Trong buổi phỏng vấn, bạn cần quảng bá bản thân theo cách thu hút nhất có thể đối với nhà tuyển dụng, cung cấp tất cả thông tin họ cần để chứng tỏ rằng bạn là ứng viên họ phải có bằng mọi giá. Nói cách khác, bạn vừa là nhân viên bán hàng vừa là sản phẩm, vì vậy bạn cần có khả năng hành động như bất kỳ nhân viên bán hàng nào.
Nếu là người khiêm tốn và không thích nói về bản thân, điều này có thể khiến bạn cảm thấy không thoải mái chút nào. Tuy nhiên, việc quảng bá bản thân là chìa khóa trong thị trường cạnh tranh ngày nay. Đây không phải là kiêu ngạo hay tự phụ mà chỉ là nói ra những điều bạn giỏi và làm tốt nhất. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng dễ dàng ghi nhớ các đặc điểm của bạn hơn, giúp bạn có lợi thế hơn so với các ứng viên cạnh tranh khác.
“Việc quảng bá bản thân khi phỏng vấn xin việc đòi hỏi nhiều hơn là chỉ nói ra một loạt thông tin mà nhà tuyển dụng có thể dễ dàng tìm thấy trong CV của bạn. Đó là việc tạo ra một loạt các hành động, thái độ để lại ấn tượng tích cực lâu dài ngay từ khi bạn bước vào văn phòng”, anh Nguyễn Thái Bình, Chuyên viên tuyển dụng cấp cao nhận định và anh cũng chia sẻ về cách giúp bạn trở nên khác biệt.

Mẹo quảng bá bản thân tạo ấn tượng tích cực khi phỏng vấn
“Việc tự quảng bá bản thân trong một cuộc phỏng vấn thường là bước quan trọng để nổi bật hơn so với đối thủ cạnh tranh.”
Nghiên cứu những điểm chính bạn muốn đề cập
“Bạn có nghĩ rằng một nhân viên bán hàng giỏi sẽ tự do chào hàng mà không cần nghiên cứu hay suy nghĩ trước không? Có lẽ là không. Hãy đảm bảo rằng bạn đã chuẩn bị để cảm thấy hoàn toàn sẵn sàng cho bất kỳ câu hỏi nào được đặt ra”, anh Thái Bình đưa ra lời khuyên.
Anh cho rằng trước buổi phỏng vấn, hãy liệt kê tất cả các điểm chính mà bạn muốn nhấn mạnh từ ưu điểm, kinh nghiệm trước đây đến trình độ học vấn sau khi đã hiểu nhà tuyển dụng đang tìm kiếm điều gì. Bạn chỉ có thời gian rất hạn chế để trình bày và rất dễ quên các chi tiết nhỏ khi trả lời câu hỏi. Chuẩn bị trước các thông tin quan trọng sẽ giúp bạn luôn đi đúng hướng.
Đưa ra minh chứng về những gì bạn đã đạt được
Nói rằng bạn đã làm tốt và rất thành công trong vị trí trước đây là một chuyện nhưng đưa ra minh chứng cụ thể lại là chuyện khác. “Các ứng viên muốn có được công việc đều nói rằng họ làm việc chăm chỉ và có nhiều thành tích để nhắc đến. Còn bạn có bằng chứng gì về các thành tích của mình?”, anh Thái Bình đặt câu hỏi.
Hầu hết nhà tuyển dụng sẽ bỏ qua những tuyên bố mơ hồ, tuy nhiên họ sẽ nhớ những chi tiết cụ thể. Vì vậy, anh khuyên rằng bạn nên cung cấp số liệu nếu có thể. Ví dụ, nếu bạn là một nhân viên sales giỏi giang, hãy nói về doanh thu bạn đã đạt được cùng các chỉ số bán hàng quan trọng khác để cho thấy bạn hiểu rõ công việc của mình.
“Thế nhưng cũng đừng nói như đang đọc một giáo trình toán nâng cao và quanh quẩn về các con số trong 10 phút tiếp theo. Điều bạn cần là thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng chứ không phải khiến họ buồn ngủ”, anh Thái Bình chỉ rõ điều cần tránh. Theo anh thì chỉ nên đưa ra 4-5 con số quan trọng nhất trong sự nghiệp của bạn và bám sát chúng, trừ khi nhà tuyển dụng yêu cầu mở rộng thêm về các khía cạnh khác.
Liên hệ bản thân với nhu cầu của công ty
Đừng cho rằng cuộc phỏng vấn chỉ xoay quanh bạn. Trong khi nhà tuyển dụng đang cố gắng tìm hiểu thêm về những gì bạn cung cấp, cách tốt nhất để quảng bá bản thân là tập trung vào nhu cầu của công ty.
