Giá trị nhân đạo là gì và ý nghĩa trong cuộc sống, văn chương?

Nhân đạo là một đức tính tốt, có lòng yêu thương, cảm thông với người khác. Vậy còn giá trị nhân đạo là gì, biểu hiện và ý nghĩa của giá trị nhân đạo trong cuộc sống và văn chương như thế nào. Bài viết dưới đây, sẽ có đáp án chính xác mời bạn đọc hãy cùng theo dõi với CareerLink nhé.

Giá trị nhân đạo là gì và ý nghĩa trong cuộc sống, văn chương?

Giá trị nhân đạo là gì?

Nhân đạo được ví là thước đo của sự văn minh và tiến bộ của xã hội. Đây là truyền thống quý báu mà thời nào cũng cần phát huy. Tính nhân đạo được thể hiện ở hành động giúp đỡ người khác về vật chất, tinh thần…

Giá trị nhân đạo là một thuật ngữ được sử dụng cho những ý tưởng, việc làm tốt, có ích cho cộng đồng, xã hội. Bên cạnh đó giá trị nhân đạo còn được thể hiện qua các tác phẩm văn chương, nghệ thuật. Nó được tạo nên từ cảm xúc của tác giả, thông qua các nhân vật, sự việc để miêu tả nỗi xót thương giữa người với người, nỗi đau về số phận bất hạnh hoặc những mảnh đời khó khăn.

“Giá trị nhân đạo là những giá trị được tạo bởi niềm cảm thông sâu sắc trước những mảnh đời bất hạnh và hoàn cảnh khó khăn.”

Biểu hiện của giá trị nhân đạo trong cuộc sống

Trong cuộc sống hiện nay có không ít người đang gặp phải hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn… Những mảnh đời bất hạnh ấy do nhiều nguyên nhân khác nhau như chiến tranh, thiên tai, bệnh tật, bị bạo hành, ngược đãi…

Chính vì thế, họ rất cần sự chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ của mọi người bằng những việc làm thiết thực. Có thể giúp đỡ bằng tinh thần, vật chất, trao cơ hội để những họ có thể vượt qua những khó khăn, nỗi đau ấy. Đó là những biểu hiện của giá trị nhân đạo trong cuộc sống.

Ngày nay, các phong trào thiện nguyện được các cá nhân, tổ chức liên tục thực hiện với ý nghĩa nhân đạo cao đẹp. Đáng kể như chương trình, các quỹ thiện nguyện: Trái tim cho em, Mái ấm tình người – Ước mơ trao em, Cặp lá yêu thương, Ngày mai tươi sáng… Những phong trào này đã lan tỏa tình yêu thương, tạo hiệu ứng tốt cho toàn thể người dân. Và còn phát huy được truyền thống tương thân tương ái của dân tộc.

Giá trị nhân đạo có ý nghĩa gì trong cuộc sống?

Như đã nói ở phần giá trị nhân đạo là gì, nhân đạo là đạo lí tốt đẹp của mỗi người, là thước đo để đánh giá văn minh và sự tiến bộ của một xã hội. Vậy giá trị nhân đạo có ý nghĩa gì trong cuộc sống? Đó là:

Lòng nhân đạo khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, gắn kết tình người với người trở nên gần gũi, gắn bó với nhau, dễ cảm thông, sẻ chia và thấu hiểu mọi vấn đề khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.

Khi trao đi yêu thương thì chúng ta cũng sẽ nhận lại yêu thương, cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc vì đã làm được một việc tốt với người, với đời. Cuộc sống của cũng vì thế mà trở nên có ý nghĩa hơn.

Cuộc sống ngày một phát triển, mặc dù có nhiều thứ bị mai một, nhưng lòng nhân ái và giá trị nhân đạo vẫn được phát triển mỗi ngày. Và đặc biệt không chỉ người gì mà ngày càng có nhiều các bạn trẻ đã có tấm lòng nhân hậu, biết cảm thông và chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình.

Giá trị nhân đạo trong văn chương thể hiện điều gì?

Văn chương là tấm gương phản chiếu hiện thực của thời đại và tư tưởng của con người ở thời điểm đó. Những gì phản ánh trong các tác phẩm văn học chính là tư tưởng, tình cảm của tác giả nói riêng và con người nói chung.

Vậy, trong các phẩm văn học, giá trị nhân đạo là gì? Nó được thể hiện ở các phương diện sau:

Phương diện 1: Tố cáo xã hội hiện thực

Văn chương gián tiếp tố cáo, phản ánh cuộc sống của xã hội cũ có đầy rẫy sự bất công, hoàn cảnh con người sống khổ cực bị chèn ép, không thể cất lên tiếng nói của mình.

