Khi nói đến ngành kế toán là gì, mọi người thường liên tưởng ngay đến những con số khô khan, đơn điệu. Tuy nhiên, thực tế thì công việc này còn nhiều hơn thế.
Nếu công việc trong lĩnh vực kế toán là điều bạn đang cân nhắc, hãy tìm hiểu thêm về những gì được đòi hỏi và cách bạn có thể tìm được một vị trí phù hợp nhé.
Kế toán là gì? Kế toán tiếng Anh là gì?
Kế toán tiếng Anh là Accounting là cách doanh nghiệp ghi lại, tổ chức và hiểu về thông tin tài chính của mình.
Bạn có thể xem kế toán là một cỗ máy lớn mà bạn nhập vào thông tin tài chính thô – hồ sơ về tất cả các giao dịch kinh doanh, dự báo tài chính, thuế… – sau đó đưa ra một câu chuyện dễ hiểu về tình trạng tài chính của doanh nghiệp.
Kế toán cho bạn biết liệu doanh nghiệp có đang tạo ra lợi nhuận hay không, dòng tiền của bạn là bao nhiêu, giá trị hiện tại của tài sản và nợ phải trả cũng như bộ phận nào của doanh nghiệp đang thực sự kiếm được tiền.
Mô tả công việc kế toán
Mặc dù nhiệm vụ hàng ngày của kế toán sẽ khác nhau tùy theo vị trí và doanh nghiệp, nhưng có một số nhiệm vụ và trách nhiệm phổ biến nhất của kế toán bao gồm:
– Kiểm tra bảng sao kê ngân hàng và đối chiếu chúng với các bút toán trên sổ cái;
– Theo dõi các khoản thu và chi;
– Tạo báo cáo tài chính với các thông tin được bao gồm ở trên để xác định và dự báo tình trạng tài chính của công ty;
– Đảm bảo tính chính xác của các tài liệu tài chính, cũng như tuân thủ đúng luật và quy định liên quan;
– Lập tờ khai thuế và đảm bảo rằng các khoản thuế được nộp đúng hạn;
– Phân tích dữ liệu để hiểu điều gì giúp doanh nghiệp tạo ra hoặc giảm doanh thu để đề xuất các phương pháp hay nhất giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả;
– Cung cấp hướng dẫn về giảm chi phí, nâng cao doanh thu và tối đa hóa lợi nhuận;
– Xử lý các trường hợp mất khả năng thanh toán;
– Đàm phán các điều khoản của giao dịch kinh doanh với khách hàng và đối tác;
Công việc kế toán thường được thực hiện ở văn phòng, với thời gian làm việc thường kéo dài hơn 8 tiếng mỗi ngày vào thời gian cao điểm như cuối năm tài chính.
Các loại kế toán trong doanh nghiệp
Kế toán tổng hợp. Kế toán tổng hợp về cơ bản đề cập đến các hoạt động kế toán và thu thập sổ cái tổng hợp bao gồm các khoản phí tài khoản trong các khoản ghi có và ghi nợ, lập hồ sơ báo cáo tài chính cho một quý hoặc năm tài chính.
Kế toán thanh toán. Chịu trách nhiệm thanh toán các khoản nợ của công ty cho các nhà cung cấp và các chủ nợ khác.
Kế toán ngân hàng. Là một kế toán ngân hàng, công việc của bạn là xem xét các thông tin liên quan đến tài chính và lập các báo cáo kế toán cho ngân hàng hoặc tổ chức tài chính.
Kế toán công nợ. Kế toán công nợ chịu trách nhiệm xử lý các khoản vay ngân hàng, thế chấp, hóa đơn chưa thanh toán, hoặc bất kỳ khoản tiền nào khác mà bạn nợ người khác.
Kế toán kho. Kế toán kho cập nhật chi tiết hàng hóa trong kho, lập phiếu xuất kho/nhập kho và đối chiếu sổ sách với số liệu thực tế nhằm tránh thiệt hại cho doanh nghiệp.
Kế toán tài sản cố định. Kế toán tài sản cố định chịu trách nhiệm kiểm kê, đánh giá và lập báo cáo về các tài sản cố định để đưa ra cách sử dụng hiệu quả.
Kế toán doanh thu. Kế toán doanh thu chịu trách nhiệm đối chiếu hàng ngày giữa tài khoản ngân hàng và tài khoản công ty cũng như xử lý các khoản thu hàng ngày, bảng thống kê doanh thu hàng tháng, tệp bảng tính, báo cáo liên công ty và liên lạc với các nhà đầu tư, đối tác và các bên liên quan.
Kế toán thuế. Kế toán thuế là phân ngành của kế toán liên quan đến việc chuẩn bị khai thuế và nộp thuế. Kế toán thuế tập trung vào thu nhập, các khoản khấu trừ, các khoản đóng góp và bất kỳ khoản lãi hoặc lỗ nào.
