Nghe Sales Engineer kể để nhìn nông nghiệp theo cách khác

Hẳn nhiều người còn nhiều lầm tưởng về lĩnh vực nông nghiệp khi nghĩ nông nghiệp chỉ gắn liền với hình ảnh “con trâu, máy cày” hay trồng trọt và công nghệ là hai đường thẳng song song. Câu chuyện về anh Dũng Phùng (25 tuổi, ngụ tại TPHCM), một Sales Engineer nông nghiệp, chắc hẳn sẽ khiến độc giả bất ngờ về định nghĩa “làm nông”.

Công việc của một Sales Engineer là gì ?

“Lần đầu tiên nghe đến cụm từ Sales Engineer luôn!” hay “Sales Engineer là nghề gì nghe lạ vậy?” Hẳn đó là câu hỏi chung của mọi người sau khi anh Dũng Phùng giới thiệu về công việc của mình.

“Sales Engineer là người làm nghề Sales có kiến thức chuyên môn về kĩ thuật. Đó là công việc có sự kết hợp giữa bán hàng truyền thống (sales) và tư vấn về những kĩ thuật chuyên môn như dịch vụ, sản phẩm, kể cả giải pháp và khó khăn cho khách hàng” – anh Dũng Phùng chia sẻ.

Có thể nói, Sales Engineer là một vị trí công việc không thể thiếu trong mọi công ty nông nghiệp hiện nay.

Chân dung anh Dũng Phùng

Sales Engineer không chỉ đơn giản là bán hàng đơn thuần như các Salesman khác. Đặc trưng của ngành nghề Sales Engineer là mô hình kinh doanh B2C (Business to Customer). Chia sẻ về lý do vì sao không phải là mô hình kinh doanh B2B (Business to Business) như các ngành kinh doanh khác, anh nói: “Vì đối tượng khách hàng đa phần là người nông dân với nhiều vấn đề cần được giải đáp trong cách thức nuôi cấy cây trồng nên họ mới cần đến Sales Engineer – một người vừa biết bán sản phẩm, hiểu rõ về nuôi trồng cây, để giúp họ giải quyết vấn đề. Ngược lại, áp dụng mô hình B2B trong ngành nông nghiệp không chiếm thị phần lớn vì những doanh nghiệp chỉ quan tâm về giá cả hơn là chức năng của sản phẩm”.

Là một tay ngang lấn sân sang lĩnh vực sale, anh Dũng Phùng cũng tự thừa nhận rằng mình không hề được trang bị bất kỳ một nền tảng kiến thức nào về bán hàng và công việc Sales Engineer đến với anh như một cơ may. Dù đã nhận được lời mời làm việc cho vị trí đánh giá chất lượng cà phê ở Đắk Lắk với mức lương hấp dẫn, anh Dũng Phùng vẫn quyết định chọn công việc Sales Engineer ở công ty hiện tại để thử sức bản thân.

“Mình chọn nơi đây vì ấn tượng bởi câu nói rằng công ty này chỉ đào tạo những người làm đối thủ của công ty”

Chính điều này khiến anh nhận ra đây là môi trường làm việc phù hợp với mình và có khả năng phát triển những khía cạnh mới mẻ của bản thân. Thế nên, anh quyết định từ bỏ công việc “trong mơ” để dấn thân vào một hành trình đầy liều lĩnh – trở thành một Sales Engineer.

“Người thầy tốt nhất là khách hàng”

“Em ơi, cho anh lấy hàng trước rồi anh chuyển khoản em sau nhé!”

“Bán hay không bán? Bán hay không bán?” – tâm trí anh Dũng Phùng lại một lần quay cuồng suy nghĩ quyết định xem có nên bán hay không khi khách hàng ngỏ ý “mua cấn” một lô hàng có giá trị khá lớn.

Nói về con đường mình đang đi, anh Dũng Phùng bỗng hào hứng, sáng rỡ

Nếu chọn bán thì sẽ nhiều đêm mất ăn mất ngủ khi chưa thấy tiếng “ting ting” của tài khoản ngân hàng. Còn nếu chọn không bán thì sẽ không có hoa hồng ảnh hưởng tới doanh thu. “Bán hay không bán?” – vẫn luôn là một câu hỏi khó nhằn cho những ai theo nghiệp sales.

“Công nợ là điều khủng khiếp nhất mà ai làm sales cũng đã từng trải qua”

Vậy mới thấy, bán hàng cho khách tưởng dễ nhưng không dễ như bạn tưởng. Làm việc với mỗi vị khách là mỗi câu chuyện trớ trêu khác nhau. Từ việc lạc mất hàng đến giao nhầm hàng là một trong nhiều sự cố hi hữu mà anh đã trải qua khi làm nghề”.

Đã có lần, một lô hàng phân bón có giá trị lên đến cả tỷ đồng bị giao nhầm trong quá trình vận chuyển cho một công ty cùng tên đã khiến anh “đứng ngồi không yên” để tìm ra phương hướng giải quyết. Nhưng nhờ những sự cố đó đã giúp cho anh bản lĩnh và linh hoạt hơn dẫu bị đặt trong tình thế ngặt nghèo nhất.

