6 trường hợp bạn nên viết lại CV

CV là bản tóm tắt các kỹ năng, kinh nghiệm và thành tích của bạn nhằm thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Hơn thế nữa, nó sẽ thúc đẩy họ gọi cho bạn để sắp xếp buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, rất khó để đánh giá khách quan với CV của chính mình. Có thể CV của bạn đang cần phải cập nhật nhưng bạn lại không nhận ra. Vậy, làm sao để biết chắc chắn rằng CV của bạn cần phải làm lại? Các gợi ý sau đây sẽ giúp bạn.

CV của bạn trông kém thu hút so với những gì bạn nhìn thấy trên internet

Mặc dù bạn không thể sử dụng CV của người khác để tạo ra phiên bản của riêng mình nhưng việc so sánh hồ sơ của bạn với những tài liệu được đăng trên các trang web là một thử nghiệm tốt. CV của bạn nên trông “tốt” hơn so với các bản trên trực tuyến. Cách trình bày và phong cách viết nếu có sự tương đồng, đó là dấu hiệu cho thấy CV của bạn đã được viết tốt. Tuy nhiên, nếu CV của bạn rõ ràng trông kém hơn các bản trực tuyến (chẳng hạn như quá dài dòng, ngôn từ sử dụng thiếu sinh khí, thiếu các từ khóa quan trọng…), điều này cho thấy tốt nhất là bạn nên viết lại một bản CV mới.

Chức vụ của bạn đã thay đổi

Vài năm trước bạn từng là một nhân viên marketing, nhưng bây giờ bạn muốn ứng tuyển vào vị trí là người đứng đầu bộ phận tiếp thị. Lúc này CV của bạn nên được viết dưới một góc độ hoàn khác so với khi ứng tuyển vào vị trí nhân viên. Ngoài trình độ chuyên môn vững vàng, bạn cần làm nổi bật các kỹ năng và khả năng liên quan đến quản lý như lãnh đạo, giao tiếp, phân công công việc, xây dựng mối quan hệ, truyền cảm hứng cho nhân viên… Vì vậy, sẽ là không hiệu quả nếu chỉ lấy CV cũ của bạn thay đổi tiêu đề và bắt đầu ứng tuyển.

Bạn cần nhắm mục tiêu cho một công việc cụ thể

Nếu bạn đã tìm được một công việc được đăng từ một công ty mơ ước, thì đừng “bỏ mặc cho số mệnh”. Các chuyên gia nhân sự chia sẻ rằng, CV được viết để nhắm vào một công việc cụ thể sẽ giúp bạn nhận được nhiều cuộc gọi phỏng vấn hơn so với các bản CV chung chung. Vì vậy, bạn cần phải viết lại CV để phù hợp với công việc cụ thể này.

Bạn đang muốn thay đổi nghề nghiệp

Thay đổi nghề nghiệp là một thách thức thực sự cho CV của bạn. Sự thật là, không có nhà tuyển dụng nào sẵn lòng tuyển dụng một người không có kinh nghiệm liên quan. Đó là lý do tại sao bạn cần nêu bật và chứng minh bản thân sở hữu các kỹ năng có thể chuyển đổi và có thể áp dụng hiệu quả trong vai trò mới.

Bạn đã không cập nhật danh sách các kỹ năng trong một thời gian

Các kỹ năng và trình độ chuyên môn của mỗi người không giống nhau trong suốt con đường sự nghiệp. Một số kỹ năng (đặc biệt là trong các ngành đang phát triển như tiếp thị và công nghệ thông tin) sẽ trở nên lỗi thời trong một vài năm. Trong khi đó, bạn lại học được các kỹ năng mới. CV của bạn cần phải phản ánh khả năng và kỹ năng hiện tại chứ không phải những gì bạn đã từng làm 5 năm trước.

Hơn nữa, bạn cần chắc chắn rằng các kỹ năng của bạn có thể được tìm thấy. Vì vậy, khi bạn cập nhật hoặc tạo CV trực tuyến, hãy sử dụng các cụm từ mô tả về kỹ năng tương tự như các từ được sử dụng trong tin đăng tuyển.

CV không mang lại cho bạn cuộc phỏng vấn nào

Hoặc, nó chỉ mang lại những lời mời phỏng vấn mà bạn không mong muốn. Nếu bạn có kinh nghiệm và kiến thức liên quan, nhưng lại nhận được quá ít cuộc phỏng vấn thì đó là một dấu hiệu cho thấy rằng có điều gì đó không ổn với CV của bạn.

Một công việc đăng tuyển có thể thu hút hàng trăm hồ sơ ứng viên và bạn phải cạnh tranh với các đồng nghiệp đã viết CV của họ một cách chuyên nghiệp. CV của bạn có thể xuất hiện khi được tìm kiếm theo từ khóa và thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng ngay từ vòng sàng lọc? Nếu bạn không chắc chắn, hãy dành thời gian để viết lại CV.

Một bản CV cần phải được viết lại khá thường xuyên để phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động đang thay đổi. Nghệ thuật viết CV là rất quan trọng. Nó phản ánh kỹ năng giao tiếp của bạn và là một ví dụ về khả năng viết của bạn. Nếu bạn cảm thấy việc viết CV không phải là điểm mạnh, hãy học cách viết hiệu quả – bạn sẽ cần kỹ năng này để giao tiếp hiệu quả với các nhà tuyển dụng tiềm năng.

 

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công