Trường công lập là gì? Học trường công lập có thực sự tốt?

Hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều loại hình trường học, nhưng phổ biến nhất vấn là trường công lập. Vậy trường công lập là gì? Điểm khác biệt của trường công lập so với các hình thức trường học khác? Có nên học không… Mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết này của CareerLink để tìm ra câu trả lời chính xác dành cho mình nhé.

Trường công lập là gì? Học trường công lập có thực sự tốt?

Trường công lập là gì?

“Trường công lập là loại hình trường học trực thuộc Nhà nước hoặc địa phương quản lý.”

Chi phí xây dựng, sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị – đồ dùng dạy học và chi phí quản lý, lương và phụ cấp của giáo viên đều từ nguồn tài chính công hoặc các quỹ đầu tư phi lợi nhuận.

Tùy theo từng trường công lập mà chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Bộ Giáo dục và đào tạo (Bộ GD&ĐT) hay các Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT địa phương. Tất cả những quy định về dạy và học, thi cử, xét duyệt thi đua khen thưởng/ kỷ luật giáo viên – học sinh… được Bộ GD&ĐT ban hành. 

Nếu trường có quy chế riêng bắt buộc phải thông qua và được sự đồng ý của Bộ hay Sở/ Phòng GD&ĐT nơi mình chịu sự quản lý.

Điểm khác biệt của trường công lập là gì?

Hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều loại hình trường học khác nhau. Ngoài trường công lập, chúng ta còn có các trường dân lập (tư thục). Điều này mang đến cho phụ huynh và học sinh nhiều sự lựa chọn.   

Điểm chung của trường công lập với trường dân lập đó là đều trực thuộc hệ thống giáo dục quốc gia. Hầu hết những quy định về tiêu chí dạy và học, tuyển sinh đều phải tuân thủ theo quy định của Bộ hoặc Sở/ Phòng GD&ĐT. Bằng cấp của học sinh, sinh viên trường công lập và tư thục đều có giá trị ngang nhau.

Ngoài những điểm chung đã kể ở trên thì trường công lập cũng có nhiều sự khác biệt với trường dân lập. Để dễ dàng nhận biết những điểm khác nhau của 2 loại hình trường dân lập và trường công lập là gì, mời các bạn cùng xem những so sánh dưới đây.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học

– Trường công lập: có cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học chỉ ở mức trung bình. Chất lượng chưa đồng đều, có sự chênh lệch ở từng trường bởi ngân sách đầu tư cho giáo dụng của mỗi địa phương khác nhau. Nếu muốn sửa chữa, bổ sung hay xây mới đều phải làm hồ sơ và được sự đồng ý của cấp trên. Điều này vô cùng khó khăn vì có nhiều thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian chờ được xét duyệt.

– Trường dân lập: có cơ sở vật chất đầy đủ và hiện đại. Bởi vì vốn đầu tư xây mới, nâng cấp, bổ sung đều là nguồn vốn của tư nhân, không cần đệ trình, xét duyệt lên cấp trên.

Về chương trình giảng dạy 

Điểm khác biệt lớn nhất giữa trường công lập và trường tư nhân có lẽ là ở chương trình giảng dạy. Cụ thể là:

– Trường công lập: chương trình giảng dạy phải tuân thủ theo Bộ GD&ĐT. Các kiến thức dành cho học sinh đều ở mức cơ bản, chỉ một số ít lớp chuyên biệt và nâng cao. 

– Trường dân lập: chương trình giảng dạy riêng, không bắt buộc tuân theo 100% sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Các trường sẽ đổi mới phương pháp dạy phù hợp với xu thế giáo dục mới đó là nâng cao tính thực tế, không đi sâu về lý thuyết. Hiện tại, có nhiều trường dân lập liên kết với các trường, hệ thống giáo dục quốc tế để giúp học sinh/sinh viên có cơ hội giao lưu mở rộng, nâng cao kiến thức toàn diện.

Về hình thức tuyển sinh đầu vào

Việc có nhiều loại hình trường học nên hình thức tuyển sinh đầu vào cũng có sự thay đổi. Ví dụ:

– Trường công lập: Hình thức tuyển sinh đầu vào chủ yếu dựa vào kết quả thi, có rất ít trường công áp dụng hình thức xét tuyển bằng học bạ. Điều này, gây áp lực rất lớn cho cả phụ huynh và học sinh bởi điểm chuẩn rất cao. Với bậc THCS và THPT thì yêu cầu còn có hộ khẩu. 

