Mục Lục
SEO đã và đang chiếm lĩnh ngành công nghiệp kỹ thuật số như một cơn bão trong hơn thập kỷ qua và chưa có dấu hiệu chậm lại. Nhu cầu về nhân viên SEO ngày càng tăng và các doanh nghiệp không ngừng vung tiền vào SEO nhưng đã bao giờ bạn thắc mắc các nhân viên SEO làm gì hàng ngày hay chưa? Họ làm công việc đầy huyền bí đó như thế nào?
Bạn có thể biết rằng các SEOer (cách gọi những người làm SEO) sử dụng phần lớn thời gian giúp các trang web xuất hiện ở vị trí top đầu trên các công cụ tìm kiếm như Google, Bing… Điều này đúng nhưng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Để vén bức màn bí ẩn này, hãy cùng theo dõi một ngày làm việc của anh Hoàng Hưng, chuyên gia SEO diễn ra như thế nào nhé.

Đầu tiên, anh có thể giải thích rõ hơn nhân viên SEO là gì được không ạ?
SEO là từ viết tắt của “Search Engine Optimization” được hiểu là tối ưu hóa công cụ tìm kiếm – là quá trình cải thiện trang web để tăng khả năng hiển thị trên Google, Bing và các công cụ tìm kiếm khác. Đây cũng là nhiệm vụ của các nhân viên SEO.
Khả năng hiển thị tốt hơn trong kết quả tìm kiếm giúp trang web công ty có nhiều lưu lượng truy cập (không phải trả tiền) hơn, có nhiều cuộc gọi đến tổng đài hơn, có nhiều thành viên đăng ký hơn và có nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Nói cách khác, được xếp hạng cao trong kết quả tìm kiếm có thể tác động hữu hình đến lợi nhuận của doanh nghiệp. SEO là một mảng của Digital Marketing và là điều bắt buộc đối với bất kỳ công ty nào muốn tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên kỹ thuật số ngày nay.
Nhiều ý kiến cho rằng các nhân viên SEO chỉ chơi với từ khóa, anh nghĩ sao về điều này?
Không hẳn như vậy, các SEOer làm nhiều việc hơn là chỉ rải một vài từ khóa phổ biến trên trang web, ngồi rung đùi và hi vọng nó sẽ xuất hiện đầu tiên trong kết quả tìm kiếm.
Nhiều người còn nghĩ rằng SEO dễ như ăn cháo, chỉ quanh quẩn với mấy từ khóa hay suốt ngày vùi đầu vào Google. Mình dành nhiều thời gian cho Goolge thật nhưng vì đều có lí do cả. Để trở thành một chuyên gia về công cụ tìm kiếm thì bắt buộc bạn phải hiểu rõ về công cụ tìm kiếm, có đúng không nào?
Mình nghĩ để làm sáng tỏ sự nhầm lẫn về công việc của SEOer, không còn cách nào tốt hơn là nói về các hoạt động thường ngày của mình.
Vậy một ngày của anh trôi qua như thế nào, thưa anh?
Công việc hàng ngày của mình cũng như các nhân viên SEO khác, sẽ có lúc xuất hiện thêm các nhiệm vụ mới nhưng trách nhiệm chính thì không đổi.
Như bạn đã nói và mình cũng đã công nhận là công việc của SEOer gắn liền với từ khóa. Dù Google liên tục thay đổi thuật toán nhưng từ khóa vẫn là trụ cột của SEO và là điểm bắt đầu cho mọi hành động tìm kiếm. Thế nên công việc hàng ngày của mình không thể thiếu nghiên cứu từ khóa bằng các công cụ SEO khác nhau để tìm ra các từ khóa có mức cạnh tranh thấp, phổ biến và có liên quan giúp cải thiện khả năng hiển thị và tăng thứ hạng của trang web.
Từ khóa là nền tảng của SEO, nhưng chỉ là một phần của câu đố SEO phức tạp và đa dạng. Để từ khóa phát huy tác dụng, tối ưu hóa từ khóa phải thực sự hiệu quả. Tối ưu hóa bao gồm việc cung cấp nội dung chất lượng, thay đổi code web, cấu trúc HTML rõ ràng, mô tả meta và URL đúng chuẩn, trang web được tải nhanh chóng…
Ngoài ra, nói đến SEO không thể bỏ qua việc xây dựng liên kết. Google không chỉ xem xét các trang web và nội dung trong đó mà còn chú ý đến mối quan hệ râu ria xung quanh. Khi các trang web khác liên kết với trang web của mình, đó là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào nội dung và là điều mà Google tính đến khi xếp hạng. Thế nên, một phần việc khác mà SEOer phải làm là kiếm cơ hội để liên kết với các trang web khác hoặc khiến họ chủ động đặt liên kết với trang web của mình.
