Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng bạn cũng đã nhận được lời mời làm việc (job offer). Tuy nhiên, trước khi bạn ăn mừng, điều quan trọng cần lưu ý là các tương tác của bạn với công ty giờ đây cũng quan trọng như các tương tác của bạn với công ty trong quá trình phỏng vấn. Rốt cuộc, nếu bạn quyết định làm việc cho công ty này, bạn nên tạo ấn tượng tuyệt vời trong mỗi bước đi của mình. Sau đây là những điều nên làm sau khi nhận được lời mời làm việc mà bạn nên thực hiện, hãy cùng tham khảo nhé.
Đọc kỹ về công việc và các nội dung khác của job offer
Khi nhận được thư đề nghị bằng văn bản từ phòng Nhân sự thì đây là lúc để bạn xem xét mức lương được trả, cũng như các đặc quyền, lợi ích, thời gian nghỉ và tiền thưởng khi đồng ý gia nhập vào công ty có đúng với những gì đã thỏa thuận hay không. Bên cạnh đó cũng đừng quên kiểm tra lại các yêu cầu công việc. Có thể trong buổi phỏng vấn bạn và nhà tuyển dụng đã thảo luận tất cả các phần việc quan trọng nhưng không đề cập đến các nhiệm vụ nhỏ hơn. Vậy nên, nếu còn điều gì không chắc chắn hoặc chưa thông suốt, hãy mạnh dạn đặt câu hỏi làm rõ và xác nhận lại nội dung công việc trước khi đưa ra câu trả lời.
Xác nhận càng sớm càng tốt
Sau khi đã xem xét đề nghị bằng văn bản và xác minh rằng mọi thứ đều ổn thỏa, đừng ngồi yên ở đó. Bạn cần phải trả lời nhà tuyển dụng nhanh chóng, tốt nhất là trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được lời mời. Trong nội dung email, hãy nhớ nhắc lại các chi tiết quan trọng được đưa ra trong job offer và bày tỏ sự nhiệt tình cũng như đánh giá cao về cơ hội này. Ngoài ra, bạn cũng nên hỏi xem họ có cần bất cứ điều gì khác từ bạn trước ngày bắt đầu làm việc hay không.
Thông báo cho các nhà tuyển dụng khác
Điều này không có nghĩa là nếu bạn gửi hồ sơ ứng tuyển của mình cho hàng tá công ty thì bạn phải báo cho tất cả họ biết rằng bạn đã chấp nhận lời mời làm việc từ một công ty khác. Bạn chỉ cần liên hệ với nhà tuyển dụng mà bạn đang làm việc như đang chờ vòng phỏng vấn thứ hai hoặc đang chờ một lời đề nghị. Tuyển dụng nhân sự là một công việc mất nhiều công sức và nỗ lực, do đó, bạn cần tôn trọng tất cả các nhà tuyển dụng mà bạn đã làm việc để họ có thể sớm tìm kiếm một ứng viên khác. Hãy cho họ biết bạn đánh giá cao sự cân nhắc của họ và mong muốn được hợp tác với họ trong tương lai. Điều này không chỉ cho thấy sự chính trực và tôn trọng, mà còn giúp bạn tạo được ấn tượng tốt với họ bởi sự chu đáo và chuyên nghiệp.
Nuôi dưỡng các mối quan hệ
Dù đã hướng đến một cuộc “phiêu lưu” mới, nhưng bạn cũng nên tiếp tục nuôi dưỡng các mối quan hệ mà bạn đã xây dựng qua nhiều năm. Sếp cũ và đồng nghiệp của bạn là những phần quan trọng trong mạng lưới chuyên nghiệp của bạn. Thế nên, hãy giữ liên lạc và kết nối với họ qua mạng xã hội, xin địa chỉ email cá nhân hoặc mời họ tham dự buổi tiệc chia tay… Biết đâu được, một ngày nào đó bạn có thể quay trở lại làm việc cùng với họ.
Giữ liên lạc với người quản lý mới
Thư chấp nhận chính thức của bạn không nên là lần cuối cùng bạn trao đổi với sếp mới trước ngày đầu tiên đi làm. Nếu có sự im lặng trong suốt vài tuần sau khi bạn đã chấp nhận lời mời làm việc thì đừng ngại giao tiếp trước. Hãy hỏi nhà tuyển dụng hoặc sếp mới rằng bạn có thể làm gì để chuẩn bị cho ngày đầu tiên, bạn nên mang theo những hồ sơ cá nhân nào, có giấy tờ nào bạn cần điền thông tin hoặc bất kỳ hướng dẫn nào khác hay không.
Chuẩn bị cho bản thân
Công việc mới sẽ đòi hỏi bạn đi lại trên những con đường khác nhau? Hãy thực hiện đi thử nhưng không phải là vào một buổi sáng thứ Bảy, mà là như thể bạn đang đi làm thực sự để có thể canh chỉnh thời gian đến công ty đúng giờ. Bên cạnh đó, cần chắc chắn rằng bạn hiểu văn hóa công ty và quy định trang phục nhằm chuẩn bị tốt hơn cho tủ quần áo của mình. Ngoài ra, cũng cần đảm bảo bạn biết tất cả các chi tiết trong ngày đầu tiên như khu vực để xe, phòng ban, người cần gặp cũng như thời gian bắt đầu…
Và cuối cùng, hãy thư giãn và nuông chiều bản thân một chút. Hãy tự thưởng cho mình buổi massage hoặc mua sắm nếu bạn có thể. Bạn sẽ được thư giãn, cảm thấy thoải mái hơn và sẵn sàng tinh thần để bắt đầu một hành trình mới đầy thú vị.
Pha Lê