Mục Lục
“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Một doanh nghiệp muốn phát triển lâu dài không thể thiếu đội ngũ nhân sự chất lượng. Và người có thể giúp đỡ doanh nghiệp trong việc xây dựng, quản lý nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu đề ra không ai khác ngoài CHRO. Vậy CHRO là gì? Vị trí này có vai trò gì trong sự phát triển của doanh nghiệp? Ngay bây giờ hãy cùng nhau đi tìm đáp án!
CHRO là gì?
“CHRO (Chief Human Resources Officer) hay Giám đốc Nhân sự là vị trí quản lý cấp cao có trách nhiệm quản lý và phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo rằng nguồn nhân lực của doanh nghiệp được sử dụng hiệu quả nhất có thể”
Vai trò của CHRO không chỉ giới hạn trong việc tuyển dụng và quản lý nhân viên mà còn bao gồm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phát triển kỹ năng cũng như năng lực của nhân viên, quản lý hiệu suất và giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động. Bên cạnh đó, họ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp luật về lao động, qua đó giúp doanh nghiệp “giữ chân” nhân tài.
Có thể lấy ví dụ điển hình về CHRO từ “người khổng lồ” Google. Bên cạnh chế độ phúc lợi tuyệt vời, CHRO của Google đã định hình văn hóa doanh nghiệp để cao tính đột phá và khả năng sáng tạo, qua đó thu hút và giữ chân những tài năng hàng đầu thế giới. Họ đã phát triển các chương trình đào tạo có tính ứng dụng cao giúp nhân viên nắm vững những công nghệ mới nhất cũng như phát huy kỹ năng của bản thân đến cực hạn. Kết quả, Google trở thành một trong những công ty hàng đầu thế giới và điều đó có được phần lớn nhờ vào sự đóng góp từ nguồn nhân lực xuất sắc của họ.
Vai trò của CHRO trong một doanh nghiệp
Tìm kiếm và chiêu mộ nhân tài
Trong một doanh nghiệp, CHRO chịu trách nhiệm xác định nhu cầu nhân lực trong từng phòng ban, từ đó xây dựng và phát triển chiến lược tuyển dụng phù hợp. Họ tìm kiếm và thu hút các ứng viên xuất sắc, đảm bảo rằng tổ chức có đầy đủ nguồn nhân lực với những kỹ năng và năng lực cần thiết.
Có thể coi CHRO là một truyền thông viên xuất sắc cho doanh nghiệp vì họ chính là hình ảnh đại diện của doanh nghiệp khi tìm kiếm và tiếp xúc với ứng viên, là người chịu trách nhiệm truyền đạt thông tin về doanh nghiệp đến ứng viên trước, trong và sau quá trình tuyển dụng. Bên cạnh đó, họ cũng đồng hành cùng ứng viên trong suốt thời gian thử việc để tuyển chọn những ứng viên phù hợp nhất, có thể mang đến lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp.
Quản lý và ứng dụng công nghệ để mang lại hiệu quả công việc cao nhất
CHRO không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm và chiêu mộ nhân tài mà còn là người quản lý các hệ thống và phần mềm quản trị nhân sự. Thông qua việc áp dụng công nghệ, họ có thể theo dõi, quản lý và hỗ trợ nhân viên một cách hiệu quả. Hệ thống quản trị nhân sự giúp CHRO đánh giá kết quả phỏng vấn, quản lý chấm công, theo dõi phúc lợi cùng rất nhiều tính năng khác. Điều này đảm bảo tính công bằng cũng như tăng mức độ hài lòng của ứng viên lẫn nhân viên.
Không dừng lại ở đó, CHRO có thể sử dụng công nghệ để theo dõi và đo lường KPI của các cá nhân trong tổ chức, từ đó xác định người nào cần nỗ lực hơn, người nào có tiến bộ và đóng góp lớn cho doanh nghiệp. Từ đó họ có thể tính toán bảng lương cũng như các chỉ số phúc lợi khác một cách chính xác và phù hợp nhất với từng nhân viên.
