4 lí do nên thêm mục Sở thích vào CV của bạn

Đối với nhiều người, có thể họ sẽ không cảm thấy thoải mái khi nói về bản thân hoặc sở thích và các mối quan tâm bên ngoài công việc. Đó là lí do tại sao họ không thêm mục sở thích vào CV của họ.

Tuy nhiên, không phải chỉ có kinh nghiệm làm việc mới liên quan đến việc ứng tuyển, mà sở thích cũng là một phần quan trọng trong CV xin việc bởi các lí do sau.

Thể hiện tính cách của bạn

Khi mới ra trường, bạn không có nhiều năm kinh nghiệm làm việc. CV của bạn có thể trông khá giống với bạn bè của bạn, bao gồm bằng cấp cộng với một vài công việc thực tập hoặc làm thêm đã trải qua trong thời gian học tập. Khi đó, thêm mục Sở thích vào CV sẽ cho bạn cơ hội nói với nhà tuyển dụng tiềm năng nhiều hơn về bạn.

Tất nhiên, bạn không nên liệt kê sở thích của mình với một hoặc hai từ mô tả bởi điều này không giúp bạn thể hiện một số tính cách. Thay vào đó, bạn nên trình bày một cách trực quan, sinh động và mang tính cá nhân nhiều hơn. Chẳng hạn, nếu bạn có sở thích đạp xe trong thời gian rảnh rỗi, hãy chắc chắn bao gồm các chi tiết như bạn đạp xe ở đâu, với ai, những gì bạn nhận được cho hoạt động này… Đồng thời, bạn cũng nên trình bày ngắn gọn, mỗi sở thích nên được viết trong một câu là đủ.

Làm nổi bật các kỹ năng có thể chuyển đổi có ích cho vị trí ứng tuyển

Nếu bạn chọn sở thích và trải nghiệm phù hợp với vị trí ứng tuyển, bạn sẽ chứng minh được rằng mình là một ứng viên sáng giá hơn. Chẳng hạn, một nhân viên bán hàng thành công cần sự tự tin, hướng ngoại, duyên dáng và nếu thêm sở thích tham gia tích cực vào câu lạc bộ bóng đá vào mỗi cuối tuần sẽ càng làm tăng thêm sự thu hút bởi điều đó chứng minh bạn là một người có tinh thần đồng đội: thân thiện, hòa đồng với một nỗ lực mạnh mẽ để giành chiến thắng. Hoặc sở thích viết blog vào thời gian rảnh sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt với một công ty quảng cáo bởi nhà tuyển dụng biết rằng bạn có kiến thức truyền thông xã hội và khả năng tạo nội dung hấp dẫn. 

Giảm căng thẳng cho buổi phỏng vấn

Khi tham gia các buổi phỏng vấn xin việc, dù ít hay nhiều bạn cũng cảm thấy lo lắng, phải không? Và nhà tuyển dụng cũng có cảm giác tương tự như bạn. Lúc này, một vài gạch đầu dòng mô tả chi tiết về sở thích của bạn sẽ giúp phá vỡ bầu không khí căng thẳng thường gặp và tạo ra cuộc trò chuyện tự nhiên hơn. Nhà tuyển dụng có thể dành vài phút đầu tiên của cuộc phỏng vấn để nói về sở thích của bạn. Vì vậy, hãy chắc chắn chỉ đề cập đến những sở thích mà bạn tự tin và thật sự hào hứng để chia sẻ về nó.

Chứng minh rằng bạn phù hợp với văn hóa công ty

Cũng giống với bất kỳ ai khác, bạn muốn làm việc cho một công ty bạn cảm thấy phù hợp với giá trị cá nhân của bạn, có môi trường làm việc linh hoạt, vui vẻ và đánh giá cao nhân viên. Về phía nhà tuyển dụng, họ cũng mong muốn tuyển dụng người phù hợp với văn hóa bởi điều đó giúp nhân viên của họ gắn bó lâu dài với công ty. Trong trường hợp này, liệt kê sở thích của bạn là yếu tố quan trọng để chứng minh bạn phù hợp với văn hóa của công ty.

Bất kỳ sở thích liên quan nào cho thấy bạn hiểu về văn hóa công ty là vô cùng phù hợp và nên có mặt trong hồ sơ của bạn. Chẳng hạn như sở thích vẽ tranh khi bạn nộp CV ứng tuyển vào một công ty sáng tạo hoặc bạn đã tham gia vào hoạt động chạy bộ từ thiện hỗ trợ nghiên cứu ung thư khi tìm việc ở các tổ chức phi chính phủ. Bên cạnh việc tìm kiếm các sở thích liên quan đến giá trị, văn hóa của công ty thì bạn cũng cần trung thực về những gì bản thân yêu thích.

Nếu bạn không có sở thích nào thì sao?

Nếu bạn không thể nghĩ ra được bất kỳ đam mê hay sở thích cụ thể nào thì không nên đưa ra những lời nói sáo rỗng. Thích gặp gỡ bạn bè, ăn uống hay xem phim có thể là những điều bạn thích nhưng nó không thể tăng thêm giá trị cho bạn khi ứng tuyển, thậm chí còn khiến bạn mất đi cơ hội được chọn. Nếu bạn thực sự muốn có một điều gì đó để tạo sự khác biệt, bạn có thể tham gia các hoạt động tình nguyện. Đó không chỉ là một sở thích tuyệt vời mà còn có thể giúp bạn có một công việc trong ngành nghề mà bạn đã chọn.

 

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công