Cụ thể, anh Thái Bình cho rằng bạn cần đọc kỹ mô tả công việc để hiểu công ty ưu tiên điều gì ở nhân viên, sau đó nghiên cứu lịch sử và văn hóa doanh nghiệp. Mục tiêu là để thực sự hiểu nhà tuyển dụng này muốn gì ở một người trong vai trò đang tuyển dụng. Với những hiểu biết này, bạn có thể đưa ra câu trả lời phỏng vấn theo cách bổ sung cho nhu cầu của họ. Ví dụ, nếu nhà tuyển dụng nói rằng họ muốn một người có thái độ tích cực hoặc khả năng làm việc độc lập thì bạn nên chia sẻ về kinh nghiệm làm việc một mình và tương tác vui vẻ với các đồng nghiệp. Nếu họ đang tìm cách tăng doanh thu, hãy cho họ biết bạn đã làm điều đó như thế nào ở vai trò trước đây. Nếu đó là để giải quyết một vấn đề cụ thể, hãy thảo luận về các kỹ năng hoặc kinh nghiệm bạn sở hữu có thể hữu ích với họ. Cách tiếp cận này sẽ giúp nhà tuyển dụng nhận ra khả năng của bạn là phù hợp với nhóm và tầm nhìn của họ.
Nói về dự định của bạn trong vài tháng đầu tiên làm việc
Anh Thái Bình cho rằng đây cũng là một cách tuyệt vời để tạo điểm nhấn cho bản thân trong buổi phỏng vấn. Đừng đợi đến khi bạn có lời mời làm việc mới lập kế hoạch tấn công, hãy chuẩn bị một kế hoạch sơ bộ để thảo luận trong buổi phỏng vấn!
“Không gì gây ấn tượng với nhà tuyển dụng hơn việc có thể nêu chi tiết chính xác những gì bạn sẽ làm trong vài tháng đầu tiên. Điều đó cho thấy bạn nghiêm túc với cơ hội việc làm và sẵn sàng bắt tay vào làm ngay từ ngày đầu tiên”, anh Thái Bình khẳng định.
Đặt những câu hỏi sâu sắc
Khi nhà tuyển dụng hỏi bạn có thắc mắc gì về vị trí hoặc công ty không, đó là cơ hội tuyệt vời để thể hiện sự nhiệt tình của bạn và cho thấy bạn đang chú ý trong suốt cuộc trò chuyện. Để làm như vậy, bạn có thể đặt những câu hỏi có ý nghĩa về kỳ vọng của công ty đối với bạn với tư cách là một nhân viên mới và các kế hoạch của họ cho tương lai. Điều này thể hiện sự sẵn lòng của bạn trong việc đạt được các mục tiêu đó và thích nghi với nơi làm việc mới.
Hơn nữa, việc đặt những câu hỏi thông minh có thể cho thấy bạn đã tìm hiểu kỹ về công ty. “Việc hỏi về sản phẩm hoặc dịch vụ của họ và đề xuất những ý tưởng mới hay bình luận tích cực về những trải nghiệm trước đây với tư cách là người tiêu dùng cho thấy bạn vừa quen thuộc vừa gắn kết với doanh nghiệp”, anh Thái Bình nêu quan điểm.
Kết thúc bằng một điều gì đó đáng nhớ
Khi bạn bán một sản phẩm, bạn cần một khoảnh khắc “Aha” – đó có thể là một khẩu hiệu hoặc ý tưởng đơn giản mà mọi người sẽ nhớ mãi sau khi bài thuyết trình kết thúc. Bạn có thể áp dụng cách tiếp cận tương tự để quảng bá bản thân.
“Trong nhiều trường hợp, điều cuối cùng bạn nói là điều mà nhà tuyển dụng sẽ nhớ nhất. Vậy tại sao không kết thúc một cách ấn tượng? Để làm điều này, hãy chuẩn bị một tuyên bố ngắn gọn tóm tắt các kỹ năng và trình độ của bạn. Nếu bạn muốn công việc này, hãy cho họ biết. Đồng thời lặp lại sự quan tâm của bạn đối với vị trí và để lại cho nhà tuyển dụng điều gì đó tích cực để ghi nhớ”, anh Thái Bình gợi ý.
Điều quan trọng khi quảng bá bản thân khi phỏng vấn là vượt qua sự lo lắng để bạn có thể thể hiện một bức tranh tự tin, tích cực về con người thật của mình. Bằng cách thực hành những mẹo hữu ích này, bạn sẽ có thể bước vào cuộc phỏng vấn tiếp theo với tư thế ngẩng cao, sẵn sàng thể hiện hết khả năng và nhận được việc làm yêu thích.
Ngọc Quyên
Về Tác Giả
Bài Mới Nhất
Kiến thức kinh tếApril 25, 2025Hoàn thuế là gì? Các loại thuế được hoàn và điều kiện áp dụng
Kiến thức kinh tếApril 25, 2025Độc quyền là gì? Tác động của mô hình độc quyền trong kinh tế học
Góc kỹ năngApril 25, 2025Dược mỹ phẩm là gì? Công dụng, phân loại và cách sử dụng
Góc kỹ năngApril 25, 2025Thế giới ảo là gì? Ứng dụng, cơ hội việc làm và thách thức trong thời đại số