Đi một đường dài cuối cùng vẫn quay về với nông nghiệp thôi

Là người có gia đình theo lĩnh vực nông nghiệp nên tình yêu dành cho cây trồng của anh Dũng đã nhen nhóm từ khi còn bé. Tuy vậy khi lớn lên anh chọn học ngành Công nghệ sinh học – một ngành nghề không liên quan đến nông nghiệp là mấy. Sau một thời gian học tập, anh nhận ra rằng mình không phù hợp với môi trường nghiên cứu nên anh quyết định đến Israel để toàn tâm theo đuổi lĩnh vực Công nghiệp công nghệ cao trong vòng 1 năm. Đi một đường dài cuối cùng anh Dũng Phùng cũng quay về với nông nghiệp, là niềm đam mê từ thuở bé của mình. “Coi như đây là cái duyên của mình vậy” – anh nói.

Trong quá trình tu nghiệp ở Israel, anh Dũng Phùng đã vượt qua bao nhiêu khó khăn như thời tiết khắc nghiệt – có khi nhiệt độ lên tới 60 độ, một ngày làm việc quần quật – có khi kéo dài tới 17 tiếng/ngày nhưng anh chưa bao giờ hối hận vì quyết định của mình. Anh thầm cảm ơn bản thân vì đã cho chính mình một cơ hội vượt qua được những giới hạn và tích lũy được vô vàn bài học bổ ích nhằm thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng tích cực hơn.

Làm nông chưa bao giờ là dễ thế nhưng nhờ đam mê cháy bỏng của mình, anh đã biến mọi áp lực thành động lực bứt tốc.

“Phải là người đam mê cây trồng sâu sắc, đam mê đến cốt lõi chứ không phải là một niềm đam mê nửa mùa.”

Với anh, đây là yếu tố quan trọng nhất để trở thành một Sales Engineer nông nghiệp nói riêng và khối ngành nông nghiệp nói chung.

“Mình quan tâm nhiều đến việc đầu vào và đầu ra của nông sản chứ không chỉ quan tâm đến công việc sản xuất. Nên mình có mơ ước tạo nên nhà máy sản xuất phân, nhà máy sản xuất sản phẩm sau thu hoạch” – đây cũng là hoài bão mà anh ấp ủ bấy lâu.

Tìm việc làm ở lĩnh vực nông nghiệp, khó hay dễ?

Nhắc đến nông nghiệp thì ai cũng nghĩ đến công việc xoay quanh trồng trọt và làm việc trong nhà kính. Thực chất, nông nghiệp không chỉ dừng lại ở đó mà còn đa dạng ở nhiều loại hình khác nhau như khâu sản xuất, khâu thu hái, khâu đóng gói, khâu phân phối, khâu chế biến sản phẩm, khâu bán sản phẩm, khâu nghiên cứu… Vì thế, cơ hội việc làm ở lĩnh vực nông nghiệp dành cho sinh viên mới ra trường rất rộng mở dù số lượng công việc không nhiều bằng các khối ngành khác như công nghệ, kinh doanh…

Anh Dũng Phùng khi đi tu nghiệp ở Israel

Hiện nay các công ty nông nghiệp thường gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự, phần lớn là vì ứng viên thiếu khả năng thực chiến. Chia sẻ về vấn đề này, anh cho hay “Hiện trạng này xuất phát từ tâm lý chung của giới trẻ ngày nay khi ai cũng tìm kiếm một công việc nhẹ nhàng, việc nhẹ, lương cao.”

“Hiện trạng này xuất phát từ tâm lý chung của giới trẻ ngày nay khi ai cũng tìm kiếm một công việc nhẹ nhàng, việc nhẹ, lương cao.”

Anh Dũng Phùng nói tiếp “Họ có suy nghĩ rằng làm việc ở lĩnh vực nông nghiệp cực và dơ bẩn vì phải liên quan đến cây trồng, bón phân, tưới nước. Hơn thế nữa, họ cho rằng những công việc ở khối ngành sản xuất không vinh dự bằng những công việc ở khối ngành văn phòng. Lối suy nghĩ lệch lạc này đã ăn mòn trong tư tưởng của người trẻ.”

Để tìm được một công việc ưng ý thì quan trọng nhất vẫn là thái độ của bạn với công việc của mình. Ngoài ra, niềm đam mê sâu sắc với cây trồng, nông nghiệp và tinh thần cần cù, không ngại khó sẽ giúp bạn chạm tay tới nhiều vị trí khác nhau ở không chỉ lĩnh vực nông nghiệp mà còn ở đa ngành nghề.

Dù đi xa cách mấy, anh vẫn sẽ quay về với Việt Nam thôi

Dù đi xa cách mấy, anh vẫn sẽ quay về với Việt Nam thôi

Với những kiến thức và trải nghiệm của mình, anh Dũng Phùng đã khắc họa một bức tranh toàn cảnh hơn về tiềm năng phát triển của “việc nhà nông” tại Việt Nam, mở ra cho các bạn trẻ nhiều hướng đi mới cũng như củng cố tinh thần cho các bạn đã “trót yêu” khối ngành này. Tóm lại là, chỉ cần có đam mê và ý cầu tiến, mọi trở ngại đều sẽ hóa nhỏ lại và dễ dàng vượt qua!

Cảm ơn anh Dũng Phùng vì những chia sẻ thật thú vị. Chúc những dự định sắp tới của anh sẽ thành hiện thực.

Về Tác Giả

CareerLink
CHIA SẺ NGAY:

Sao chép thành công