COO là gì? Cần gì để trở thành một COO chuyên nghiệp?

Có thể bạn đã thấy các từ viết tắt như CFO, CEO và COO khá thường xuyên nhưng bạn đã hiểu COO là gì? Có gì giống và khác với CFO và CEO? Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ cùng khám phá điều này nhé.

COO là gì? Cần gì để trở thành một COO chuyên nghiệp?

COO là gì?

COO là viết tắt của Chief Operations Officer có nghĩa là Giám đốc điều hành. Giám đốc điều hành chỉ dưới Tổng giám đốc (Chief Executive Officer – CEO) trong một công ty.

Chữ C – Chief trong cả hai chức danh sẽ khiến nhiều người liên tưởng đến C- Suite chỉ cấp quản lý và lãnh đạo cao nhất trong một tập đoàn. Giám đốc tài chính (CFO) cũng là một vị trí khác trong C-Suite. Tất cả các thành viên của C-Suite chịu trách nhiệm báo cáo với Hội đồng quản trị (HĐQT) và Chủ tịch công ty. Trong một số trường hợp, CEO đồng thời là chủ sở hữu và là người đứng đầu HĐQT.

“COO là giám đốc điều hành của một doanh nghiệp hoặc tổ chức. COO đóng vai trò là cấp phó của CEO và giám sát mọi hoạt động kinh doanh.”

Sự khác biệt giữa CEO và COO là gì?

COO là vị trí lãnh đạo đứng sau Giám đốc điều hành. Trong khi CEO chịu trách nhiệm về sự thành công lâu dài của một doanh nghiệp, thì COO thường chịu trách nhiệm về các hoạt động hàng ngày. Do đó, thành công của COO phụ thuộc vào mối quan hệ của họ với CEO.

Vai trò COO làm tăng thêm độ phức tạp cho cấu trúc nhân sự của công ty. Do đó, COO có xu hướng được tuyển dụng bởi các doanh nghiệp có quy mô lớn để hỗ trợ cho CEO và giúp CEO có nhiều thời gian tập trung vào các chiến lược và thách thức kinh doanh dài hạn hơn là điều hành. 

COO thường được coi là người kế nhiệm của CEO. Có thể kể đến Tim Cook là COO tại Apple trước khi được bổ nhiệm làm CEO vào năm 2011. Hay Pamela Nicholson là COO tại Enterprise Holdings trước khi được bổ nhiệm làm CEO vào năm 2013.

Trách nhiệm của COO là gì? 

Giám đốc điều hành đại diện cho bộ mặt của doanh nghiệp và tham gia vào hoạt động truyền thông tiếp thị và quan hệ công chúng.

Một số trách nhiệm của COO có thể bao gồm:

  • Chỉ đạo các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp, bao gồm phối hợp với bộ phận nhân sự, pháp lý, bán hàng, tiếp thị, sản xuất, kế toán, công nghệ thông tin và các bộ phận khác; 
  • Báo cáo với CEO về hoạt động hàng ngày của công ty, cũng như thông báo cho các phòng ban về kế hoạch của CEO về việc điều chỉnh chiến lược hoạt động kinh doanh;
  • Nếu công ty không có Giám đốc tài chính, COO cũng giám sát khía cạnh tài chính của doanh nghiệp. Họ tham gia vào việc xem xét tài chính và hoạch định chiến lược để đạt được chỉ tiêu doanh thu của công ty.
  • COO làm việc với quản lý cấp cao và ban giám đốc để đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty và lập kế hoạch cho tương lai. Họ phân tích mọi bộ phận để xác định các lĩnh vực cải tiến nhằm tăng năng suất. 
  • COO Có thể thay thế CEO nếu CEO không có mặt tại văn phòng hoặc có việc bận. COO cũng có thể hỗ trợ và hướng dẫn một CEO mới vào tổ chức và giúp người này làm quen với các hoạt động và chiến lược của doanh nghiệp.
  • Sẽ có những lúc COO cần đi công tác để đại diện cho công ty. Điều này có thể là các cuộc họp bán hàng, cuộc họp với nhà đầu tư, lập kế hoạch mua lại hoặc có thể là cuộc họp điều hành nếu doanh nghiệp có quy mô hoạt động trên toàn cầu.

Xem thêm: Kiếm Việc Giám Đốc Tại Careerlink.vn

Các yếu tố để trở thành Giám đốc điều hành COO

Nếu mục tiêu của bạn là trở thành COO thì bạn cần biết các kỹ năng và yếu tố để trở thành COO là gì?

Trình độ học vấn

Con đường để trở thành Giám đốc điều hành (COO) thường bắt đầu bằng việc lấy bằng cử nhân kinh doanh hoặc lĩnh vực liên quan khác, cũng như bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA). Bạn cũng có thể tốt nghiệp các ngành khác nhưng phải có kiến thức kinh doanh vững vàng.

