Debate là gì? Lợi ích và mẹo để debate hiệu quả

Được xem là một trong những kỹ năng mềm quan trọng giúp phát triển và hoàn thiện bản thân, debate ngày càng được nhiều người chú ý tìm hiểu. Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu debate là gì và cách debate hiệu quả.

Debate là gì?

“Debate là một cuộc tranh luận có tổ chức hoặc cuộc thi về ý tưởng trong đó người tham gia thảo luận về một chủ đề, thường là triết học, xã hội và/hoặc chính trị…”

Nhóm hoặc cá nhân nào đưa ra những lập luận, chứng cứ xác đáng và vững nhắc mà nhóm hoặc cá nhân còn lại không thể phủ nhận hoặc bác bỏ thì sẽ giành chiến thắng.

Lợi ích của debate là gì?

Kỹ năng tranh luận mang đến cho các cá nhân rất nhiều lợi ích trong công việc, cuộc sống lẫn tổ chức và xã hội. Lợi ích của debate bao gồm:

Suy nghĩ chín chắn hơn

Chúng ta thường đưa ra những tuyên bố mang tính chủ quan mỗi khi có bất đồng quan điểm, dẫn đến các cuộc cãi vã căng thẳng. Ngược lại, nếu chúng ta biết tranh luận, dùng lý lẽ xác đáng thì mọi chuyện sẽ khác. Tranh luận cần hiểu ý người khác đồng thời hiểu rõ quan điểm của mình cũng như suy nghĩ cẩn thận để đưa ra những câu hỏi, lập luận và dữ liệu thuyết phục.

Cải thiện kỹ năng nói và diễn đạt

Dù bạn có tư duy tốt và hiểu sâu một chủ đề đến đâu nếu không diễn đạt một cách chính xác, rõ ràng, dễ hiệu thì điều đó cũng không có ý nghĩa. Những người có kỹ năng tranh luận là người ăn nói hùng hồn và lưu loát. Họ dễ thuyết phục người khác nghe theo quan điểm của mình. Cải thiện khả năng tranh biện sẽ giúp bạn hình thành tư duy logic, nói năng suôn sẻ và trôi chảy.

Rèn luyện tư duy phản biện

Lợi ích tiếp theo của debate là gì? Đó chính là giúp bạn có thêm kiến thức, nghĩ ra nhiều ý tưởng về các chủ đề khác nhau và nâng cao tư duy phản biện. Bởi tranh biện buộc bạn phải tìm kiếm, tham khảo nhiều nguồn thông tin khác nhau để hỗ trợ cho lập luận của mình một cách vững chắc.

Giúp giải quyết hiệu quả xung đột

Mục đích của tranh luận không phải để cãi nhau mà đưa ra kết luận thuyết phục về một vấn đề nào đó. Chính vì vậy, nó giúp giải quyết vấn đề một cách hợp lý, không khiến ai phải lăn tăn hay thắc mắc sau đó.

Cải thiện kỹ năng nghiên cứu

Để tranh luận, người tham gia phải chuẩn bị rất kỹ để thuyết phục mọi người đồng thuận với ý kiến của mình. Điều này đòi hỏi bạn phải mở rộng và cập nhật kiến thức hoặc thông tin có liên quan đồng thời chọn lọc thông tin đáng tin cậy giữa kho kiến thức rộng lớn.

Phát triển kỹ năng quản lý thời gian

Các cuộc tranh luận chỉ diễn ra trong khoảng thời gian nhất định nên bạn cần biết cách sắp xếp thời gian để tập trung vào những điều trọng tâm và cần thiết.

Biết cách nhìn nhận vấn đề theo nhiều hướng

Các cuộc tranh luận luôn có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. Đây là cách để chúng ta biết và hiểu thêm nhiều quan điểm khác nhau về một vấn đề. Nhờ đó, chúng ta có thể rèn luyện khả năng đánh giá từ nhiều góc độ khác nhau và tìm ra hướng đi tốt hơn.

Sự khác biệt giữa tranh cãi và debate

Debate không giống với tranh cãi. Debate là sử dụng lý lẽ, lập luận chặt chẽ để diễn giải ý tưởng của mình với mục đích chính là đôi bên cùng thống nhất một kết luận chung. Debate không tồn tại mục đích thắng thua.

Trong khi đó, tranh cãi là việc nhóm hoặc cá nhân lập luận để bảo vệ ý kiến của mình nhằm giành phần thắng so với người khác. Mọi phản biện đều đánh vào điểm yếu của người khác chứ không nhằm mục đích giúp nhau cùng cải thiện và phát triển.

Tóm lại thì điểm khác nhau giữa tranh cãi và debate là gì? Đó là debate giúp nhau tiến bộ còn tranh cãi lại là cái cớ cho sự yếu kém, tự ti và xa lánh tập thể.

Cấu trúc của một cuộc debate

Nếu bạn đang thắc mắc cấu trúc của một cuộc debate là gì thì câu trả lời sẽ có ngay sau đây. Một cuộc debate kiểu mẫu sẽ có một tuyên bố được đưa ra và người tham gia chọn bên phù hợp với quan điểm của mình. Sau đó, họ sẽ có khoảng thời gian để chuẩn bị rồi phát biểu trong khoảng thời gian nhất định. Người tham gia sẽ thay phiên nhau đưa ra lý lẽ, bằng chứng và lập luận của mình, cuối cùng chủ tọa sẽ đưa ra quyết định xem ai là người có khả năng thuyết phục và có quan điểm đáng được đồng thuận.

