Bạn đang có ý định xin nghỉ việc nhưng vẫn muốn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người ở lại, cũng như tăng khả năng duy trì các mối quan hệ và biến họ thành khách hàng tiềm năng của mình trong tương lai. Vậy thì hãy làm theo cách hiệu quả nhất là nói chuyện trực tiếp với sếp của bạn. Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý nếu muốn nghỉ việc một cách “chuyên nghiệp” nhất.
Đề nghị một cuộc nói chuyện
Bạn không phải là người đầu tiên đã từng bỏ việc và chắc chắn bạn cũng sẽ không phải là người cuối cùng. Vì vậy, nếu bạn đang lo sợ sếp của bạn sẽ bị sốc hoặc bị xúc phạm đến uy tín cá nhân, hãy hít một hơi thật sâu và lặp lại: “Đây là một phần hoàn toàn bình thường của thế giới công sở”.
Hãy chuẩn bị sẵn sàng và đề nghị một cuộc nói chuyện trực tiếp để sếp là người đầu tiên biết về quyết định của bạn, chứ không phải thông qua những đồng nghiệp khác trong công ty.
Bạn nên nhớ dẫn dắt cuộc đối thoại
Bạn nên là người chủ động dẫn dắt không khí, nội dung của cuộc nói chuyện. Hãy truyền đạt thẳng thắn, trung thực lí do đưa đến quyết định nghỉ việc của bạn, cho thấy được thái độ nghiêm túc của bạn dành cho công việc và tâm huyết với công ty.
Đồng thời giữ cho cuộc nói chuyện tích cực, khẳng định là bạn đánh giá cao mọi điều mà sếp và công ty đã làm cho bạn. Hãy thực hiện quá trình nghỉ việc một cách chuyên nghiệp và tự tin tiến về phía trước.
Câu trả lời cho câu hỏi “Dự định tiếp theo của bạn?”
Một trong những câu hỏi mà nhiều sếp hỏi khi nhân viên xin nghỉ việc là kế hoạch tiếp theo của họ như thế nào. Bí quyết ở đây là phải trung thực nhưng đảm bảo ngắn gọn, không quá chi tiết về công việc mới cũng như mức lương của bạn. Nếu vì một lí do nào đó mà bạn không thể công khai, ví dụ như bạn chuyển đến công ty đối thủ cạnh tranh hoặc không muốn ảnh hưởng đến việc gia nhập nơi làm mới chẳng hạn, bạn có thể xin phép được giữ kín thông tin cho đến ngày bạn chính thức đi làm. Bạn có thể nói rằng: “Tôi không được công khai về điều này một cách chi tiết, nhưng đó là vị trí nhân viên marketing, nơi tôi sẽ bắt đầu với các chiến dịch truyền thông xã hội, thiên về mảng sáng tạo”. Như vậy sẽ để lại ấn tượng cho mọi người về bạn là một người trung thực, điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bạn hơn hẳn so với việc nói dối về chỗ làm mới.
Thông báo thời gian bạn xin nghỉ
Thông thường, 1 tháng là thời gian tối thiểu kể từạp hoặc không dễ dàng tìm người thay thế, bạn có thể cân nhắc thêm. Vào những lúc như thế này, bạn cần bày tỏ thiện chí sẵn sàng ở lại giúp công ty thêm một thời gian nữa, nhưng vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến việc làm tại công ty mới.
Nói về kế hoạch chuyển giao công việc của bạn
Điều khiến sếp của bạn đang lo lắng nhất là liệu công việc mà bạn đang đảm nhiệm sẽ tiến hành như thế nào khi mà bạn nghỉ việc. Bạn không cần phải có một kế hoạch chi tiết nhưng tốt nhất bạn nên phác thảo một vài suy nghĩ về những gì bạn sẽ làm trong thời gian còn lại của mình.
Hãy bàn giao đầy đủ tất cả tài liệu, kiến thức nghiệp vụ cho những người sẽ đảm nhận công việc thay bạn với một thái độ tôn trọng và tích cực. Ngoài việc bàn giao công việc kèm theo các tài liệu liên quan, bạn cũng nên chia sẻ những kinh nghiệm làm việc của bạn ở vị trí này, để người tiếp nhận công việc của bạn hiểu được công việc mà họ phải đảm nhận. Như vậy sẽ khiến quá trình chuyển giao trở nên dễ dàng hơn và sếp cũng sẽ trân trọng những cống hiến của bạn.
Ghi nhớ đây không phải là sự kết thúc cho các mối quan hệ của bạn
Xin nghỉ việc không có nghĩa là bạn lờ đi hay kết thúc mối quan hệ với những đồng nghiệp cùng làm với bạn, đã gắn bó và giúp đỡ bạn trước đây. Biết đâu trong tương lai, bạn sẽ làm việc với họ nhưng ở vị trí khác thì sao? Vì vậy, đừng nên mâu thuẫn hay nói xấu sếp hoặc đồng nghiệp. Hãy thể hiện thái độ tích cực, phong cách chuyên nghiệp ngay cả khi bạn quyết định rời đi.
Cảm ơn sếp và đồng nghiệp
Cho dù bạn nghỉ việc vì bất cứ lí do nào, hãy cảm ơn họ vì những cơ hội, sự giúp đỡ mà họ đã mang đến cho bạn trong thời gian còn làm việc cùng nhau. Bạn có thể gặp mặt trực tiếp hoặc gửi email cho đồng nghiệp để thể hiện thiện chí của mình. Bạn cũng có thể cảm ơn thay cho lời tạm biệt. Hãy nói những câu như: “Tôi đã học được rất nhiều điều hữu ích ở đây”, “Cảm ơn mọi người đã giúp đỡ tôi trong suốt thời gian qua”… Mọi người sẽ cảm thấy thật thoải mái hơn khi nghe những lời này.
Phương Thảo