Mục Lục
Hầu hết chúng ta đều lớn lên với lời dạy rằng “Chăm chỉ sẽ dẫn đến thành công”, điều đó đúng nhưng chỉ đúng một phần. Trong môi trường làm việc ngày nay, nếu chỉ biết cắm cúi làm việc mà không để ý đến những yếu tố khác, rất có thể bạn sẽ bị “bỏ lại phía sau” trong cuộc đua thăng tiến và phát triển. Vậy ngoài chăm chỉ, còn cần gì nữa?
Muốn thăng tiến và phát triển, bạn còn cần những điều sau đây:
“Thăng tiến và phát triển không chỉ đến từ nỗ lực làm việc, mà còn từ tư duy đúng đắn và khả năng thích nghi với sự thay đổi.”
Biết làm việc thông minh hơn

Chăm chỉ là tốt nhưng nếu cứ làm việc miệt mài mà không hiệu quả thì bạn chỉ đang bận rộn chứ không tạo ra giá trị. Nếu muốn thăng tiến, bạn cần làm việc thông minh nữa. Điều đó có nghĩa là biết đặt câu hỏi, biết chọn đúng việc, ưu tiên việc quan trọng và liên tục cải tiến cách làm việc của mình.
Hãy thử nghĩ xem, cùng là làm báo cáo tuần, một người cứ mỗi lần lại lọ mọ nhập tay từng số liệu, mất cả buổi; còn người kia thì dành thời gian đầu để tạo một file tự động kéo dữ liệu, lần sau chỉ cần vài cú click là xong. Kết quả giống nhau nhưng cách làm khác nhau hoàn toàn và người làm thông minh sẽ có thời gian tập trung vào việc lớn hơn. Trong môi trường công việc, hiệu quả mới là thứ được ghi nhận, không phải số giờ bạn ngồi ở bàn làm việc và nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính.
Kỹ năng giao tiếp và xây dựng mối quan hệ
Muốn thăng tiến và phát triển trong công việc, bạn không thể chỉ giỏi chuyên môn rồi “ai hỏi thì nói, ai giao thì làm”. Nếu bạn chỉ làm tốt phần việc của mình rồi im lặng rút lui, người khác sẽ khó thấy được giá trị mà bạn mang lại. Kỹ năng giao tiếp và xây dựng mối quan hệ là một phần quan trọng để tạo ra cơ hội.
Ví dụ nhé, cùng một nhóm làm dự án, có người làm tốt nhưng rất ít chia sẻ, không kết nối với ai còn một người khác cũng làm tốt nhưng thường xuyên cập nhật tiến độ, chủ động hỏi ý kiến đồng nghiệp, hỗ trợ người khác khi cần. Khi dự án thành công, bạn nghĩ ai sẽ được sếp nhớ tới và cân nhắc cho vị trí cao hơn? Rõ ràng là người thứ hai bởi họ không chỉ làm tốt việc của mình mà còn tạo được sự tin tưởng và hợp tác với người khác. Nghề nghiệp nào cũng vậy, giỏi một mình thì chỉ làm việc tốt, còn muốn đi xa thì phải giỏi kết nối.
Đành rằng không phải ai sinh ra cũng giỏi giao tiếp và biết cách xây dựng mối quan hệ nhưng nếu chịu khó để ý và thực hành, bạn sẽ làm được. Đơn giản thôi, bắt đầu từ việc lắng nghe nhiều hơn, chia sẻ đúng lúc, đừng vội phản ứng hay cắt lời người khác. Khi trò chuyện, hãy chú ý đến cách bạn đặt câu hỏi, thay vì chỉ nói về mình. Ngoài ra, đừng ngại bắt chuyện với đồng nghiệp, kể cả khi ngoài giờ làm. Một câu hỏi thăm đơn giản như “Dạo này ổn không?” đôi khi cũng giúp mở ra cơ hội kết nối. Và quan trọng nhất, đó là sự chân thành. Mối quan hệ tốt không đến từ sự xã giao gượng ép mà từ sự quan tâm thật lòng. Cứ đều đặn như vậy, kỹ năng sẽ dần hình thành và bạn sẽ thấy mình dễ hòa nhập, dễ được tin tưởng và hỗ trợ hơn trong công việc.