Kế toán chi phí. Kế toán chi phí là một hình thức kế toán quản lý nhằm nắm bắt tổng chi phí sản xuất của công ty bằng cách đánh giá các chi phí biến đổi của từng bước sản xuất cũng như chi phí cố định, chẳng hạn như chi phí thuê.
Kỹ năng kế toán cần thiết
Chú ý đến chi tiết. Các nhân viên kế toán phải chú ý đến chi tiết để có thể giữ cho thông tin chính xác và được trình bày tốt. Với số lượng dữ liệu tài chính phải phân tích, sẽ rất dễ mắc sai lầm và một lỗi đơn giản có thể gây ra các vấn đề lớn hơn nhiều nếu không được phát hiện.
Sự nhạy bén trong kinh doanh. Để đạt được hiệu quả trong vai trò này, một kế toán viên phải hiểu các chức năng cơ bản của một doanh nghiệp để phân tích và diễn giải chính xác các dữ liệu tài chính.
Kỹ năng phân tích. Thu thập và phân tích dữ liệu tài chính là một khía cạnh quan trọng trong việc giúp xác định đường hướng và các vấn đề tiềm ẩn. Trên thực tế, việc áp dụng phân tích dữ liệu vào lĩnh vực kế toán là một xu hướng mới trong ngành – được dự đoán sẽ có tác động ngày càng lớn trong tương lai.
Kỹ năng giao tiếp. Kế toán viên phải có khả năng lắng nghe cẩn thận để thu thập chính xác các dữ kiện và số liệu từ các bên liên quan. Họ cũng phải có khả năng trình bày rõ ràng kết quả công việc của mình và những phát hiện của họ trong các báo cáo bằng văn bản.
Kỹ năng toán học. Một quan niệm sai lầm phổ biến là bạn phải giỏi toán để trở thành một kế toán viên. Đúng là kỹ năng toán học rất quan trọng để phân tích, so sánh và giải thích dữ liệu và số liệu. Tuy nhiên, các kỹ năng toán học phức tạp thường không cần thiết trong trường hợp bạn muốn trở thành một kế toán viên.
Cơ hội và thách thức của ngành kế toán
Giống như hầu hết mọi thứ trong cuộc sống, nghề kế toán có những mặt tích cực và tiêu cực. Nhưng không phải là bản thân nghề nghiệp là tốt hay xấu, mà là nó chỉ phù hợp với một số người nhất định chứ không phải cho tất cả mọi người.
Cơ hội
Đó là một lĩnh vực việc làm ổn định và đang phát triển. Kế toán không phải là một nghề sẽ sớm biến mất. Triển vọng công việc trong ngành kế toán được dự báo sẽ phát triển trong những năm tới. Miễn là mọi người cần giúp đỡ về thuế và chừng nào doanh nghiệp còn tồn tại thì sẽ cần đến kế toán.
Tiềm năng phát triển nghề nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể bắt đầu với tư cách là một nhân viên nhưng tiềm năng phát triển rất lớn. Sau khi tích lũy nhiều kinh nghiệm, bạn có thể đạt được sự thăng tiến nghề nghiệp thông qua hiệu suất trong công việc và chứng chỉ bổ sung, chẳng hạn như chứng chỉ kế toán tổng hợp, chứng chỉ kế toán trưởng hoặc chứng chỉ kế toán quốc tế.
Có thể làm việc ở mọi nơi bạn muốn. Với một số lĩnh vực nghề nghiệp, bạn có thể cần phải thay đổi cuộc sống của mình và chuyển đến một trung tâm công nghiệp để tìm việc. Tuy nhiên, kế toán dường như ở khắp mọi nơi. Từ các nhà hàng khách sạn, trường học đến các công ty du lịch hay phát triển phần mềm, dường như tất cả đều cần một kế toán viên. Điều này mang lại cho bạn sự linh hoạt khi chọn nơi làm việc.
Tiềm năng kinh doanh. Rất ít khả năng một phi công sẽ khai trương hãng hàng không của riêng họ, nhưng các kế toán viên có thể thành lập công ty của chính mình. Nếu bạn có thêm một chút tinh thần kinh doanh, thành lập công ty kế toán có thể là cách tuyệt vời để thăng tiến trong sự nghiệp.
Thử thách
Liên tục học hỏi. Nếu trở thành một kế toán, việc học sẽ không dừng lại khi bạn đã lấy được bằng cấp của mình. Để phát triển, bạn cần phải có kế hoạch học hỏi liên tục — ít nhất là để theo kịp những thay đổi trong ngành và chứng chỉ quan trọng. Các chứng chỉ này sẽ mất rất nhiều thời gian và nỗ lực để có được, vì vậy điều quan trọng là phải biết những gì bạn muốn đạt được.
