Mục Lục
Bất cứ sự phát triển nào cũng cần có sự cạnh tranh làm gốc rễ, làm động lực để phát triển. Trong môi trường doanh nghiệp, cạnh tranh lành mạnh chính là một nét văn hóa để thể hiện nội lực của bản thân, cũng như để học hỏi, rèn giũa. Tuy nhiên, ranh giới của cạnh tranh và thù địch rất mong manh. Như vậy, bất cứ ai cũng cần trang bị cho mình những nguyên tắc riêng để vươn lên một cách lành mạnh.
Phân biệt cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh tiêu cực
Có cạnh tranh thì mới phát triển, đó là điều chắc chắn. Tuy nhiên, cạnh tranh lành mạnh được xét trên khía cạnh mỗi cá nhân mong muốn phát triển bản thân, thể hiện năng lực thực của mình, mà điều này gắn liền với việc phát triển doanh nghiệp. Nói cách khác, một nhân viên xuất sắc sẽ hướng đến mục tiêu là đáp ứng lợi ích chung của tổ chức, tập thể mà mình làm việc cùng.
Theo đó, dấu hiệu của cạnh tranh không lành mạnh là lợi ích cá nhân của nhân viên đó được họ đặt lên hàng đầu. Nhà lãnh đạo uyên bác sẽ dễ dàng nhìn ra những nhân viên này qua biểu hiện của họ trong công việc, trong mối quan hệ của họ với đồng nghiệp, với cấp trên. Những nhân viên này sẽ thường xuyên đưa ra những so sánh tiêu cực về thành quả đạt được của bản thân và của những đồng nghiệp xuất sắc khác, luôn nhắc đến yếu tố may rủi trong những thành công đạt được của mọi người. Cá tính này càng được biểu thị rõ ràng hơn khi người nhân viên cố gắng thiết lập những mối quan hệ thân thiết với cấp trên với mong muốn trở thành đối tượng được ưu tiên trong những kế hoạch quan trọng của doanh nghiêp.
Trong môi trường doanh nghiệp đề cao văn hóa cạnh tranh không lành mạnh, năng suất lao động của doanh nghiệp sẽ sụt giảm do nhân viên không thực sự tập trung vào điều họ có thể làm, mà chây ỳ và mong chờ vào những “cơ hội”. Điều này hoàn toàn không có lợi cho doanh nghiệp, thậm chí gây hại cho doanh nghiệp, do môi trường văn hoá công ty đã bị xô lệch, khiến tâm lý của những nhân viên khác cũng trở nên tiêu cực : họ cho rằng sự nỗ lực thực thụ của bản thân sẽ không được đánh giá cao bằng những tiểu xảo của một số những đồng nghiệp “xấu tính” khác.
Vượt qua cái tôi để cạnh tranh lành mạnh
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, cạnh tranh không lành mạnh, hay còn gọi là thế “thù địch” trong doanh nghiệp hoàn toàn không đem lại lợi ích phát triển lâu dài cho cá nhân. Vậy làm thế nào để chúng ta dẹp qua cái tôi ích kỷ để phát huy năng lực chuyên môn thực sự trong môi trường văn phòng?
Một nhân sự đi theo con đường cạnh tranh lành mạnh là người có tính cách công sở tích cực, cũng như phông văn hoá cá nhân tốt. Đặc điểm chung nhất của người có tinh thần cầu thị tích cực, đó là cá tính thẳng thắng và trung thực. Trước hết là trung thực với chính bản thân mình. Nói cách khác là không bao giờ phải xấu hổ với sếp hay đồng nghiệp về những điều mình đã làm trong công việc. Thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm, thẳng thắn sửa sai, thẳng thắn phê bình và có lòng tự trọng. Điều này rất quan trọng, nhất là trong trường hợp bạn phải đối mặt với những người thích dùng tiểu xảo giao tiếp để cạnh tranh nơi công sở.
