6 cách để phát hiện ra các công ty tồi

Khi tham gia ứng tuyển vào bất kì công ty nào thì người lao động cũng mong muốn có một môi trường làm việc ổn định với chế độ đãi ngộ hợp lý. Tuy nhiên, nếu không chú ý thì người tìm việc có thể bị đánh lừa bởi lời mời của một số nhà tuyển dụng với môi trường làm việc tồi. Điều này chỉ khiến bạn tốn thời gian, công sức một cách vô ích.

Dưới đây là 6 cách phát hiện ra các công ty tồi để bạn có thể tránh một cơn ác mộng trong tương lai gần.

1.Đặt câu hỏi mang tính trọng tâm

Trong hầu hết các cuộc phỏng vấn, bạn sẽ có cơ hội để đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Donna Shannon, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Personal Touch Career Services, tác giả cuốn “Làm thế nào để có được một công việc mà không căng thẳng, mệt mỏi?” gợi ý cho bạn các câu hỏi như  “Cho đến hiện tại, công ty đã hoạt động được bao lâu rồi? Đã từng đạt những thành tựu gì đáng kể?” hoặc “Vị trí này đã tuyển được bao lâu?”.

Shannon cho rằng các công ty thất bại thường lảng tránh các câu hỏi này mà phản ứng mơ hồ như thể “Chúng tôi thật may mắn khi có những gương mặt mới”. Điều này chắc chắn đồng nghĩa với rắc rối. Nếu nhà tuyển dụng có vẻ vội vàng chấp nhận đơn xin việc của bạn thì hãy suy nghĩ lại thật kỹ. Bởi có thể người trước bạn không chịu đựng được công việc quá lâu và có thể bạn sẽ là người tiếp theo đối mặt với điều này.

Melissa Cooley, người sáng lập của The Job Quest LLC cũng đưa ra lời khuyên nên hỏi người phỏng vấn rằng “Tại sao anh/ chị thích làm việc ở đây?”. Nó không phải là một câu hỏi phổ biến, do đó, người phỏng vấn bạn có thể mất một chút thời gian để trả lời. Qua đó, bạn sẽ có thêm thông tin để đưa ra quyết định đúng đắn.

2.Chú ý đến môi trường làm việc

Khi bạn bước vào một văn phòng, hãy quan sát cách mà các nhân viên cư xử, nói chuyện với nhau. Họ có chào đón, niềm nở với bạn hay cắm cúi vào máy tính một cách vô thức. Nếu không ai cười có nghĩa đó rõ ràng là một dấu hiệu bạn cần lưu ý, đặc biệt là từ những người đang phỏng vấn bạn. Người phỏng vấn là bộ mặt của công ty, vậy nếu họ không niềm nở với bạn thì điều tồi tệ gì sẽ chờ đón bạn ở phía sau.

Ngoài ra, hãy chú ý theo dõi cách các nhân viên cư xử với sếp của họ? Nếu họ thoải mái, tự tin trình bày ý kiến, quan điểm của mình với sếp thì cho thấy môi trường làm việc hiện tại lành mạnh. Nếu thiếu đi điều này thì chắc chắn bạn cần cân nhắc kỹ càng hơn các yếu tố khác trước khi quyết định có nhận công việc hay là từ chối.

3.Bạn có phải làm thêm các công việc khác?

Howard Davies, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp cao cấp tại Resume Writer Direct đặt câu hỏi rằng “Trong cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng có đưa ra các yêu cầu khác nằm ngoài mô tả công việc cho vị trí bạn đang ứng tuyển không?” Với các công ty tồi, họ thường đưa kèm thêm các công việc khác hoặc đưa ra các yêu sách, điều kiện khi bạn bắt đầu công việc. Nếu gặp phải trường hợp như vậy, đừng ngại ngần mà từ chối công ty đó.

4.Người phỏng vấn không quan tâm đến hồ sơ của bạn

Một dấu hiệu khác là người phỏng vấn không nhìn vào hồ sơ của bạn trước khi bạn đến hoặc đặt câu hỏi được liệt kê rõ ràng trong bản lý lịch của bạn. Thậm chí, họ còn đọc sai tên của bạn. Điều đó cho thấy có thể họ chỉ muốn nhanh chóng tìm người thay thế mà không quan tâm đến chất lượng ứng viên hoặc họ thuê bạn với mục đích khác. Hãy cảnh giác với những điều diễn ra một cách quá dễ dàng bởi cái gì đến dễ thì cũng sẽ nhanh chóng ra đi mà thôi.

5.Các mâu thuẫn trong khi phỏng vấn

Nếu bạn đang trong cuộc phỏng vấn và nhận được thông tin mâu thuẫn về vai trò và trách nhiệm của vị trí công việc thì đó là một dấu hiệu không tốt. Ví dụ, các nhà tuyển dụng có thể cho bạn biết đó là một vị trí chiến lược, quyết định sự thành công của cả doanh nghiệp, trong khi những người khác chỉ ra bạn sẽ chỉ làm công việc hỗ trợ các phòng ban khác mà thôi. Nếu ngay cả nhà tuyển dụng không biết rõ về vị trí công việc cần tuyển thì bạn sẽ ra sao đây?

6.Không quan tâm đến mục tiêu nghề nghiệp

Nếu nhà tuyển dụng không yêu cầu về mục tiêu nghề nghiệp của bạn thì có thể sẽ không có một tương lai nào cho bạn tại công ty cả. Bạn không hề mong muốn vị sếp của mình chỉ quan tâm đến năng suất làm việc mà không quan tâm về quá trình phát triển nghề nghiệp hay con đường sự nghiệp của bạn mà, đúng không?

Phương Thảo (nguồn tổng hợp)

Sao chép thành công