Xây dựng và truyền bá văn hóa doanh nghiệp
Như đã đề cập trong phần giải thích khái niệm CHRO là gì, người đảm nhận vị trí này còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, duy trì và truyền bá văn hóa doanh nghiệp. CHRO đảm bảo rằng các giá trị, mục tiêu mà doanh nghiệp hướng đến cũng như những chuẩn mực ứng xử, những giá trị và văn hóa của tổ chức sẽ được lan toả trong toàn bộ nhân sự thông qua các hoạt động, sự kiện và các chương trình đào tạo nội bộ.
Cầu nối giữa các bộ phận trong doanh nghiệp
Để hoàn thành sứ mệnh của mình, CHRO cần kết nối chặt chẽ với các phòng ban, bộ phận khác như CCO (Giám đốc kinh doanh), CPO (Giám đốc sản xuất), CFO (Giám đốc tài chính)… để có thể hiểu rõ kế hoạch cũng như nhu cầu tuyển dụng của các phòng ban trong công ty. Từ đó tìm kiếm những ứng cử viên phù hợp với ngân sách và điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Họ đồng thời là một chiếc cầu nối đáng tin cậy giữa nhân viên và các cấp quản lý, giúp đôi bên được chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của mình, từ đó mang lại sự tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau.
Những tố chất cần có để trở thành CHRO là gì?
Để trở thành một CHRO xuất sắc, bạn cần tích hợp nhiều tố chất và kỹ năng đặc biệt. Trong đó có một số kỹ năng điển hình như sau:
Hiểu biết sâu rộng về Luật Lao động
CHRO cần phải có kiến thức vững vàng về quản trị nhân sự, luật lao động và các quy trình tuyển dụng. Điều này giúp họ đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và xây dựng các chiến lược nhân sự hiệu quả.
Khả năng lãnh đạo
CHRO là một phần của ban lãnh đạo của công ty, do đó họ cần có khả năng lãnh đạo mạnh mẽ để xây dựng và áp dụng chiến lược nhân sự cho tổ chức.
Thấu hiểu tâm lý con người
Bao gồm khả năng lắng nghe và khả năng xây dựng mối quan hệ. CHRO thường phải làm việc với nhiều nhóm/cá nhân khác nhau nên sự hiểu biết về tâm lý con người vô cùng quan trọng đối với họ.
Kiến thức, kỹ năng về công nghệ
CHRO cần hiểu cách sử dụng các công cụ và hệ thống quản lý nhân sự để tối ưu hóa các quy trình và tổng hợp dữ liệu phục vụ cho công việc.
Tư duy chiến lược
Khả năng nhìn xa và xây dựng chiến lược dài hạn trong quản lý nhân sự là một tố chất quan trọng giúp CHRO luôn biết cách tích hợp nhu cầu nhân sự vào chiến lược tổng thể của công ty.
Khả năng thích nghi
Môi trường kinh doanh không ngừng biến đổi và CHRO phải sẵn sàng thích nghi, sẵn sàng thay đổi chiến lược nhân sự theo thời gian.
Kỹ năng truyền đạt
CHRO thường phải truyền đạt thông tin và chiến lược nhân sự đến tất cả các cấp bậc trong công ty. Vì lẽ đó, truyền đạt hiệu quả là kỹ năng rất cần thiết đối với vị trí này.
Kỹ năng đàm phán
Kỹ năng này giúp CHRO dễ dàng đạt được các thỏa thuận với các đối tác nội bộ cũng như các đối tác bên ngoài doanh nghiệp/tổ chức.
Bài viết trên đây đã giúp bạn tìm hiểu khái niệm CHRO là gì, vai trò của nó trong một doanh nghiệp/tổ chức cũng như những tố chất cần thiết để trở thành một CHRO xuất sắc. Hãy cùng đón đọc những bài viết tiếp theo với rất nhiều nội dung bổ ích để làm sáng tỏ những khúc mắc của bản thân về những vấn đề xung quanh công việc và cuộc sống nhé!
Trang Đoàn