Giải mã tin đồn và sự thật về công việc của kế toán viên

Khi nghe nói đến kế toán, hình ảnh đầu tiên mà nhiều người nghĩ đến là một người có vẻ ngoài mệt mỏi, đôi mắt đỏ ngầu thâm quầng, đang ngồi lọt thỏm giữa đống sổ sách chất cao như núi và cau mày nhíu trán nhìn vào máy tính trong căn phòng làm việc chỉ có tiếng lạch cạch của bàn phím. Họ còn cho rằng công việc của kế toán viên là nhàm chán, chỉ tập trung những người giỏi toán nhưng giao tiếp kém, rất thành thạo trong việc tính thuế thu nhập nhưng không biết nhiều về chiến lược kinh doanh và nhìn vẻ ngoài thì chẳng có gì thu hút.

Nếu thực sự tin như vậy thì có lẽ bạn chưa biết nhiều về kế toán. Để hiểu rõ hơn về lĩnh vực này, hãy cùng làm sáng tỏ những lầm tưởng kinh điển từ chia sẻ của người trong nghề nhé. 

Giải mã tin đồn và sự thật về công việc của kế toán viên

Công việc của kế toán viên chán lắm?

Nói về hứng thú thì có thể nghề kế toán không thể so sánh với việc trở thành một cascadeur nhưng sẽ không công bằng nếu cho rằng làm kế toán chán đến phát ngán. Giống như bất kỳ công việc nào khác, kế toán cũng có những lúc hơi buồn tẻ hoặc lặp đi lặp lại nhưng có nhiều khía cạnh khác lại hết sức thú vị.

Thử xem ngoài các lãnh đạo thì ai là người biết được tiền đến từ đâu và đi đâu, ai là người có thể diễn giải tình hình tài chính của công ty và cho các sếp biết có nên đầu tư vào thiết bị mới hay không, nên hoàn thành trước dự án nào để tối đa hóa lợi nhuận? Chỉ có thể là kế toán. Điều này có nghĩa là kế toán có rất nhiều phân tích thú vị giúp thúc đẩy việc ra quyết định hiệu quả.

Mặt khác, việc áp dụng rộng rãi công nghệ cũng khiến công việc của kế toán viên luôn thay đổi. Chẳng hạn, chỉ vài năm trước, chúng tôi vẫn còn sử dụng hóa đơn giấy, nhưng hiện nay đã chuyển sang hoàn toàn hóa đơn điện tử. Tốc độ thay đổi nhanh chóng này đảm bảo rằng không có ngày làm việc nào giống hệt nhau, đặc biệt là trong vai trò tư vấn mà chúng tôi thường đảm nhận tại các công ty dịch vụ kế toán.

Nguyễn Kiều Liên, Chuyên viên kế toán

Kế toán đều là những bậc thầy toán học của vũ trụ?

Mình nghe điều này muốn mòn lỗ tai. Bất cứ khi nào mình nói với mọi người rằng mình làm kế toán, họ ngay lập tức nói: “Chắc hẳn bạn giỏi toán lắm!” nhưng thực tế không phải như vậy.

Nếu bạn toát mồ hôi lạnh khi nghĩ đến lượng giác, hàm số và tích phân thì mình đảm bảo rằng bạn không cần phải là thiên tài toán học mới có thể trở thành kế toán. Có rất nhiều kế toán giỏi đã từng vật lộn với môn toán khi còn là học sinh trung học, trong đó có mình (chỉ có điều khác là mình chưa giỏi lắm). 

Cộng, trừ, nhân và chia, đó là trình độ toán mà bạn cần ở vai trò là một kế toán viên. Hầu hết công việc tính toán ngày nay đều được xử lý bằng máy tính và phần mềm kế toán, vì vậy bạn sẽ ít cần đến kỹ năng tính nhẩm siêu phàm mà thay vào đó là biết cách thiết lập và nhập dữ liệu, xử lý các sheet trong Excel cũng như diễn giải và phân tích dữ liệu, giao tiếp bằng văn bản và lời nói, tư duy phản biện, quản lý thời gian cũng như khả năng cập nhật các thông tư, nghị định mới nhất.

Đào Thị Thùy Linh, Kế toán Tổng hợp

“Mặc dù tính toán toán học là một phần quan trọng trong công việc của kế toán viên nhưng đây không phải là những việc duy nhất mà họ làm”.

Kế toán không cần giao tiếp?

Bạn có thể tưởng tượng các kế toán viên là những người mắt lờ đờ, im lặng loay hoay với bảng tính hàng giờ liền và chỉ ra khỏi ghế để lấy thêm nước? Phần nào có thể đúng nhưng hầu hết các kế toán không sống tách biệt khỏi thế giới loài người và vẫn dựa vào kỹ năng giao tiếp để hoàn thành công việc.

