Giám định là gì? Thực hiện giám định trong trường hợp nào?

Giám định là một công việc quan trọng nên rất cần người làm có kinh nghiệm và chuyên môn sâu. Vậy giám định là gì, giám định có mấy loại, trường hợp nào cần phải giám định? Dưới đây, Careerlink.vn sẽ giải đáp những thắc mắc này cho bạn đọc một cách chi tiết nhất.

Giám định là gì? Thực hiện giám định trong trường hợp nào?

Giám định là gì?

“Giám định (tiếng Anh: Assess) là quá trình thực hiện kiểm tra, đánh giá về một sự vật, sự việc, đối tượng theo trình tự, yêu cầu cụ thể.”

Vì thế, người làm giám định (Assessor) cần có chuyên môn và kinh nghiệm để đưa ra kết luận chuẩn xác, đáp ứng yêu cầu của công việc. 

Do có vai trò và ý nghĩa đặc biệt như vậy nên Nhà nước đã liên tục ban hành và sửa đổi luật giám định để đảm bảo và phù hợp với tình hình hiện tại. 

Quyết định trưng cầu giám định sẽ có các nội dung sau:

– Tên cơ quan; tên người trưng cầu giám định.

– Tên tổ chức; họ và tên người được trưng cầu giám định.

– Bảng tóm tắt nội dung sự việc:

+ Tên và đặc điểm riêng của đối tượng cần giám định.

+ Tên tài liệu, đồ vật có liên quan hoặc mẫu vật so sánh gửi kèm (nếu có).

+ Nội dung chuyên môn của vấn đề, sự việc cần giám định;

+ Ngày, tháng, năm trưng cầu và thời hạn trả kết luận giám định tư pháp.

Giám định được chia thành mấy loại hình?

Giám định là một thuật ngữ được áp dụng trong đa dạng lĩnh vực khác nhau. Theo pháp luật Việt Nam quy định thì hiện nay, giám định được chia làm hai loại hình. Đó là:

Giám định tư pháp

Căn cứ vào khoản 1 Điều 2 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (được sửa đổi năm 2020) thì giám định tư pháp là hình thức sử dụng kiến thức, chuyên môn, phương pháp khoa học, kỹ thuật và nghiệp vụ để kết luận về những vấn đề có liên quan đến:

– Hoạt động điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

– Giải quyết vụ các vụ án dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, theo yêu cầu của người yêu cầu giám định hay người có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định trong Luật Giám định tư pháp 2012.

Đặc điểm của giám định tư pháp là gì?

– Căn cứ pháp lý: loại hình giám định này dựa vào Luật giám định tư pháp, Luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng hình sự và Luật Tố tụng hành chính. Đây là hoạt động giám định phổ biến và có kết luận chuẩn xác, chi tiết.

– Phạm vi áp dụng: chỉ phục vụ quá trình xét xử, tố tụng các vụ án hình sự, dân sự và các vụ án hành chính tại tòa.

– Tổ chức giám định: Loại hình giám định tư pháp phục vụ cho quá trình tố tụng để làm tư liệu, minh chứng cho các vụ việc quan trọng. Và giám định tư pháp sẽ được chia thành 2 nhóm:

+  Nhóm 1: các tổ chức giám định tư pháp công lập được thực hiện ở ba lĩnh vực chính là: giám định kỹ thuật hình sự, pháp y và pháp y tâm thần. 

+ Nhóm 2: các tổ chức và người thực hiện giám định tư pháp theo vụ việc và theo các lĩnh vực do Bộ và ngang Bộ quản lý như: tài chính, công nghệ, tài nguyên môi trường, giao thông…

– Ý nghĩa: 

+ Đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của hai bên có liên quan.

+ Góp phần quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ án một cách triệt để, công bằng, minh bạch.  

+ Kết luận giám định tư pháp có ý nghĩa trong việc thu thập bằng chứng, xác lập, củng cố và kiểm tra chứng cứ.

– Nội dung giám định:

Người giám định hoặc hội đồng giám định sẽ kết luận cụ thể, làm sáng tỏ với đối tượng được đưa đi giám định. Kết luận của giám định tư pháp sẽ dựa trên các tình tiết, dấu vết, mẫu vật, tài liệu, con người… do cơ quan trưng cầu cung cấp. Tùy vào từng đối tượng mà áp dụng phương pháp giám định phù hợp.

Giám định dịch vụ

Theo quy định của Luật thương mại thì giám định dịch vụ là một hoạt động có tính chất thương mại. Chủ thể là thương nhân thực hiện việc xác định tình trạng thực tế của sản phẩm hàng hóa, kết quả cung ứng dịch vụ.

Đặc điểm của giám định dịch vụ:

– Căn cứ pháp lý: tổ chức giám định dịch vụ dựa theo Luật Thương mại và Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa. 

– Phạm vi áp dụng: phục vụ cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh, vận chuyển, giao dịch, hoạt động xuất nhập khẩu, phục vụ Nhà nước… 

– Tổ chức giám định: Các tổ chức giám định dịch vụ phải được Nhà nước cấp phép mới có quyền thẩm định, tố tụng. Các hoạt động giám định dịch vụ gồm có:

+ Giám định ngành công nghiệp.

+ Giám định ngành hàng hải.

+ Giám định hàng tiêu dùng, giám định hàng thủ công mỹ nghệ.