Và Chí Phèo của nhà văn Nam Cao là một trong những tác phẩm tiêu biểu giúp cho người đọc thấu hiểu được nỗi khổ, trái ngang, bị ép vào đường cùng… Thể hiện đúng hoàn cảnh của con người sống trong xã hội nửa phong kiến nửa thực dân.

Chí Phèo vốn là một thanh niên có bản tính hiền lành, lương thiện. Nhưng chỉ vì ghen mà Bá Kiến đã đẩy hắn vào tù. Sau bảy tám năm đi tù oan, chịu muôn vàn ấm ức, bất công Chí trở về với tính cách của một kẻ lưu manh, gian xảo. Hắn sẵn sàng đập đầu và rạch mặt ăn vạ với người khác.

Không chỉ có riêng Bá Kiến mà ở thời đó, hầu như bọn địa chủ cường hào đều có bản chất giống lão. Đều là những kẻ muốn bóc lột, đè đầu cưỡi cổ người khác… Mặc dù không thể trả thù một kẻ độc ác như Bá Kiến thay Chí, nhưng tác giả cũng phần nào dùng câu chữ để lên án hành động nham hiểm của bố con nhà lão cường hào nói riêng và chế độ phong kiến mục nát nói chung.

Phương diện 2: Ca ngợi phẩm chất của con người

Giá trị nhân đạo trong tác phẩm văn học thể hiện ở lời ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn và tính cách của con người. Hình tượng nhân vật Chí Phèo là điển hình. Nam Cao mô tả hình dáng Chí với gương mặt nát như băm bầu chằng chịt vết sẹo, một bên mắt chột, say rượu chửi bới suốt ngày. Nhưng sâu trong tâm hồn của Chí vẫn có một đốm sáng của sự thiện lương đó là khát khao cuộc sống bình dị, đơn giản như ngày xưa.

Ở nhân vật Thị Nở, nhà văn khắc họa hình hài xấu “ma như chê quỷ hờn”, tính cách thì “dở hơi”. Nhưng đâu đó ở Thị vẫn còn có bản năng của một người phụ nữ, đó là biết chăm lo, biết quan tâm tới người khác.

Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao thể hiện rõ trong bài viết này đó là hình tượng hai nhân vật chính. Nở xấu người, Chí là kẻ lưu manh thế nhưng tình yêu qua bát cháo hành đã biến cuộc đời của 2 kẻ coi như bần cùng dưới đáy xã hôi có một chút ánh sáng cuối đường. Khi Chí chết thì Nở có mang, một cái kết mở rất nhân văn.

Phương diện 3: Sự đồng cảm, bảo vệ chở che

Giá trị nhân đạo thể hiện ở sự đồng cảm, bảo vệ chở che với những người bất hạnh, yếu thế. Và tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài là một ví dụ điển hình. Người đọc dễ dàng cảm nhận được sự đồng cảm của tác giả dành cho nhân vật chính.

Mị là cô gái xinh đẹp, tâm hồn trong trắng như bông hoa ban, hoa mận của núi rừng. Nhưng cuộc đời của Mị lại tăm tối từ sau cái đêm hội mùa xuân. Đêm mà Mị bị bắt về làm dâu nhà thống lý với lý do gạt nợ.

Chuỗi ngày của Mị bắt đầu tăm tối, Mị làm việc như con trâu con ngựa trong nhà A Sử. Khi trái ý là sẽ bị đánh đập, bắt nhịn ăn. Tưởng như cả tuổi thanh xuân của Mị ở trong cái buồng đó. Nhưng tác giả đã thể hiện giá trị nhân đạo bằng cách đưa nhân vật A Phủ vào, sự đồng cảm của số phận đã đánh thức sức sống mãnh liệt tiềm tàng bên trong con người Mị.

Phương diện 4: Khát vọng đổi thay cuộc sống

Giá trị nhân đạo trong tác phẩm văn học thể hiện ở khát vọng đổi thay cuộc sống, mở hướng đi tốt hơn cho nhân vật. Phần kết thúc tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, thì Mị và A Phủ đã cùng nhau trốn ra khỏi nhà A Sử để đi theo cách mạng. Từ đây, một cuộc sống mới bắt đầu, một sự tự do của cả hai mà không bị ràng buộc bởi một điều gì.

Qua bài viết này, hi vọng bạn đọc đã hiểu được giá trị nhân đạo là gì, ý nghĩa như thế nào… Để biết thêm nhiều thông tin hay và bổ ích, mời các bạn hãy ghé thăm Careerlink mỗi ngày nhé.

Thúy Vui

Sao chép thành công