Từ chối nhận thêm việc thế nào để tránh mất lòng sếp?

Trong công việc, điều gian nan nhất của cấp dưới có lẽ là nói không với một yêu cầu nào đó của sếp bởi những áp lực vô hình luôn thường trực như sợ bị sếp “ghét”, sợ mất cơ hội thăng tiến, quan trọng nhất là bạn sợ mất chỗ đứng của mình. Thế nhưng, bạn cũng không thể đồng ý mọi yêu cầu của sếp. Vậy, làm thế nào để dung hòa mong muốn của hai bên và nói “không” với sếp thế nào để bạn vẫn được tin dùng? Hãy tham khảo những gợi ý sau đây nhé!

Cân nhắc tầm quan trọng của yêu cầu

Trước khi trả lời, bạn cần phải dự đoán được yêu cầu của sếp nằm ở mức độ nào. Đó là công việc cần gấp, tương đối hay chỉ mang tính chất “sai vặt”. Nếu là việc nhỏ nhặt như photo hồ sơ hay đánh máy lại văn bản… Bạn có thể tùy theo công việc của mình lúc đó mà quyết định nhận hay không. Thông thường mọi người nghĩ việc nhỏ không mất thời gian nhiều nên cứ làm; nhưng nếu sếp liên tục đưa những công việc kiểu này thì nó sẽ khiến tiến độ làm việc của bạn chậm lại.

Do đó, hãy trình bày rõ ràng bạn đang làm gì và thời hạn cần thiết để hoàn thành kịp tiến độ là bao lâu để từ chối.

Với yêu cầu nhỏ nhặt như vừa kể trên đây thì cách xử lý khá đơn giản và nhanh chóng. Nhưng nếu đó là một công việc mang tính quan trọng hoặc là một dự án mới, bạn sẽ làm gì?

Hãy lắng nghe hết ý kiến của sếp về công việc mà bạn sắp được giao phó, đồng thời cũng nhanh chóng kiểm tra lại xem những công việc mình đang phụ trách là gì? Liệu nhận thêm công việc mới có ảnh hưởng gì đến chúng không? Bạn cũng nên đặt câu hỏi về dự án mới, cả về phương án hành động, thời gian triển khai, số người cùng thực hiện… để đưa ra đánh giá sơ bộ về khả năng đảm nhận công việc.

Để sếp chấp nhận lời từ chối trong “thanh bình”

Nếu mọi điều kiện thuận lợi để bạn nhận lời, không có gì phải bàn tiếp. Nhưng nếu bạn cảm thấy mình không thể phụ trách được công việc mới, việc từ chối là điều nên làm. Vấn đề là bạn sẽ từ chối như thế nào để sếp không cho rằng bạn ngại việc hoặc trở nên ghét bạn?

Hãy trình bày lý do khiến bạn phải từ chối và đó nên là những lý do khách quan, không cảm tính, tuyệt đối không nói thẳng với sếp là bạn không còn thời gian nghỉ ngơi hoặc áp lực sẽ tăng lên. Bởi những ý kiến của sếp khi nói về công việc mới chính là cơ sở để bạn đưa ra lời từ chối và đó nên là những lý do sau:

– Khối lượng công việc hiện tại đã chiếm hầu hết thời gian: Bạn chỉ có thể làm một trong hai, không thể làm tất cả cùng lúc. Hãy khéo léo giải thích và có thể để sếp quyết định bạn sẽ thực hiện công việc mới hay tiếp tục công việc cũ.

– Năng lực bản thân: Nếu cảm thấy mình không thể đảm nhận vì kinh nghiệm hoặc năng lực có giới hạn, hãy thừa nhận nhưng bạn cũng cần phải đưa ra giải pháp cho bản thân như khi nào sẽ làm được hoặc sẽ học hỏi từ người phụ trách dự án này.

– Kế hoạch cá nhân: lý do này chỉ được dùng khi bạn đã có thông báo từ trước rằng mình sẽ nghỉ phép hoặc thực hiện công việc khác trùng với thời gian phải đảm nhận công việc mới. Mọi trường hợp khác đều không nên sử dụng.

Những điều cần nhớ khi “khước từ”

Thật ra, không có câu trả lời “Không” tuyệt đối mà đó chỉ là sự thay đổi thời gian hoặc người thực hiện cho những yêu cầu của sếp mà thôi. Bởi khi đi làm, dù ở bất cứ vị trí nào, bạn cũng không thể nói không với tất cả những yêu cầu liên quan đến công việc.

Điều quan trọng là bạn sẽ nói không bằng những lý do gì, với thái độ như thế nào và trong tình huống nào để không ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của bạn và sếp. Hãy nhớ những nguyên tắc sau khi từ chối công việc:

–       Không từ chối ngay khi vừa nghe tên nhiệm vụ.

–       Không từ chối công việc sau một cuộc tranh cãi với sếp, đặc biệt là khi bạn thua.

–       Không từ chối với thái độ giận dữ.

–       Không từ chối với lí do chung chung, không cụ thể. 

Từ chối ai đó không hề là điều dễ dàng, nhất là với sếp nhưng bạn cũng không thể vì thế mà ôm đồm tất cả công việc bởi đến khi bạn cảm thấy quá áp lực, công việc sẽ khó hoàn thành một cách tốt đẹp và ảnh hưởng đến cách nhìn của sếp về năng lực của bạn. Do đó, hãy cân nhắc kỹ khi nào cần nói không và nói như thế nào để sếp hiểu được thành ý và thái độ tích cực của bạn đối với công việc. Có như vậy công việc của bạn mới giảm được áp lực, đạt được hiệu quả cao mà sếp cũng sẽ không đánh giá thấp bạn.

Mừng Mẫn

Sao chép thành công