Cách ứng xử khi thăng tiến từ nhân viên lên sếp

Cuối cùng thì những cố gắng của bạn đã được đền đáp. Bạn được thăng chức trong chính bộ phận của mình. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu tiên ở cương vị mới, bạn sẽ phải đối mặt với khó khăn, vì quá trình thăng cấp từ đồng nghiệp trở thành sếp thường gây nên những thách thức giữa các cá nhân. Vấn đề thăng tiến có thể sẽ tạo áp lực lên mối quan hệ riêng tư và quan hệ nơi công sở giữa bạn với đồng nghiệp.

Không giống như việc tiến đến vị trí cấp cao trong một tổ chức mới, bạn và đồng nghiệp biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của nhau. Một mặt, bạn phải làm việc hòa hợp với cấp dưới; mặt khác, bạn sẽ cần phải thiết lập các mối quan hệ dựa trên vai trò và trách nhiệm mới của mình. Bên cạnh đó, kỳ vọng từ các đồng nghiệp cũng như lãnh đạo của bạn có thể sẽ không giống nhau. Bạn phải đối mặt với những mâu thuẫn này, song song đó vừa phải nâng cao hiệu suất công việc, thể hiện vai trò quản lý của mình, vừa tạo môi trường làm việc hòa hợp giữa mọi người với nhau.

Trước tiên, bạn hãy trả lời hai câu hỏi sau:

1.      Mục tiêu trong công việc của bạn là gì?

2.      Bạn có đủ điều kiện cần thiết để làm tốt công việc của mình không?

Bước quan trọng đầu tiên là giải quyết những câu hỏi này và bắt đầu thiết lập kế hoạch cho chính mình trong vai trò quản lý mới của bạn. Hãy cùng CareerLink.vn tìm hiểu những lời khuyên sau:

Thông báo đến bộ phận của bạn

Bổ nhiệm quản lý là một quyết định quan trọng của cả phòng. Vì vậy, đừng xem việc thông báo đến cả phòng và đồng nghiệp là đáng sợ. Bạn hãy mở một cuộc họp nhằm thông báo cho các nhân viên rằng mục tiêu của cuộc họp là để truyền đạt thông tin về những thay đổi trong bộ máy làm việc và thảo luận những cách để đảm bảo mọi công việc không bị xáo trộn. Điều này thể hiện sự minh bạch và hạn chế thông tin sai lệch từ người khác.

Xây dựng mối quan hệ tốt với nhân viên

Khi bạn làm nhân viên, các mối quan hệ đôi khi chỉ thuần túy dựa trên công việc. Tuy nhiên, lúc trở thành sếp thì việc xây dựng mối quan hệ tốt với nhân viên là nhân tố ưu tiên hàng đầu để bạn trở thành người quản lý xuất sắc, bởi cộng sự chính là những người hỗ trợ đắc lực trong công việc cho bạn. Dung hòa giữa lý trí và tình cảm bằng cách điều tiết cảm xúc để giải quyết công việc một cách suôn sẻ và tốt nhất, bạn sẽ sớm xây dựng được mối quan hệ vững chắc với nhân viên của mình.

Điều chỉnh công việc

Trong quá trình làm việc, thông qua ý kiến của nhân viên, bạn sẽ thấy được những khó khăn, trở ngại. Ở vị trí mới, bạn hãy đề ra kế hoạch điều chỉnh phù hợp cả về cơ cấu tổ chức cũng như vai trò cụ thể của từng người và của chính bản thân mình. Điều này đòi hỏi bạn phải hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của họ để bố trí công việc phù hợp, phát huy tối đa năng lực và đem lại hiệu quả cho công việc.

Chia sẻ mục tiêu của bạn đến mọi người

Bạn nên chia sẻ tầm nhìn, mục tiêu của bạn cho các nhân viên của mình. Một nhà quản lý giỏi sẽ luôn bàn bạc cởi mở với nhân viên về các mục tiêu. Nhân viên sẽ làm việc tốt hơn khi họ biết rõ họ đang làm gì và sẽ phải làm gì. Đồng thời, nhà quản lý đó cũng huy động được sức mạnh của tập thể để cùng thực hiện những mục tiêu này. Bạn nên tránh áp đặt các giải pháp cũng như ý kiến cá nhân mà bắt buộc người khác phải tuân theo.

Hãy là chính mình

Khi đảm đương vai trò, nhiệm vụ mới với chức vụ cao hơn, bạn hãy tiếp tục là chính mình. Bạn đã được thăng chức vì bạn chứng minh được kinh nghiệm và khả năng của mình như là một người quản lý có năng lực và triển vọng. Đừng vì tình cảm cá nhân mà thiên vị trong công việc cũng như đánh mất bản thân vì chức quyền.

Tôn trọng nhân viên kỳ cựu

Trong công việc, bạn sẽ cần phải nhờ tới sự giúp đỡ của những nhân viên kỳ cựu và xuất sắc trong phòng. Đừng nghĩ mình là sếp rồi vội khẳng định bản thân với những nhân viên này, nếu không bạn sẽ gặp phải khó khăn khi làm việc cùng họ. Hãy tôn trọng ý kiến của họ và cùng họ xây dựng kế hoạch chung cho cả phòng. Có như vậy, bạn mới đạt được hiệu quả cao trong công việc.

Thiết lập mối quan hệ với các phòng ban khác

Đối với những người mới lên làm sếp, họ thường không nhận thức được ngay tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ với các bộ phận khác hay những ứng viên tiềm năng cho các vị trí quản lý trong tương lai. Trên thực tế, đây lại là việc quan trọng nhất trên cương vị một người làm quản lý. Việc này đòi hỏi khả năng giao tiếp và cách ứng xử của bạn đối với mọi người xung quanh.

Phương Thảo

Sao chép thành công