+ Giám định sản phẩm nông nghiệp và lâm sản.

+ Giám định hóa chất và khoáng sản.

+ Giám định các sản phẩm như dầu thô, xăng dầu, khí ga.

+ Giám định phục vụ yêu cầu các cơ quan Nhà nước.

– Ý nghĩa của hoạt động giám định dịch vụ: 

+ Chứng thư giám định dịch vụ giúp phát hiện và kiểm soát sớm chất lượng của sản phẩm, hàng hóa sau khi hoàn thành.

+ Kiểm soát được chất lượng của sản phẩm, hàng hóa trước khi giao.

+ Kiểm soát được chất lượng hàng hóa khi nhận.

+ Phục vụ các hoạt động quản lý của Nhà nước đối với chất lượng hàng hóa.

– Nội dung giám định:

Nội dung thực hiện giám định dịch vụ là thực hiện một hoặc một số nội dung về số lượng, chất lượng, giá trị hàng hóa, bao bì sản phẩm, xuất xứ hàng hóa, nội dung khác theo yêu cầu của khách hàng… 

Giám định viên hoặc hội đồng giám định dịch vụ sẽ thực hiện việc xem xét sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa so với hợp đồng, quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn công bố áp dụng bằng cách cách quan trắc: đo, thử nghiệm, xét nghiệm để đưa ra kết quả.

Nên tiến hành giám định trong trường hợp nào?

Khái niệm về giám định là gì và phân loại giám định đã được trình bày cụ thể ở phần trên. Tiếp theo, hãy cùng theo dõi tiếp hoạt động giám định được áp dụng trong trường hợp nào nhé. 

Khi nào cần giám định tư pháp?

– Người trưng cầu giám định sẽ tiến hành trưng cầu tư pháp bằng văn bản, có kèm quyết định kèm theo đối tượng để giám định bao gồm: đồ vật, tài liệu có liên quan đến tổ chức, cá nhân thực hiện giám định. Thẩm phán, người tiến hành tố tụng là người thực hiện do đương sự yêu cầu hoặc xét thấy cần thiết để làm chứng cứ cho vụ việc đó.

– Trường hợp nội dung cần giám định có liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều tổ chức. Người trưng cầu giám định cần phải tách riêng từng nội dung để trưng cầu tổ chức, cá nhân có chuyên môn phù hợp việc thực hiện giám định pháp lý.

– Trong trường hợp có phát sinh vướng mắc trong việc trưng cầu, phối hợp thực hiện giám định. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ đứng ra chủ trì, phối hợp với cá nhân, tổ chức được trưng cầu để giải quyết.

Khi nào cần giám định dịch vụ?

Hoạt động giám định dịch vụ này được thực hiện theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Quá trình tiến hành giám định thường có trong các khâu:

– Giám định nguyên vật liệu trước khi sản xuất sản phẩm, hàng hóa.

– Giám định mẫu sản phẩm, hàng hóa.

– Giám định quy trình sản xuất, hoàn thiện sản phẩm.

– Giám định quy trình đóng gói, dán nhãn trước khi giao hàng.

– Giám định xếp hàng hóa.

– Giám định hàng hải

– Giám định, giám sát quá trình gỡ hàng.

– Giám định tình trạng tổn thất sản phẩm, hàng hóa.

– Giám định bảo hiểm hàng hóa.

– Giám định quá trình lắp đặt và chạy thử.

– Giám định quá trình quản lý kho hàng.

– Giám định theo yêu cầu phục vụ mục đích quản lý Nhà nước.

Khi nào cần giám định lại?

Căn cứ theo Điều 211 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, việc giám định lại khi có nghi ngờ về kết quả giám định lần đầu không chính xác ngay cả khi Tòa án không chấp thuận. Khi đó, cơ quan trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng sẽ quyết định việc trưng cầu giám định lại. 

Đồng thời, trong Luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định việc giám định lại phải do người khác thực hiện. Kết quả của yêu cầu giám định lại từ đương sự nếu chuẩn xác thì sẽ được dùng để bảo vệ danh dự, quyền lợi của nhân thân trước tòa.

Một số thuật ngữ thường gặp liên quan đến giám định

Giám định viên là gì?

Giám định viên một chuyên gia trong một chủ đề cụ thể được tòa án hoặc cơ quan khác yêu cầu đưa ra lời khuyên.

Giám định pháp y là gì?

Giám định pháp y là hoạt động phục vụ cho việc xét xử các vụ án với phạm vi công việc như khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, giải phẫu tử thi…

Giám định y khoa là gì?

Giám định y khoa là việc xác định tình trạng sức khỏe, mức độ tổn thương cơ thể… vì nhiều mục đích khác nhau.

Trưng cầu giám định là gì?

Trưng cầu giám định là việc ra quyết định yêu cầu người có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực nhất định cùng tham gia nghiên cứu và kết luận về các vấn đề cần làm rõ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án.

Toàn bộ thông tin về giám định là gì đã được giới thiệu chi tiết để các bạn tham khảo. Do tính chất công việc quan trọng nên bạn cần tìm hiểu kỹ và lựa chọn đơn vị uy tín để đạt kết quả như mong muốn. Nếu đang tìm việc làm trong lĩnh vực giám định thì Careerlink.vn là website uy tín để bạn tham khảo, hãy truy cập ngay nhé.

Thúy Vui

Sao chép thành công