Đây chỉ mới là nửa chặng đường thôi. Đã đầu tư công sức và thời gian thì phải xem nó hoạt động như thế nào để biết đường cải thiện. Vậy là màn hình của mình lại mở ra các tab từ Google Analytics, Google Webmaster Tools, Google Search Console hàng ngày để xem các trang hoạt động như thế nào, các từ khóa còn khả năng cạnh tranh hay không và nhu cầu tìm kiếm tăng hay giảm, lưu lượng truy cập nhiều nhất đến từ đâu và trang đích nào đạt được kết quả tốt nhất và thu hút được nhiều sự chú ý nhất. Các trang đích có từ khóa và nội dung tốt nhất sẽ được dùng làm mẫu khi thiết lập các trang khác sau này.
Để được lên top đã khó, duy trì được vị trí ấy càng khó hơn. Thứ hạng có thể thay đổi hàng ngày bởi Google rất chịu khó thay đổi thuật toán. Tụi mình thường nói vui rằng các công cụ tìm kiếm cứ đỏng đảnh như cô gái mới lớn vậy. Thuật toán thay đổi cộng với việc SEO là một phần của tiếp thị kỹ thuật số, mà bạn biết rồi đấy tiếp thị luôn phải linh động. Thế nên các nhân viên SEO không thể cứ dựa vào một hoạt động mãi mãi mà phải đi theo dòng chảy và theo kịp tâm trạng của Google. Điều đó có nghĩa là tụi mình phải cập nhật hàng ngày, hàng giờ. Sơ hở một chút là lạc hậu ngay, vài ngày nghỉ phép mà cứ tưởng mình đã lùi về thời kỳ đồ đá.
Buông hết các phần việc này thì mặt trời cũng đi ngủ rồi. Nếu hôm nay là thứ Sáu thì anh em tụi mình sẽ kết thúc một ngày với nồi lẩu nghi ngút khói và sương sương vài chai bia giải khát.
“Dù làm SEO nội bộ hay làm việc với khách hàng, bạn cần nắm vững các kỹ năng cần thiết để trở thành một nhân viên SEO.”
Vậy thì công việc SEO có vẻ không quá căng thẳng phải không ạ?
Bất kỳ công việc nào cũng căng thẳng tùy thuộc vào hiệu suất mà công ty mong muốn và SEO cũng vậy. Tuy nhiên, nó không căng thẳng như IT hay các công việc liên quan đến lập trình khác.
Mỗi lần Google thay đổi thuật toán là tụi mình lại chạy cong đuôi. Rồi nhiều khi sếp càm ràm vì sao lâu lên hạng trong khi một trang web phải mất ít nhất 3 tháng mới có thể xuất hiện một cách đường hoàng. Lúc chẳng may bị Google “phạt thẻ vàng” là mặt xanh như tàu lá gấp gấp điều chỉnh… Bạc tóc chứ chẳng chơi. Căng thẳng vậy đấy nhưng sẽ vui ngay khi thấy thứ hạng của trang web được cải thiện. Sáng ra thấy tăng lên một vài hạng là thấy cuộc đời tươi hẳn.
Nếu có lời khuyên cho những bạn muốn trở thành SEOer, anh sẽ nói gì?
Miễn là bạn quan tâm đến thế giới SEO và luôn cập nhật bất kỳ thay đổi nào trong tiếp thị tìm kiếm, bạn có thể trở thành một nhân viên SEO.
Đây là công việc khó khăn và mất nhiều thời gian nhưng một khi bắt đầu nhận được kết quả khả quan, bạn sẽ nghiện ngay. Bạn sẽ yêu các từ khóa, quan tâm đến các dữ liệu, thích lên kế hoạch xây dựng link liên kết và không ngại đấu trí với gã khổng lồ Google… SEO là công việc tuyệt vời nếu bạn muốn thứ gì đó thay đổi hàng ngày, sáng tạo, phức tạp, đầy thử thách và tạo ra bước đột phá cho doanh nghiệp.
Cảm ơn anh về những chia sẻ giúp mọi người có thể hiểu hơn về công việc SEO đầy thú vị. Chúc anh ngày càng thành công hơn nữa trong lĩnh vực SEO và trong cuộc sống!
Nghe kể về ngày làm việc của một nhân viên SEO có khiến bạn thấy phấn khích không? Bạn có háo hức trở thành một SEOer? Đừng ngần ngại thử sức mình ở lĩnh vực đang “hót hòn họt” này nhé.
Huỳnh Trâm
Về Tác Giả
Bài Mới Nhất
Kiến thức kinh tếMarch 14, 2025SUBTOTAL là gì? Hướng dẫn cách dùng hàm SUBTOTAL trong Excel
Tư vấn nghề nghiệpMarch 14, 2025Hành chính nhân sự là gì? Tổng quan về công việc, kỹ năng và cơ hội việc làm
Góc kỹ năngMarch 14, 2025Kiểm Soát Nội Bộ Là Gì? – Khám Phá Sự Quan Trọng và Ứng Dụng
Tư vấn nghề nghiệpMarch 14, 2025Designer là gì? Công việc, kỹ năng và các nhóm ngành thiết kế