Chủ động học hỏi và thích nghi
Trong môi trường làm việc ngày nay, mọi thứ thay đổi nhanh đến mức nếu không chủ động học hỏi và thích nghi, bạn sẽ dễ trở nên lạc hậu, dù hiện tại bạn có giỏi đến đâu. Không ai có thể “ngồi yên làm đúng việc của mình” rồi mong được thăng tiến. Chẳng hạn, một nhân viên marketing giỏi viết nội dung nhưng không chịu tìm hiểu thêm về chạy Ads hay xu hướng AI trong ngành thì sớm muộn gì cũng bị người khác vượt qua. Trong khi đó, có những người chủ động xin làm thêm ở dự án mới, đăng ký các khóa học online hoặc đơn giản là chịu khó hỏi và học từ đồng nghiệp giỏi hơn. Họ không chỉ giỏi hơn mỗi ngày mà còn cho thấy tinh thần cầu tiến và đó là điều mà sếp nào cũng muốn thấy ở một người chuẩn bị được cất nhắc. Thăng tiến không dành cho người biết đủ, mà dành cho người có tinh thần “học nữa, học mãi” và không ngại thay đổi.
Hiểu rõ “luật chơi” nơi bạn làm việc
Mỗi công ty đều có “văn hóa ngầm” – tức là những quy tắc không ai nói ra nhưng ai cũng ngầm hiểu từ cách hành xử, giá trị được đánh giá cao và tiêu chí để được đề bạt. Nếu bạn chỉ tập trung làm việc mà không hiểu điều gì thực sự được ghi nhận, bạn sẽ dễ bị lạc hướng.
Giả sử công ty đề cao sự chủ động và sáng tạo nhưng bạn cứ chờ giao việc rồi mới làm thì dù làm tốt cũng khó được đánh giá cao. Ngược lại, có nơi coi trọng tính kỷ luật, làm đúng vai trò mà bạn lại “quá lanh” hay chen ngang việc người khác sẽ bị đánh giá là vượt rào.
Để cải thiện, hãy quan sát cách sếp và đồng nghiệp giao tiếp, phản ứng trước các vấn đề và ai là người thường được khen ngợi hay giao việc quan trọng. Hiểu văn hóa ngầm giống như học ngôn ngữ không lời của công ty, khi bạn “nói đúng tiếng nói”, cơ hội thăng tiến và phát triển sẽ tự nhiên tìm đến bạn.
Thái độ và tinh thần tích cực
Có một sự thật là: không ai muốn thăng chức cho người luôn phàn nàn, tiêu cực hoặc kéo tụt năng lượng của cả nhóm. Người giữ được tinh thần lạc quan, sẵn sàng nhận thử thách và giải quyết vấn đề một cách xây dựng sẽ luôn tạo được ấn tượng tốt hơn.
Thử tưởng tượng, khi cả nhóm bị trễ deadline, có người sẽ chỉ ngồi than “bó tay rồi”, còn người khác thì chủ động đề xuất chia lại việc, hỗ trợ đồng đội và giữ tinh thần tích cực để mọi người không xuống tinh thần. Người như vậy không chỉ giúp công việc tiến triển mà còn lan tỏa năng lượng tốt và đó chính là mẫu người mà sếp muốn nâng đỡ. Thái độ là thứ bạn có thể lựa chọn mỗi ngày và nó có sức mạnh hơn bạn nghĩ.
Chăm chỉ là khởi đầu nhưng nếu bạn muốn thăng tiến và phát triển, hãy đầu tư vào tư duy, kỹ năng mềm, sự chủ động và khả năng thích nghi. Hãy làm cho bản thân không chỉ là một nhân viên giỏi mà còn là người đồng hành có giá trị lâu dài cho bất kỳ doanh nghiệp nào nhé.
Trang Trần
Về Tác Giả
Bài Mới Nhất
Góc kỹ năngJune 16, 2025Làm nhiều việc hơn trong thời gian ngắn hơn bằng cách nào?
Kiến thức kinh tếJune 16, 2025Trường công lập tự chủ tài chính là gì
Kiến thức kinh tếJune 16, 2025Nghiệp vụ tài chính là gì? Tầm quan trọng trong quản trị doanh nghiệp
Kiến thức kinh tếJune 16, 2025Quản lý rủi ro tài chính bắt đầu từ việc hiểu nợ tài chính là gì ?