơ hội thăng tiến, có rất nhiều lợi ích khi theo đuổi nghề nghiệp quảng cáo trực tuyến. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải cân nhắc những lợi ích này so với những thách thức và hạn chế tiềm ẩn của ngành nghề trước khi đưa ra quyết định.
Đổi lại bạn mất những gì?
Được tiền tài, mất thời gian
Nghề chạy quảng cáo mang đến cho bạn nhiều lợi thế nhưng đi đôi với đó là thời gian làm việc không giới hạn. Thời điểm khách hàng cần, bạn phải luôn sẵn sàng. Thức khuya, dậy sớm, làm việc nhiều giờ kể cả ban đêm và cuối tuần để theo dõi từng thay đổi nhỏ trong chiến dịch để kịp thời điều chỉnh cũng như đảm bảo hiệu quả quảng cáo là điều hiển nhiên. Khối lượng công việc này có thể gây mệt mỏi và khiến bạn kiệt sức theo thời gian.
Áp lực KPI và rủi ro tài chính khi hiệu quả thấp
“Ads thủ” là một công việc đầy áp lực vì các chiến dịch quảng cáo phải luôn đạt KPI đặt ra. Áp lực này đòi hỏi bạn phải không ngừng tối ưu hóa chiến dịch của mình, từ việc điều chỉnh ngân sách đến thay đổi nội dung quảng cáo.
Tuy nhiên, chạy quảng cáo không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả như mong đợi. Nhất là khi thị trường biến động hoặc sản phẩm, dịch vụ của khách hàng không đủ sức hấp dẫn. Khi đó, dù bạn cố gắng tối ưu chiến dịch đến đâu cũng khó lòng đạt được chỉ tiêu. Nếu chiến dịch không hiệu quả, đánh mất niềm tin là điều không thể tránh khỏi.
Cạnh tranh gay gắt
Quảng cáo trực tuyến là một sân chơi có tính cạnh tranh rất cao. Sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng quảng cáo dẫn đến việc ngày càng có nhiều người dấn thân vào nghề này. Điều đó khiến các “ads thủ” phải không ngừng nỗ lực, không ngừng chạy đua, không ngừng trau dồi kỹ năng để có thể tồn tại và phát triển. Một khi bạn tự cho phép mình nghỉ ngơi một thời gian, khi bạn không bắt kịp xu hướng, không thể tối ưu quảng cáo hay không sáng tạo được những nội dung mới mẻ, bạn sẽ nhanh chóng tụt lại phía sau.
Các thuật toán thay đổi, nhu cầu của người dùng biến động và các công cụ quảng cáo luôn được cập nhật, cải tiến không ngừng khiến “ads thủ” phải nhanh chóng thích nghi, học hỏi và liên tục cải thiện kỹ năng của mình mới có thể tiếp tục đứng trên đỉnh vinh quang. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn không bao giờ được phép “ngủ quên” vì đó là một đường đua không có điểm dừng.
Dễ sa chân vào con đường tà đạo
Người trong cuộc đều hiểu rằng, nghề “ads thủ” tồn tại rất nhiều cám dỗ và hiển nhiên, đi kèm với đó chính là rủi ro. Việc lách luật, vi phạm chính sách, tận dụng các kẽ hở của hệ thống để giảm chi phí quảng cáo, tăng tương tác cùng nhiều chiêu trò không minh bạch để đạt kết quả nhanh chóng và thu được lợi ích cho cá nhân không phải chuyện hiếm.
Về lâu dài, điều này không chỉ gây rủi ro cho tài khoản quảng cáo của người chạy, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy các nền tảng thắt chặt chính sách, khiến tình hình quảng cáo ngày càng khó khăn hơn.
“Ads thủ” – chạy quảng cáo trực tuyến – là nghề mang lại những cơ hội “vàng” và cả những thách thức lớn. Dẫu vậy, cái nghề vốn dĩ luôn đi đôi với cái nghiệp, chấp nhận dấn thân thì cũng phải chấp nhận đánh đổi nhiều thứ, bao gồm cả sức khỏe, tinh thần, tiền bạc… Người làm nghề phải biết cân bằng giữa cái được và cái mất, liên tục học hỏi, thích nghi và duy trì tinh thần kiên định mới có thể tồn tại và phát triển trong môi trường đầy cạnh tranh này.
Trang Đoàn