Công việc có vẻ buồn tẻ. Nhắc đến kế toán là gì, nhiều người không xem đây là một lĩnh vực hấp dẫn. Công việc hàng ngày đòi hỏi rất nhiều sự xem xét kỹ lưỡng, điều này có thể gây nhàm chán đối với một số người nhưng lại thú vị với những người khác. Do đó, bạn cần tìm hiểu về những việc kế toán làm hàng ngày để xác định xem liệu công việc có hấp dẫn bạn hay không.
Công việc có thể căng thẳng. Khi bạn chịu trách nhiệm về tài chính của một tổ chức, chắc chắn sẽ cảm thấy áp lực. Tuy nhiên, mức độ áp lực có thể thay đổi tùy theo vị trí bạn đảm nhận và tính cách của bạn.
Nếu bạn đang hướng đến một vị trí kế toán, hãy cố gắng đánh giá trung thực về thái độ của bạn đối với áp lực và khối lượng công việc nặng nề. Nếu bạn không phải là người dễ căng thẳng thì công việc kế toán có thể không làm phiền bạn. Nếu bạn biết mình là người dễ bị kiệt sức, có thể nghề kế toán không phải là lựa chọn lý tưởng cho bạn.
Ngành kế toán lấy bao nhiêu điểm?
Điểm chuẩn ngành kế toán ở một số trường như sau:
Trường Đại học Kinh tế – Luật (ĐHQG TP.HCM): 21- 24 điểm
Trường Đại học Kinh tế – Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF): 15- 18 điểm
Trường Đại học Kinh tế TP.HCM: 21- 24 điểm
Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH): 15- 18 điểm
Trường Đại học Tài chính – Marketing TP.HCM: 20- 24 điểm
Trường Đại học Thương Mại: 22-24 điểm
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: 24 điểm
Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng: 23 điểm
Học viện Tài chính: 24 điểm
Ngành kế toán học những môn gì?
Những kiến thức bạn sẽ được đào tạo khi học ngành kế toán bao gồm:
Nguyên lý kế toán
Kế toán quản trị
Kế toán chi phí
Kiểm toán
Phân tích ngân sách
Chiến lược kinh doanh và quản lý rủi ro
Kế toán tài chính
Tiêu chuẩn và đạo đức nghề nghiệp…
Các cấp bậc của kế toán
Nhân viên kế toán: chịu trách nhiệm nhập các giao dịch thông thường vào hồ sơ kế toán của công ty, các nhiệm vụ đối chiếu tài khoản cơ bản và phân tích tài chính đơn giản.
Kế toán tổng hợp: chịu trách nhiệm nhập các bút toán phức tạp vào sổ sách của công ty, quản lý sổ cái, thực hiện rà soát công việc kế toán nhân viên và đối chiếu các tài khoản phức tạp.
Kế toán trưởng: là người chịu trách nhiệm chung về kế toán của tổ chức. Họ xem xét các đối chiếu tài khoản phức tạp, thiết lập chính sách kế toán, phân tích các giao dịch phức tạp bàn bạc với lãnh đạo về các vấn đề kế toán.
Giám đốc tài chính: hay CFO, là thành viên cấp cao nhất của chức năng tài chính trong một tổ chức. CFO chịu trách nhiệm về “sức khỏe” tài chính chung của doanh nghiệp, đảm bảo rằng báo cáo tài chính phù hợp với luật pháp và quy định cũng như việc thực hiện các hệ thống kế toán để hỗ trợ các mục tiêu của doanh nghiệp. Hơn nữa, CFO thường là cố vấn tài chính cho giám đốc điều hành hoặc CEO của công ty về các khía cạnh tài chính của các quyết định kinh doanh.
Học kế toán ra làm gì?
Với tấm bằng đại học chuyên ngành kế toán, bạn có thể làm các công việc như: Nhân viên kế toán, Nhân viên kế toán thuế, Nhân viên kế toán bán hàng, Nhân viên kiểm toán, Nhân viên kế toán thu ngân… Cao hơn nữa là Kế toán tổng hợp, Kế toán trưởng hoặc Giám đốc Tài chính.
Tìm việc làm kế toán ở đâu?
Với vai trò quan trọng ở bất kỳ doanh nghiệp nào nên bạn có thể dễ dàng tìm kiếm việc làm kế toán từ mạng xã hội đến các trang web tìm việc. Tuy nhiên, bạn nên chọn các trang web việc làm uy tín để đảm bảo sự an toàn khi tìm việc. Với số lượng lớn công việc kế toán được tuyển dụng hàng ngày từ các doanh nghiệp hàng đầu trên CareerLink.vn thì đây là một trong những địa chỉ đáng tin cậy dành cho bạn.
Ngành kế toán có phải là chuyên ngành tốt để bạn theo đuổi? Hi vọng những thông tin kế toán là gì, các loại kế toán trong doanh nghiệp, các cơ hội và thử thách của ngành kế toán trên đây sẽ giúp bạn đi đúng hướng.
Hảo Đặng