Cách rèn luyện kỹ năng tư duy sáng tạo

Trong cuộc sống cũng như công việc, nếu không có tư duy sáng tạo thì bạn sẽ mãi là kẻ không có bước tiến mới, những đột phá hay những cuộc dấn thân thú vị. Kỹ năng tư duy sáng tạo cũng chính là cách để bạn khẳng định khả năng và vị thế của mình trong xã hội. Vậy làm thế nào để rèn luyện được kỹ năng tư duy sáng tạo và phát huy kỹ năng này một cách hiệu quả nhất, mời bạn cùng CareerLink.vn tìm hiểu nhé.

Tư duy sáng tạo là gì?

Tư duy sáng tạo là khả năng phát minh hoặc tạo ra một điều gì đó mới mẻ. Đó có thể là một khái niệm, một giải pháp, một phương pháp, một tác phẩm nghệ thuật hoặc một thiết bị. Tư duy sáng tạo dựa trên việc nhìn mọi thứ theo một cách mới mà trước đây chưa từng được nghĩ đến. Đó là lý do tại sao nó thường được mô tả như là tư duy vượt giới hạn hoặc suy nghĩ không theo lối mòn. Một số kỹ năng tư duy sáng tạo hàng đầu:

Phân tích. Trước khi suy nghĩ sáng tạo về điều gì đó, trước tiên bạn phải có khả năng hiểu nó. Điều này đòi hỏi khả năng kiểm tra mọi thứ cẩn thận để hiểu ý nghĩa của chúng. Cho dù bạn đang xem một văn bản hay một bản kế hoạch, bạn cần có khả năng phân tích nó trước tiên.

Tư tưởng cởi mở. Sáng tạo liên quan đến việc suy nghĩ mọi thứ theo một cách mới lạ trong bối cảnh được đề cập. Bạn phải bỏ qua bất kỳ giả định hoặc thành kiến ​​nào bạn có thể có, và nhìn mọi thứ theo một cách hoàn toàn mới. Bằng cách tiếp vấn đề với tâm trí cởi mở, bạn đang cho phép mình có cơ hội suy nghĩ sáng tạo.

Giải quyết vấn đề. Nhà tuyển dụng không chỉ đơn giản là muốn chọn những người sáng tạo vì họ rất ấn tượng, mà còn vì họ giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến công việc. Do đó, khi đi xin việc, hãy cho thấy bạn không chỉ có suy nghĩ sáng tạo mà còn sử dụng sự sáng tạo đó để giải quyết các vấn đề quan trọng. 

Tổ chức tốt. Tổ chức là một phần quan trọng của sự sáng tạo. Mặc dù bạn có thể cần phải có một chút lộn xộn khi thử một ý tưởng mới, nhưng sau đó bạn cần tổ chức các ý tưởng của mình để người khác có thể hiểu và làm theo tầm nhìn của bạn. Khả năng cấu trúc một kế hoạch hành động với các mục tiêu và thời hạn rõ ràng là điều rất quan trọng.

Giao tiếp. Mọi người sẽ chỉ đánh giá cao ý tưởng hoặc giải pháp sáng tạo của bạn nếu bạn có thể truyền đạt hiệu quả đến những người bạn làm việc cùng (hoặc với khách hàng hoặc đối tác của bạn). Do đó, bạn cần phải có kỹ năng giao tiếp bằng văn bản và bằng lời nói hiệu quả.

Bạn cũng cần có khả năng nắm bắt toàn bộ sự việc trước khi suy nghĩ sáng tạo về nó. Do đó, bạn cũng phải cần biết lắng nghe. Bằng cách đặt câu hỏi chính xác và hiểu vấn đền, bạn có thể đưa ra một giải pháp độc đáo.

Ví dụ về tư duy sáng tạo ở nơi làm việc

Brainstorming. Brainstorming là việc một nhóm người cùng đóng góp ý tưởng về một chủ đề mà không cần quan tâm đến mức độ thực tế của chúng. Mục đích là đưa đến một giải pháp sáng tạo. Mặc dù nhiều ý tưởng được tạo ra có thể không khả thi, nhưng có thể bằng cách loại bỏ các ràng buộc thực tế, một ý tưởng sẽ xuất hiện để bạn có thể đúc kết thành một giải pháp khả thi. Một lợi thế khác là bạn sẽ nhận được ý kiến từ nhiều người thay vì chỉ một hoặc hai cá nhân.