Kinh nghiệm làm việc

Ngoài các yêu cầu về trình độ học vấn, COO thường phải có kinh nghiệm làm việc hoặc trải nghiệm sâu rộng trong ngành trước khi trở thành COO. Mặc dù số năm kinh nghiệm chính xác khác nhau tùy theo doanh nghiệp và ngành nghề, nhưng nhiều COO đã kinh qua các vị trí quản lý khác nhau trong nhiều năm trước khi trở thành Giám đốc điều hành. 

Kỹ năng cứng

Lập kế hoạch chiến lược: Các COO phải xuất sắc trong tư duy chiến lược, cởi mở với những quan điểm mới và những cách tốt hơn để làm mọi việc; và sáng tạo, có tầm nhìn xa và quản lý đổi mới tốt; 

Hiểu về tài chính: Mặc dù COO không chịu trách nhiệm duy nhất về tài chính của công ty, nhưng họ vẫn cần phải thông thạo và nắm rõ các thông tin liên quan. COO càng có thành tích quản lý tài chính tốt thì càng thành công. 

Kỹ năng ra quyết định: COO sẽ thường xuyên đưa ra quyết định về hoạt động hàng ngày của công ty. Điều này có thể bao gồm giải quyết mọi vấn đề gây cản trở tiến độ công việc, cũng như làm việc với CEO để giải quyết mọi khó khăn ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp trong dài hạn.

Phân công nhiệm vụ hiệu quả: COO chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ một cách hợp lý cho các trưởng bộ phận và giám sát viên dưới quyền. Điều này sẽ ngăn không cho một người phải đảm nhận quá nhiều trọng trách và sẽ tăng hiệu suất của tập thể. 

Tạo ra các quy trình hiệu quả: Một trong những kỹ năng quan trọng nhất của COO là khả năng tạo ra các quy trình hiệu quả. Điều này giúp tiết kiệm chi phí và tăng khả năng mở rộng doanh nghiệp.  

Phân tích dữ liệu: Một COO tuyệt vời là người làm việc dựa trên dữ liệu và hiểu các số liệu chính để theo dõi và tối ưu hóa các hoạt động của doanh nghiệp. 

Kỹ năng mềm

Kỹ năng giao tiếp: COO phải có kỹ năng giao tiếp ở mức tốt để truyền đạt thông tin cho các cấp quản lý nhằm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. COO phải hiểu tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp và có thể truyền đạt chúng cho CEO một cách rõ ràng. 

Trí tuệ cảm xúc: Các COO có trí tuệ cảm xúc cao có thể kiểm soát và sử dụng cảm xúc của mình để tác động đến kết quả tích cực, giúp tăng năng suất và hiệu quả. Những nhà lãnh đạo ưu tiên trí tuệ cảm xúc sẽ giúp khởi xướng sự đổi mới và hợp tác đồng thời khuyến khích những người xung quanh làm điều tương tự. 

Kỹ năng quản lý thời gian: Các COO cần sắp xếp thứ tự ưu tiên và quản lý thời gian phù hợp. Ưu tiên các nhiệm vụ và quản lý thời gian có thể đơn giản như tạo một danh sách kiểm tra vào đầu mỗi ngày hoặc phức tạp như tạo một kế hoạch kinh doanh hàng quý. 

Có niềm đam mê: Một COO sẽ luôn kiêm nhiều nhiệm vụ và có nhiều trách nhiệm, đương nhiên họ cũng gặp nhiều thách thức. Thế nên, chỉ những ai có niềm đa mê thực sự với những gì đang làm và không ngừng đổi mới mới có thể đạt được thành công. 

Ứng tuyển vào vai trò COO thế nào?

Nếu bạn tin rằng mình có kinh nghiệm làm việc và nền tảng giáo dục cho vị trí này, hãy đọc mô tả công việc của COO và nêu bật kinh nghiệm làm việc chứng tỏ bạn đủ điều kiện trong CV. Sau đó tham khảo các trang web việc làm như CareerLink.vn để tìm kiếm các vị trí đang tuyển dụng. 

Vậy là bạn đã hiểu rõ về vai trò của COO là gì trong một doanh nghiệp rồi phải không? Để mở rộng cơ hội thăng tiến, hãy rèn luyện các kỹ năng cần thiết và nâng cao trình độ học vấn. Bạn có thể có triển vọng tốt hơn bằng cách tích lũy kinh nghiệm COO tại các công ty nhỏ hơn trước khi ứng tuyển vào các tổ chức lớn hơn, lâu đời hơn. Chúc bạn sớm biến ước mơ của mình thành hiện thực.

Huỳnh Trâm 

Sao chép thành công