Tuy nhiên, một cản trở mà nhiều người hay gặp phải, đó là cảm thấy sự bất công của việc : vì sao tôi cạnh tranh lành mạnh, anh ta thì xu nịnh sếp, nói xấu đồng nghiệp… nhưng anh ta lại có vẻ được lòng hơn tôi? Theo các chuyên gia tâm lý, khi một người đã dùng những chiêu trò cạnh tranh tiêu cực, nghĩa là họ đã gián tiếp thừa nhận mình thua về mặt năng lực chuyên môn với những đồng nghiệp khác, tức là thể hiện sự tự ti. Chính vì vậy, việc bạn thể hiện được bản lĩnh của mình bằng cách hoàn thành tốt công việc được giao, chăm chỉ, biết tiếp nhận phê bình, chính là cách tốt nhất để tôn vinh cái tôi của bản thân mình. Hãy luôn tâm niệm rằng, chúng ta phải “tử tế ngay cả với kẻ thù”, tức là đề cao sự minh bạch, sự công bằng ở chính con người của bạn với những nhân viên giỏi khác. Bằng tất cả những thay đổi tích cực về tinh thần, sự kiên định vào những nỗ lực thực sự của mình, bạn đang góp phần rèn luyện sự tự tin của mình trong môi trường công sở bạn đang làm việc.
Hãy cạnh tranh với chính bản thân mình
Nếu bạn thực sự muốn tạo cho mình con đường tiến thân vững vàng trong sự nghiệp, mong muốn tập thể ghi nhận sự cống hiến của bạn cho công ty, thì điều tốt nhất bạn có thể làm, đó là hãy cạnh tranh lành mạnh với chính bản thân mình ngày hôm qua. Điều đó bao gồm : nỗ lực hoàn thành công việc được giao, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, khắc phục khuyết điểm trong mối quan hệ với đồng nghiệp.
Cụ thể nhất, đó là không nản chí khi gặp thất bại. Hầu hết những người đi vào con đường cạnh tranh không lành mạnh là những người sợ hãi khi đối mặt với thất bại, lo sợ mình thua kém người khác, và lựa chọn con đường “không chính thống”. Nhiều nhà tuyển dụng cho rằng, họ đánh giá cao những nhân viên biết nhìn nhận khuyết điểm, và biết sửa chữa những khuyết điểm này để hoàn thiện cá nhân mình. Trung bình một người bình thường sẽ mất khoảng 2 năm đầu tại một doanh nghiệp bất kỳ để ổn định với chu kỳ công việc. Nếu vượt qua được khoảng thời gian này, thì bất kỳ một nhân viên văn phòng nào cũng có thể bắt đầu phát huy được sức mạnh chuyên môn của mình. Hãy để những thất bại tạo cho bạn động lực để hoàn thiện, chứ không phải sự tự ti để ganh ghét với người khác. Ngoài ra, đừng ngần ngại làm nhiều hơn những gì mà bạn được trả công. Nhiều người thường có tâm lý làm đủ trách nhiệm, chứ chưa dốc hết lòng hết sức cho những gì mình đang theo đuổi. Diễn giả Quách Tuấn Khanh – Chủ tịch tổ chức Power – Up Group chia sẻ rằng, anh đã đạt được những thành công rực rỡ trong quá trình thăng tiến của mình bằng cách làm thêm giờ, và cố gắng học hỏi thêm trong quá trình làm việc đó. Hãy luôn “sạc pin” năng lượng cho bản thân bằng những suy nghĩ tích cực, trong đó có việc bạn sẽ được tưởng thưởng xứng đáng với những gì bạn đã bỏ ra. Những điều trên sẽ tự khắc tạo cho bạn một thế cạnh tranh vượt trội, hiển nhiên so với những người khác. Hãy tượng tượng xem, chắc chắn là bạn cũng sẽ không mong muốn làm việc trong một môi trường, mà trong đó, tất cả mọi người chỉ chăm chăm vào việc ganh tị, đấu đá với nhau!
Theo Thạc sỹ Quách Kim Cương – Chuyên gia đào tạo quản trị doanh nghiệp, thì việc phát triển nhân tố cạnh tranh lành mạnh trong môi trường công sở cũng còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận năng lực con người, cách tạo giá trị cạnh tranh của người lãnh đạo doanh nghiệp. Vì họ sẽ là người trực tiếp đánh giá và đưa ra sự phản hồi cho hành vi cạnh tranh trong doanh nghiệp mình. Theo đó, người lãnh đạo của doanh nghiệp cần đề cao giá trị cạnh tranh tích cực bằng duy nhất con đường năng lực cá nhân, điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho tất cả nhân viên trong công ty trở thành những cá nhân có lối tư duy tích cực.
Khánh Quỳnh – CareerLink.vn