Đặt câu hỏi “Điều gì sẽ xảy ra nếu…?”. Quá trình đặt câu hỏi “nếu như” có thể giúp khám phá ra những điều mới mẻ. Chẳng hạn, bạn có thể xem xét điều gì sẽ xảy ra nếu bạn bắt đầu thực hiện một quy trình theo cách ngược lại với cách bạn đang làm. Câu hỏi “Nếu như” thường là nguồn gốc của những ý tưởng lớn.

Đứng vào vai trò của người khác. Ở vào vị trí của người khác có thể giúp bạn nhìn ra các khía cạnh mới dẫn đến những ý tưởng hữu ích. Chẳng hạn, nếu bạn là nhân viên bán hàng, thì khi vào vai khách hàng, bạn có thể hiểu rõ hơn về những gì họ đang nghĩ. Điều này có thể giúp bạn lường trước được những câu hỏi khó của khách hàng và lên kế hoạch để đối phó.

Kỹ thuật khiêu khích. Khiêu khích là một quá trình mà bạn cố ý từ chối một sự thật để giúp kích thích tư duy sáng tạo. Chẳng hạn, bạn có thể đặt ra tiền đề rằng việc loại bỏ tất cả các máy tính trong doanh nghiệp sẽ giúp cải thiện năng suất. Mặc dù bạn không có ý định loại bỏ hệ thống máy tính của mình, nhưng khái niệm này có thể giúp kích thích bạn và đồng nghiệp có thể đưa ra ý tưởng để cải thiện năng suất và kiểm tra lại các quy trình làm việc hiện tại.

Thúc đẩy sự hợp tác. Khi nhân viên được yêu cầu đưa ra những ý tưởng mới, sáng tạo thì tất cả mọi người đều trở cạnh tranh. Ai cũng muốn được công nhận vì “ý tưởng lớn”. Sự cạnh tranh như vây đôi khi có lợi nhưng sẽ không hữu ích nếu bạn muốn có nhiều ý tưởng cùng lúc. Hãy khuyến khích sự hợp tác hơn là cạnh tranh. Kết hợp các nhóm để tạo sự đa dạng nhất, điều này có thể cho ra những ý tưởng bất ngờ và táo bạo. 

Lưu ý là nên công nhận toàn bộ đội nhóm vì những đóng góp của họ chứ không chỉ riêng một cá nhân nào. Vậy thì họ sẽ nhận ra kết quả cuối cùng mới là vấn đề chứ không phải là việc ai nói gì hay ai đóng góp nhiều hơn. Đồng thời, không ai muốn được gọi là người lười biếng trong nhóm, vì vậy làm việc theo nhóm khuyến khích mọi người muốn đóng góp ý tưởng sáng tạo.

Một số sơ đồ tư duy sáng tạo phổ biến

Sơ đồ tư duy là một trong những cách tốt nhất giúp hình dung suy nghĩ của bạn hoặc thể hiện những suy nghĩ trừu tượng của bạn bằng những hình ảnh cụ thể. Tuy nhiên, ngoài việc ghi chú, sơ đồ tư duy có thể giúp bạn trở nên sáng tạo hơn, ghi nhớ nhiều hơn và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.

Sơ đồ tư duy đơn giản. Đây là một sơ đồ trực quan dưới dạng cây hoặc hình nhện, trong đó trung tâm là vấn đề chính và xung quanh là các nhánh con của các nhánh lớn hơn. Sơ đồ tư duy đơn giản là một công cụ mặc định miễn phí trong Mirosoft và bạn chỉ cần sử dụng một vài phím tắt để tạo sơ đồ nhanh chóng.

 

Từ ngẫu nhiên. Từ ngẫu nhiên là một kỹ thuật brainstorming khuyến khích trí tưởng tượng của bạn nhằm tạo ra những quan điểm khác nhau và những góc nhìn mới về ý tưởng hoặc vấn đề bạn đang gặp phải. Bằng cách sử dụng các từ ngẫu nhiên liên quan đến vấn đề chính, bạn gần như đảm bảo vượt ra khỏi ranh giới và giải quyết vấn đề từ một hướng khác so với bình thường.

Lưu đồ (Flowchart). Lưu đồ là một quy trình từng bước được trực quan hóa với các hình dạng khác nhau và được sắp xếp theo hướng mũi tên. Lưu đồ giúp hình dung một quy trình cụ thể, từ đó có thể hiểu và tìm ra các sai sót, nút thắt cũng như nhìn thấy được vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau để giải quyết vấn đề sáng tạo.

Sơ đồ tư duy có thể là một công cụ hiệu quả để khám phá những ý tưởng sáng tạo, xây dựng kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, nhiều người gặp thất bại do không thực hiện đúng phương pháp. Do đó, để cuộc họp tìm ra giải quyết đạt được thành công, bạn nên chọn các sơ đồ tư duy phù hợp nhất với mục tiêu.

