Định chế tài chính là gì? Vai trò của định chế tài chính

Định chế tài chính là gì không phải là thuật ngữ mới lạ trong ngành tài chính kinh doanh. Song, không phải ai cũng hiểu cặn kẽ về định nghĩa, vai trò và các loại định chế tài chính ở một quốc gia. Bài viết này sẽ nêu rõ khái niệm về định chế tài chính, vai trò của chúng trong ngành tài chính kinh doanh và phân loại các định chế tài chính phổ biến theo pháp luật nước ta hiện nay.

Định chế tài chính là gì?

Định chế tài chính là thể chế, loại hình doanh nghiệp chính phủ hoặc tư nhân được thành lập dựa trên pháp luật, thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến các tài sản tài chính như các khoản vay, tiền gửi tiết kiệm, cho thuê tài chính, tiền gửi ngân hàng, phát hành và quản lý các phương tiện thanh toán, chứng khoán, trái phiếu, cổ phiếu, đổi tiền tệ, bảo hiểm…

Theo một cách hiểu khác, thì những định chế tài chính được coi như những đơn vị trung gian giữa người tiết kiệm và người vay, hoạt động bằng cách huy động và đầu tư tiền vốn, có thể là định chế tài chính ký thác như những ngân hàng, công ty tín dụng…; hoặc không có hoạt động ký thác như công ty bảo hiểm nhân thọ, quỹ lương lưu, công ty đầu tư, môi giới…

Tuy nhiên, ngày nay, ranh giới giữa những định chế không ký thác và những định chế ký thác không có nhiều khác biệt. Các định chế này có thể cung cấp đa dạng hơn các dịch vụ tài chính trước đây từng cung cấp.

Chẳng hạn, ngân hàng và những định chế tiết kiệm có thể cung cấp môi giới chứng khoán, dịch vụ bảo hiểm…, còn các công ty môi giới có thể đầu tư tiền của khách hàng vào các chứng chỉ tiền gửi ngân hàng…

“Các tổ chức định chế tài chính hoạt động như cầu nối trung gian giữa thị trường vốn và thị trường nợ.”

 

Vai trò của định chế tài chính đối với nền kinh tế

Một số vai trò chính có thể kể đến của định chế tài chính là gì?

Giảm thiểu chi phí giao dịch

Nhờ có các định chế tài chính, những người tiết kiệm và những người đầu tư sẽ giảm thiểu được các chi phí giao dịch như: chi phí tìm kiếm thông tin, chi phí thực hiện giao dịch, chi phí chênh lệch dựa trên qui mô giao dịch, chi phí hiểu biết…

Giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư

Các loại hình định chế tài chính cũng như sản phẩm cung cấp rất đa dạng. Nhà đầu tư có thể đầu tư một hoặc nhiều danh mục phù hợp với nhu cầu của bản thân thông qua sự tư vấn của các định chế tài chính, từ đó giúp giảm thiểu tính rủi ro khi đầu tư.

Tạo lập cơ chế thanh toán

Ngoài việc cung cấp giải pháp tài chính, một số định chế tài chính còn đảm nhiệm vai trò cung cấp những phương thức và phương tiện thanh toán, điển hình là các ngân hàng với giao dịch online, giao dịch thẻ không sử dụng tiền mặt.

Chính cơ chế thanh toán linh hoạt này đã giúp thị trường vận hành một cách nhanh chóng, hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong thời đại giao dịch số ngày nay.

Phân loại định chế tài chính

Có thể chia định chế tài chính làm 2 nhóm chính: Định chế tài chính trung gian và định chế tài chính bán trung gian.

Định chế tài chính trung gian

Định chế tài chính trung gian là tổ chức tài chính đứng giữa các nguồn cung và nguồn cầu vốn, nhằm giúp cho 2 nguồn này có thể gặp nhau thông qua việc bán các tài sản tài chính của họ và mua các tài sản tài chính của chủ thể cầu vốn. Thực chất, đây chính là các giao dịch tài chính gián tiếp trên thị trường tài chính.

Các định chế tài chính trung gian bao gồm:

– Tổ chức nhận tiền gửi: Ngân hàng thương mại, hiệp hội tiết kiệm và cho vay, các công ty, liên hiệp tín dụng…

– Tổ chức tiết kiệm theo hợp đồng: Công ty bảo hiểm, quỹ trợ cấp

– Các trung gian đầu tư: Công ty tài chính, quỹ đầu tư.

Định chế tài chính bán trung gian

Định chế tài chính bán trung gian là những tổ chức đứng giữa các nguồn cung và nguồn cầu vốn với tư cách là một nhà môi giới, nhằm giúp nguồn cung và cầu vốn có thể gặp nhau mà không thông qua các tài sản tài chính như cách thức hoạt động của định chế tài chính trung gian. 