Mẹo để debate hiệu quả

Luôn bình tĩnh khi nhận chủ đề

Điều đầu tiên bạn cần làm mỗi khi bước vào cuộc tranh luận là phải giữ bình tĩnh. Lo lắng hay căng thẳng sẽ khiến bạn mất tập trung, không thể đưa ra lý lẽ hay suy nghĩ đúng đắn. Chưa kể đến việc giọng nói của bạn sẽ bị run, mất phong thái làm giảm độ tin cậy.

Do đó, hãy luôn bình tĩnh và kiểm soát tốt nỗi sợ hãi. Bạn có thể thường xuyên thực hiện thiền hay yoga để cải thiện mức độ tập trung của mình.

Duy trì ngôn ngữ cơ thể phù hợp

Khi tranh luận, nếu cảm thấy đối thủ có phần lấn lướt có thể chiếm phần thắng, bạn cần tránh lớn tiếng hay la hét. Cao giọng hay dùng từ ngữ không phù hợp sẽ khiến bạn càng yếu thế hơn. Thay vào đó, hãy duy trì giao tiếp bằng mắt, kiểm soát cử chỉ tay và giữ giọng điệu phù hợp.

Thể hiện sự tự tin

Đây là yếu tố cần thiết góp phần giúp bạn chiếm ưu thế. Ngay cả bạn không tự tin cũng đừng thể hiện điều đó trước mặt mọi người.

Để xây dựng sự tự tin, bạn cần thời gian. Bên cạnh đó, bạn cũng cần đọc nhiều hơn để tăng vốn từ cũng như kiến thức, làm nền tảng cho sự tự tin của mình. Một khi bạn đã có “vốn lận lưng” thì bạn nâng cao được phần thắng.

Sử dụng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu

Đừng sử dụng các thuật ngữ chuyên môn để cho thấy bạn là người hiểu biết. Khán giả tham gia buổi tranh luận gồm nhiều đối tượng khác nhau. Một người giỏi tranh luận sẽ đưa ra những ý kiến mà ai nghe cũng hiểu được. Nếu cố sử dụng các từ ngữ khó hiểu, họ sẽ khó nắm bắt và ít đồng thuận với ý kiến của bạn. Giám khảo cũng khó đưa ra quyết định công bằng cho hai bên.

Đi đúng hướng cuộc tranh luận đề ra

Điều tối kị của cuộc tranh luận là đi lệch chủ đề ban đầu, dẫn đến việc trao đổi ý kiến về điều không liên quan. Để tránh điều này, hãy tìm hiểu thật kỹ chủ đề, tiến hành nghiên cứu đầy đủ và phân tích chặt chẽ vấn đề.

Lỗi cần tránh khi debate

Ngoài việc tìm hiểu debate là gì để tranh luận đúng hướng, đúng mục tiêu; khi debate bạn cũng nên tránh những lỗi thường gặp sau đây.

Tấn công cá nhân: thay vì thảo luận về vấn đề, người tranh luận lại tấn công cá nhân với mục đích hạ bệ đối phương bằng những câu như “Đã làm được chưa mà nói”…

Bôi xấu người khác bằng thông tin tiêu cực: Chẳng hạn như nói đối thủ thiếu kinh nghiệm, không có khả năng, không làm được gì “ra hồn”…

Sử dụng bạo lực: Thay vì nói chuyện nhẹ nhàng, dùng lý lẽ logic để thuyết phục, người tranh luận lại dùng lời lẽ ám chỉ, đe dọa đối phương.

Suy diễn thiếu căn cứ: Người tranh luận đưa ra lý lẽ thiếu căn cứ để chứng minh điều gì đó là không đúng. Ví dụ “Tôi không thể để bạn sử dụng công cụ này vì người khác cũng sẽ làm như thế”.

Đòi phải chứng minh: Nếu bạn cho rằng vấn đề A là đúng thì bạn phải chứng minh là A đúng, chứ không phải khăng khăng là A đúng vì không ai có đủ thông tin chứng minh A sai.

Lảng tránh vấn đề: Thay vì đi trực tiếp vào vấn đề cần thảo luận, người tranh biện lại đi lòng vòng sang các vấn đề khác.

Lạm dụng vị thế bản thân: người tranh luận không lợi dụng vai vế, tuổi tác, kinh nghiệm để nâng bản thân mình lên và hạ bệ người khác thay vì bàn về chủ đề được đưa ra.

Bây giờ bạn đã hiệu debate là gì và lợi ích của debate rồi phải không. Đây là kỹ năng cần thiết cho mọi mặt của cuộc sống. Đây là lí do bạn nên rèn luyện kỹ năng này để ngày càng phát triển hơn. Và đừng quên truy cập vào CareerLink để cập nhật thêm nhiều kiến thức hữu ích và các cơ hội việc làm hấp dẫn nhé.

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công