6 thủ thuật tư duy sáng tạo

Hãy hành động. Bất kỳ ai sinh ra cũng có khả năng tư duy sáng tạo, nhưng nếu không hành động thì khả năng đó sẽ mất dần theo thời gian. Vì vậy, bạn đừng cứ ngồi ỳ chờ mọi việc sẽ tự được giải quyết hoặc sẽ có người giải quyết giúp bạn mà hãy vận động trí óc của mình, hãy nghĩ làm thế nào để giải quyết công việc của bạn như thế nào nhanh nhất, đạt kết quả cao nhất. Đó chính là lúc bạn thực hiện phương pháp tư duy sáng tạo đấy.

Cân bằng giữa thực tế và lý tưởng. Cân bằng giữa thực tế và lý tưởng nghĩa là bạn tự chủ được tư duy sáng tạo của mình, nhưng không xa rời thực tế. Tư duy sáng tạo sẽ cho bạn có những suy nghĩ, dự định có tính viễn vông, nhưng dù tư duy của bạn có cao siêu tới đâu bạn cũng luôn phải nhớ rằng bạn cần phải sống, để sống được bạn cần phải có tiền, có của cải vật chất để phục vụ cho cuộc sống hiện tại. Bạn không thể nhịn ăn để sáng tạo được, những sáng tạo của bạn muốn thực hiện được bạn cũng cần phải vững mạnh về tài chính. Vì vậy, đừng xem nhẹ việc kiếm tiền để phục vụ cho cuộc sống nếu bạn còn muốn tiếp tục sáng tạo.

 

Thoải mái và cởi mở. Việc sáng tạo không xa rời thực tế là điều hiển nhiên, nhưng bạn cũng không nên quá căng thẳng với những công việc quen thuộc hàng ngày, bởi như vậy nó sẽ giết chết khả năng tư duy sáng tạo của bạn lúc nào không hay. Hãy dành thời gian gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp, tìm kiếm những trải nghiệm mới để đầu óc được thanh thản, thoải mái khi đó khả năng sáng tạo của bạn sẽ được phát huy tối đa.

Phá vỡ những nguyên tắc. Nếu bạn cứ ôm khư khư những nguyên tắc cổ hủ, mãi đi theo một lối mòn thì khả năng tư duy sáng tạo của bạn sẽ chết dần theo thời gian. Hãy dám thử thách bản thân bằng những đột phá mới trong công việc cũng như trong cuộc sống, có thể mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn khi bạn thử một phương pháp mới nhưng đó lại là cách giúp bạn tư duy tốt nhất vì nếu không tư duy, sáng tạo bạn sẽ bị mắc trong mớ bòng bong do chính mình tạo nên. Hãy dám nghĩ và dám làm, đó là cách rất tốt giúp bạn rèn luyện khả năng tư duy, sáng tạo của mình.

Dám dấn thân và không sợ rủi ro. Để rèn luyện được kỹ năng tư duy sáng tạo bạn phải là người dám dấn thân và không sợ rủi ro. Khi bạn có một ý tưởng mới, một kế hoạch lớn với mức độ rủi ro cao khiến bạn cảm thấy đắn đo không dám hành động nghĩa là bạn đang tự thiêu rụi đi những sáng tạo của bản thân. Bạn hãy vượt qua ra khỏi nỗi lo sợ rủi ro, thất bại và hành động, hãy tin tưởng vào những ý tưởng và khả năng của bản thân mình để khả năng sáng tạo của bạn được phát huy.

 

Không ỷ lại. Việc ỷ lại sẽ khiến cho bạn trở nên chậm chạp, không muốn động não khi có vấn đề cần giải quyết. Như thế cái khả năng tư duy, sáng tạo bẩm sinh sẽ dần biến mất và bạn trở thành kẻ thụ động, không có những sáng tạo riêng. Hãy là người năng động, xắn tay vào giải quyết mọi vấn đề dù khó hay dễ, đừng cất giấu khả năng sáng tạo, nếu không một người bạn sẽ trở thành kẻ thụ động, không có chính kiến và những trải nghiệm thú vị riêng cho bản thân.

Tư duy sáng tạo chính là chìa khóa đưa thế giới không ngừng phát triển, chỉ có tư duy sáng tạo mới có khả năng giúp con người khám phá, phát minh ra những công trình vĩ đại đóng vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi xã hội, giúp xã hội có những bước tiến dài trong lịch sử. Vì thế, hãy luôn rèn luyện tư duy sáng tạo để phục vụ tốt nhất cho cuộc sống, công việc của bạn và cho cả xã hội.

Sao chép thành công