Thay vào đó, họ chuyển tài sản từ người phát hành đến người cần mua, từ người cung vốn đến người cần vốn. Các định chế tài chính bán trung gian gồm công ty chứng khoán, ngân hàng đầu tư…

Các định chế tài chính phổ biến ở Việt Nam

Ngân hàng trung ương

Ngân hàng trung ương là tổ chức tài chính chịu trách nhiệm giám sát và quản lý tất cả các ngân hàng khác của một quốc gia. Tại Việt Nam, Ngân hàng trung ương là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, là cơ quan đảm trách việc:

–       Phát hành tiền tệ;

–       Quản lý tiền tệ, chính sách tỷ giá, chính sách về lãi suất, quản lý dự trữ ngoại tệ;

–       Soạn thảo các dự thảo luật về kinh doanh ngân hàng và các tổ chức tín dụng;

–       Xem xét việc thành lập các ngân hàng và tổ chức tín dụng, quản lý các ngân hàng thương mại nhà nước và tham mưu các chính sách liên quan đến tiền tệ khác cho Chính phủ.

Khách hàng cá nhân không có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước. Thay vào đó, các ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính lớn chịu trách nhiệm làm việc trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước để cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho công chúng.

 Ngân hàng thương mại, ngân hàng bán lẻ

Ngân hàng thương mại là các đơn vị cung cấp sản phẩm liên quan đến tài chính và làm việc trực tiếp với khách hàng cá nhân cũng như các doanh nghiệp. Phần lớn các ngân hàng thương mại hiện nay cung cấp tài khoản tiền gửi, cho vay và đồng thời thực hiện tư vấn tài chính có giới hạn cho hai đối tượng trên.

Các sản phẩm chính do ngân hàng thương mại và ngân hàng bán lẻ cung cấp bao gồm: tài khoản séc và tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi (CDs), các khoản vay cá nhân và thế chấp, thẻ tín dụng và tài khoản ngân hàng kinh doanh…

Công ty tài chính

Công ty tài chính là tổ chức cung cấp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng các khoản vay. Công ty tài chính có hình thức hoạt động gần giống với ngân hàng với cách thức hoạt động tương tự như một chủ thể cho vay bằng phương pháp tăng tín dụng.

Tuy nhiên, công ty tài chính khác với ngân hàng ở chỗ họ không nhận tiền gửi. Thay vào đó, các công ty này lấy quỹ từ ngân hàng hoặc các nguồn khác và cho các khách hàng cá nhân vay để thực hiện mua hàng, hoặc cung cấp tài chính cho việc bán hàng trả góp, tăng tín dụng cho công ty với mục đích thương mại.

Công ty bảo hiểm

Công ty bảo hiểm là tổ chức tài chính có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ nhằm mục đích bảo vệ bản thân khỏi mất mát tài chính khi xảy ra các rủi ro như tai nạn, tử vong, bệnh tật, thiệt hại về tài sản…

Các công ty bảo hiểm thường ký kết hợp đồng bằng một chính sách cụ thể với nhiều điều kiện cho khách hàng. Chính sách này sẽ cung cấp cho khách hàng sự bảo vệ hoặc hoàn trả tài chính khi gặp phải rủi ro và theo đúng nguyên tắc hợp đồng.

Các chính sách bảo hiểm phổ biến và quan trọng nhất hiện nay gồm có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xe cộ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm nhà…

Công ty môi giới chứng khoán

Một công ty môi giới chứng khoán hỗ trợ các cá nhân và tổ chức trong việc mua và bán chứng khoán giữa các nhà đầu tư có sẵn. Khách hàng của các công ty môi giới có thể đặt các giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ, quỹ giao dịch ngoại hối (ETF) và một số khoản đầu tư thay thế…

Hoạt động môi giới chứng khoán được thực hiện thông qua hợp đồng dịch vụ môi giới chứng khoán –  được coi là công cụ pháp lý của hoạt động môi giới chứng khoán. Hợp đồng dịch vụ môi giới chứng khoán được giao kết giữa bên môi giới với bên được môi giới là người mua hoặc người bán chứng khoán. Còn các công ty môi giới là đơn vị trung gian thực hiện tư vấn và các giao dịch cho khách hàng.

Ngoài ra, còn có một số định chế tài chính khác như: Liên hiệp tín dụng, Hiệp hội tiết kiệm và cho vay, Tổ chức bán lẻ, Hiệp hội nhà ở, Công ty quản lý tài sản…

Tùy thuộc vào loại hình của tổ chức định chế tài chính là gì sẽ có những dịch vụ, hoạt động khác nhau. Tuy nhiên, các định chế tài chính hầu hết đều chịu trách nhiệm về tài sản tài chính, do vậy đây cũng được coi là những chủ thể kiểm soát dòng tiền trong nền kinh tế.

Huyền Nguyễn

 

Sao chép thành công