Nói đến giáo viên mầm non, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh hết sức dễ thương khi cô ngồi kể cho các bé nghe những câu chuyện cổ tích hay cùng các con đắm chìm trong âm thanh vui nhộn của những bài hát thiếu nhi hoặc lắc lư với những bước nhảy mầm non sôi động… Nhưng đó chỉ là một mặt của công việc.
Tâm sự nghề giáo viên mầm non
Từ áp lực bên ngoài lớp học
“Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất khi làm giáo viên mầm non là phải dành rất nhiều thời gian để làm những việc khác ngoài chăm sóc các bé và giảng dạy. Tốn nhiều thời gian nhất là soạn giáo án, lưu trữ hồ sơ, liên lạc với phụ huynh và lập kế hoạch cho các sự kiện khai giảng, Giáng sinh hay Tết thiếu nhi…” – Chị Hồng Hạnh có 15 năm kinh nghiệm làm giáo viên mầm non chia sẻ.
“Trách nhiệm của giáo viên mầm non là thông báo cho ba mẹ biết các thông tin chi tiết về học tập và sự phát triển của trẻ qua từng ngày, từng tuần, từng tháng. Khi cha mẹ nắm rõ lộ trình học tập, điểm mạnh điểm yếu của con mình, họ sẽ có cách hỗ trợ để trẻ phát huy hết khả năng. Có những điều có thể ghi vào nhận xét cuối tháng, nhưng cũng có nhiều chuyện phải cập nhật ngay cho ba mẹ. Bình thường mỗi ngày phần việc này chiếm hơn 40 phút, có ngày “cao điểm” thì kéo dài đến khi lên giường đi ngủ” – chị Hạnh vừa cười vừa kể.
“Để tạo sự thích thú cho trẻ thì đồ chơi, đồ dùng học tập hay trang trí lớp học phải thường xuyên được làm mới. Do ngân sách có hạn nên sau giờ lên lớp là mình dành hết thời gian để thu thập các vật liệu có thể tái sử dụng và làm ra các đồ chơi đơn giản. Từ những hộp sữa chua uống mình có thể tạo thành những chú chim cánh cụt xinh xắn, hay những hộp đựng xôi biến thành bé rùa dễ thương… Nhìn các con vừa vuốt ve vừa xuýt xoa rồi đòi cô dạy cho cách làm mà mình thích lắm, quên hết cả mệt. Vui không chỉ vì tác phẩm được các bé đón nhận giúp các con tiếp thu kiến thức tốt hơn mà còn vì các con biết tìm tòi học hỏi những điều mới lạ. Càng như vậy thì mình càng có áp lực phải sáng tạo nhiều hơn.”, chị Yến Nhi có 5 năm trong nghề tâm sự.
Không ngại khó khăn về sáng tạo đồ dùng vừa chơi vừa học, áp lực của chị Thu Hằng đến từ công nghệ. Chị cho biết “Hiện nay, việc giảng dạy bằng công nghệ hiện đại dần được chú trọng đòi hỏi giáo viên mầm non càng phải nỗ lực hơn rất nhiều để theo kịp xu hướng. Vừa phải làm tốt chuyên môn vừa trở thành chuyên gia công nghệ để làm cho bài giảng hấp dẫn sinh động là không hề dễ. Chúng tôi cần đầu tư rất nhiều thời gian và công sức. Đó là chưa kể đôi khi máy móc “dở chứng” như bị treo hoặc bị virus… cũng khiến việc giảng dạy bị chậm lại”.
“Ai cũng biết làm giáo viên mầm non không phải là việc dễ dàng. Bạn cần phải có sự kiên nhẫn lâu dài để tồn tại qua mỗi ngày làm việc.”
…. đến những hạnh phúc thật giản đơn
Dù nhiều áp lực bủa vây nhưng giáo viên mầm non vẫn gắn bó lâu dài với nghề nghiệp, bởi một phần là họ không bao giờ thiếu những giây phút cười xỉu từ các “cây hài nhí” không chuyên.
Chị Hạnh kể “Đề tài buổi học mỹ thuật hôm đó yêu cầu vẽ lại người mà các con yêu quý nhất. Một bé vẽ mẹ của mình và hỏi tôi rằng có thể viết tên của mẹ bé lên đó không. “Dĩ nhiên là được rồi. Mẹ con tên là gì?”. Không do dự, bé nói: “Dạ, mẹ con tên là “Mẹ”. Tôi cố giải thích lại: “Con gọi là mẹ nhưng người khác gọi mẹ con là gì?”. Thấy con có vẻ bối rồi nên tôi gợi ý thêm: “Ba con gọi mẹ là gì?”. Lần này có vẻ bé đã hiểu nên reo lên: “Dạ, nóc nhà!”.
“Dịp Giáng sinh vừa rồi, mình nhận được món quà rất đặc biệt từ một cậu bé trong lớp. Sáng đó con cầm túi quà chạy vào lớp, vừa thở hổn hển vừa nói: Cô ơi, con tặng cô món quà!”. Khi mình còn chưa định thần thì con nói tiếp: “Quà này mẹ con được tặng. Mẹ con không thích nên cho mọi người trong nhà nhưng cũng không ai nhận. Mẹ bảo cứ mang đến trường tặng cô”. Đúng là trẻ con hồn nhiên, ngây thơ và thiệt thà. Giá như mà ba mẹ có thể biết các con đã chia sẻ với cô nhiều điều như thế nào!” – chị Nhi bày tỏ.
Chị Thu Hằng cũng góp vui “Chuyện mới xảy ra hôm qua trong lớp mình. Thấy một cậu bé vốn rất nhút nhát không chịu tập tô màu nên mình lại gần xem sao. Khi định cúi xuống thì nghe con nói với cô bé ngồi đối diện rằng: “Bạn dễ thương quá!”. Giờ thì cô không cần hỏi nữa rồi.
Cũng trong ngày hôm qua luôn. Trước giờ ra về một nhóm các con đang ngồi chơi trò bác sĩ với nhau. Một bé kêu lên rằng: “A, bệnh nhân bị đứt dây thần kinh rồi’. Bé khác bình tĩnh bảo: “Để tớ thay dây mới cho”.
Làm giáo viên mầm non bạn sẽ bắt gặp nhiều khoảnh khắc buồn cười như vậy đấy và chắc chắn rằng danh sách này sẽ được bổ sung làm mới mỗi ngày. Dù vậy việc dạy một đứa trẻ chứ chưa nói đến cả một lớp các bé nhỏ tuổi không phải là việc đơn giản. Giáo viên mầm non phải thu hút những học sinh nhí này, khơi gợi sự ham học hỏi ở chúng, truyền đạt kiến thức và có ảnh hưởng đến chúng hơn bất kỳ ai khác, thậm chí có thể hơn cả ba mẹ. Họ cần có lòng đam mê và nhiệt huyết để giúp những hạt giống này lớn lên trở thành những cá nhân có trách nhiệm và có năng lực trong tương lai. Bạn có phải là một trong số họ không?
Huỳnh Trâm