– Trường dân lập: Khác với trường công lập, việc tuyển sinh của trường hầu hết dựa vào điểm thi và học bạ. Nếu có thi tuyển thì điểm thi sẽ thấp hơn trường công. Vì thế, khả năng trúng tuyển rất cao. Trường dân lập không yêu cầu hộ khẩu, điều này là một ưu điểm lớn với nhiều bạn học sinh thuộc cấp tiểu học đến THPT.

Về mức học phí

– Trường công lập: Học phí khá thấp do được nhà nước hỗ trợ ngân sách khi xây dựng, sửa chữa. Được áp dụng chính sách hỗ trợ miễn/giảm học phí cho các học sinh/sinh viên thuộc gia đình khó khăn: hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có công với nước, miền núi…

– Trường dân lập: Học phí cao bởi vốn tư nhân 100%, mọi việc xây dựng, mua sắm thiết bị dạy học đều là do trường, không được nhà nước hỗ trợ. Không áp dụng chính sách miễn/giảm các khoản đóng góp với học sinh/sinh viên. 

Nên chọn học tại trường công lập hay không?

Nên chọn học tại trường công lập hay dân lập là băn khoăn của hầu hết các phụ huynh. Câu trả lời là tùy theo quan niệm của nhiều người. Rất nhiều người chọn cho con học trường công lập với lý do trường công hoạt động do ngân sách nhà nước và địa phương cấp nên mọi chi phí, khoản đóng góp đều ở mức trung bình, ổn định. Học phí sẽ thấp, ít có sự thay đổi học phí trong mỗi kỳ học như trường dân lập. Được hỗ trợ, miễn giảm các khoản đóng góp nếu thuộc diện khó khăn.

Chất lượng giáo dục từ bậc mầm non đến THPT có sự đồng đều vì lượng kiến thức ở các trường công đều ngang nhau. Trừ một số trường chuyên sẽ phát huy được năng khiếu của từng học sinh. 

Học trường công lập có thực sự tốt?

Thông qua định nghĩa trường công lập là gì và lí do nhiều người chọn trường công lập thì bạn cũng có thể đưa ra nhận xét học trường công lập có thực sự tốt hay không.

Thực ra trường công hay trường tư đều có ưu nhược điểm khác nhau, một thế mạnh riêng. Không hoàn toàn học trường công tốt, trường tư kém, mà kết quả học tập phụ thuộc sự cố gắng, nỗ lực của từng cá nhân học sinh/sinh viên.

Quan trọng là tùy thuộc vào khả năng và điều kiện kinh tế mà các bậc cha mẹ và các em đưa ra lựa chọn cho riêng mình. Chọn trường học không chỉ là tìm ra một ngôi trường tốt nhất mà còn là chọn được cho mình ngôi trường phù hợp nhất.

Để được tuyển thẳng vào trường THPT công lập cần những điều kiện nào?

Trong các bậc học thì kỳ tuyển sinh đầu vào của các trường THPT luôn “nóng”. Nó nhận được sự quan tâm nhiều ngang với kỳ tuyển sinh vào ĐH. Và để được xét tuyển thẳng vào trường THPT, học sinh cần đáp ứng các điều kiện sau:

– Thứ nhất: Những học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú (THPT) đã tốt nghiệp THCS đều được tuyển thẳng vào lớp 10 của trường THPT.

– Thứ 2: Học sinh được tuyển thẳng vào lớp 10 của trường THPT là người dân tộc ít người (trong nhóm 16 dân tộc sau: La Ha, Pà Thèn, La Hủ, Chứt, Lự, Lô Lô, Mảng, Cờ Lao, Cống, Bố Y, Ngái, Pú Péo, Brâu, Si La, Ơ Đu, Rơ Măm).

– Thứ 3: Học sinh khuyết tật gồm: bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận trên cơ thể, bị suy giảm chức năng dưới dạng không bình thường, sinh hoạt, học tập khó khăn.

– Thứ 4: Là những học sinh đã đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về lĩnh vực văn hóa – văn nghệ, thể dục thể thao như: Cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT, Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Viết thư quốc tế UPU, Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp…

Nếu đang băn khoăn trường công lập là gì, nên chọn trường công lập hay không thì bài viết này đã cung cấp đầy đủ thông tin cho bạn. Nếu cần tham khảo thêm các thông tin mới hay và hữu ích về việc làm, định hướng nghề nghiệp… các bạn hãy truy cập Careerlink.vn nhé. 

Thúy Vui

Sao chép thành công