Công việc của kế toán viên như tôi vẫn hàng ngày phải nói chuyện với sếp để giải thích các vấn đề phức tạp về thuế hoặc kế toán bằng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được. Tôi vẫn soạn thảo các bản giúp ghi nhớ các thay đổi về thuế hoặc hướng dẫn các thành viên khác trong nhóm để họ có thể làm việc tốt hơn. Tôi vẫn phải gọi điện cho khách hàng để hối thúc thanh toán các khoản quá hạn, vẫn phải nhận các cuộc gọi đòi nợ từ đối tác và xử lý những lời nhắn nhủ dễ thương về thanh toán công tác phí của nhân viên. Vậy đấy, đôi khi cũng muốn được đặc quyền không cần giao tiếp, có cho mình không gian yên tĩnh lắm chớ nhưng đâu phải ước là được.

Đặng Minh Quý, Kế toán viên cao cấp

Tất cả các kế toán viên đều phải làm việc nhiều giờ một cách vất vả?

Nếu có người thân hoặc bạn bè làm kế toán, chắc hẳn bạn có thể đã nghe họ nói phải làm việc đến khuya hoặc làm cả cuối tuần để đáp ứng đúng thời hạn, phải không? Nhưng điều này phụ thuộc vào vai trò và công ty bạn đang làm việc. Bạn có thể phải làm nhiều giờ hơn vào những lúc bận rộn như cuối năm tài chính hoặc mùa thuế. Và nếu làm việc trong các tập đoàn lớn hơn hoặc với một trong những Big4, bạn sẽ phải làm việc thêm giờ vào buổi tối lẫn cuối tuần để kịp deadline. Tuy nhiên, nhìn chung nhiều kế toán đều có sự cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống.

Tôi đang làm việc cho một công ty kinh doanh mỹ phẩm, sáng 8 giờ có mặt và 5 giờ rưỡi ra về. Khối lượng công việc vẫn rất nhẹ nhàng, ngoại trừ một hoặc hai ngày trong tháng khi có các báo cáo cần chuẩn bị, tuy nhiên lúc đó tôi vẫn rời văn phòng vào 6 giờ chiều. Sau khi về nhà, tôi vẫn có thời gian tập thể dục, chơi nhạc cụ, đọc sách, nói chuyện với gia đình và bạn bè cũng như cập nhật các tin tức mới liên quan đến nghề nghiệp. Vào cuối tuần, tôi cùng bạn bè đi cà phê và nấu những món yêu thích. Có thể nói rằng tôi đang tận hưởng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống ở vai trò là một kế toán.

Lý Thị Hải Yến, Kế toán trưởng

Kế toán có thể bị thay thế bởi công nghệ?

“Tôi không cần tuyển kế toán vì đã có QuickBooks, dịch vụ lưu trữ đám mây, phần mềm quản lý chi phí, phần mềm báo cáo và phân tích” là câu nói khiến nhiều kế toán phải nao núng. Đúng là một số quy trình kế toán đang được tự động hóa, nhưng điều này đơn giản có nghĩa là vai trò kế toán đang thay đổi chứ không hề biến mất. Nếu như trước kia chúng tôi mất nhiều thời gian để tính lương thủ công thì giờ đây đã có phần mềm tính tự động. Vì được giải phóng thời gian, chúng tôi sẽ tập trung hơn vào việc phân tích và diễn giải dữ liệu cũng như đưa ra các đề xuất tài chính hiệu quả.

Công nghệ ngày càng quan trọng trong kế toán nhưng nó không bao giờ thay thế được trình độ học vấn, kiến ​​thức và kinh nghiệm tài chính của kế toán viên. Thế nên nếu nói công nghệ đang gây bất lợi cho nghề kế toán là chưa chính xác. Đúng hơn, công nghệ đang hỗ trợ cho kế toán làm việc hiệu quả hơn và cân bằng cuộc sống tốt hơn.

Lê Đức Việt, Chuyên viên Kế toán Tài chính

Hầu hết những người trong nghề đều có thể nhìn thấy khía cạnh thú vị trong công việc của kế toán viên vì họ biết rằng sự thật khác xa với hư cấu. Trước khi tin vào những lời đồn, hãy kiểm tra sự thật. Đừng để những lầm tưởng tai hại ảnh hưởng đến lựa chọn nghề nghiệp của bạn nhé.

Pha Lê 

CHIA SẺ NGAY:

Sao chép thành công