Khách quan là gì? Phân biệt khách quan và chủ quan

Về cơ bản, hầu như tất cả chúng ta đều hiểu khách quan là gì và chủ quan là như thế nào. Tuy nhiên, để cắt nghĩa sâu và rõ hơn về hai khái niệm này thì hầu như không mấy ai hiểu được. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng CareerLink tìm hiểu về những cụm từ thân quen này nhé!

Khách quan là gì?

khách quan là gì

Khách quan hay chủ quan đều là những cụm từ vô cùng quen thuộc mà con người thường xuyên sử dụng trong cuộc sống thường ngày. Khái niệm này thường được nhắc đến khi mỗi người đưa ra những nhìn nhận, đánh giá của mình về một sự vật, hiện tượng nào đó.

Trước tiên, phải khẳng định rằng rất khó để có thể đưa ra một định nghĩa chính xác về hai chữ “khách quan” vì đây là một khái niệm trừu tượng và mang tính tương đối.

Trong triết học, phạm trù “khách quan” được dùng để chỉ tất cả những tồn tại không phụ thuộc vào một chủ thể xác định, có nghĩa là những gì tồn tại độc lập, thuộc về bên ngoài và không phụ thuộc vào chủ thể hoạt động.

“Khách quan là khái niệm đòi hỏi con người phải căn cứ vào thực tế để đưa ra quyết định hoặc đánh giá một cách công bằng mà không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc hoặc niềm tin cá nhân.”

Trong thực tế cuộc sống, khái niệm khách quan còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Vậy ở khía cạnh này, khách quan là gì?

– Khách quan là những sự vật, sự việc diễn ra ngoài ý muốn của con người và không thể thay đổi được.

– Khách quan là nhìn nhận sự vật, sự việc, nhân vật một cách thực tế, công bằng, không để nhận thức, phán đoán của mình bị ảnh hưởng bởi một ai đó, một sự việc nào đó hay để sự thiên vị, sự thành kiến dành cho ai đó tác động đến những nhận định của bản thân. Nhờ vậy, khách quan luôn là những tuyên bố mang tính trung lập và được công nhận bởi số đông.

– Khách quan là những đánh giá được đưa ra dựa trên những sự kiện có thật, mang tính độc lập, đã được chứng minh trước đó mà không xuất phát từ ý thức của chủ thể. Đó là những dữ kiện có thể quan sát, định lượng được và chứng minh được.

Ví dụ: Hai người đang tranh cãi về nguyên nhân – kết quả của một vấn đề nào đó. Mỗi người đều có quan điểm riêng, đưa ra kết luận riêng, giải pháp riêng và ai cũng cho rằng phương pháp của mình là chính xác nhất. Khi đó, một người thứ 3 (người ngoài cuộc) sẽ nhìn nhận, lắng nghe và đưa ra nhận xét, đánh giá về hai phương pháp đó dựa trên kiến thức, kinh nghiệm của bản thân, không được thiên vị hay thành kiến với bất cứ ai. Lúc đó, ý kiến của người thứ 3 này chính là những nhận xét mang tính khách quan.

Sự khác biệt giữa chủ quan và khách quan là gì?

Về mặt lý thuyết

Trái ngược hoàn toàn với khách quan, tính chủ quan được dùng để chỉ những nhìn nhận, đánh giá về một sự vật, sự việc, nhân vật nào đó dựa trên nhận xét cá nhân, mang tính thiên vị của bản thân người đánh giá, dẫn đến kết quả thiếu thực tế và không chính xác. Bên cạnh đó, chủ quan cũng là những sự vật, sự việc, nhân vật nằm trong tầm kiểm soát của con người và hoàn toàn có thể thay đổi được.

Về phạm vi và hoàn cảnh sử dụng

– Khách quan là yếu tố bắt buộc trong quá trình biên soạn các loại sách báo phục vụ cho mục đích nghiên cứu, tham khảo, học tập và cung cấp thông tin như: sách giáo khoa, bách khoa toàn thư, các ấn phẩm báo chí hay các ấn phẩm dùng cho mục đích nghiên cứu khoa học.

– Chủ quan là yếu tố mang tính cá nhân, một chiều nên thường được sử dụng ở những cuộc trò chuyện, thảo luận trong đời sống hàng ngày hoặc trên các diễn đàn/các nền tảng mạng xã hội cho phép con người được bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân về một sự vật, sự việc nào đó.

Về tính thuyết phục

– Như đã trình bày ở trên, khách quan là những đánh giá được đưa ra dựa trên việc tôn trọng sự thật, được đúc kết và thống nhất bởi số đông nên có độ tin cậy cao, nhờ đó có thể dễ dàng hơn trong việc thuyết phục người khác.

– Trái lại, chủ quan hoàn toàn mang tính cá nhân, không nhận được sự tán thành của số đông nên sẽ có tỷ lệ đúng thấp hơn và khó lòng thuyết phục được người nghe.

Về sự vận hành và phát triển của xã hội

Khách quan luôn là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra mọi quyết định, quyết sách bởi nó thể hiện cho ý chí của tập thể, của số đông. Tuy nhiên, để xã hội phát triển hơn, có nhiều điều mới mẻ hơn, sáng tạo hơn thì những quan đểm chủ quan cũng rất cần được khuyến khích và tôn trọng. Sự tồn tại của chủ quan và khách quan là không thể tách rời vì có chủ quan mới có khách quan. Tư duy phản biện là cơ sở để xác định được tính khách quan. Khi những quan điểm chủ quan được số đông ghi nhận thì yếu tố chủ quan đó sẽ trở thành yếu tố khách quan.

Trong thực tiễn, ngay cả hệ thống pháp luật trước khi được ban hành hay thay đổi bổ sung cũng không ít lần phải thông qua quá trình trưng cầu dân ý, lấy ý kiến của nhân dân để tiếp thu những quan điểm mới mẻ, tiến bộ và sửa đổi những điều luật cứng nhắc, không còn phù hợp với thực tiễn đời sống.

Tuy là hai mặt đối lập nhưng mối liên hệ giữa khách quan và chủ quan lại rất khăng khít, không thể tách rời. Chính mối quan hệ này đã góp phần điều chỉnh và bổ khuyết những điểm hạn chế, giúp xã hội vận hành ổn định và ngày càng phát triển hơn.

Bài viết trên đây đã giải thích khái niệm khách quan là gì cũng như chỉ ra những khác biệt cơ bản giữa khách quan và chủ quan. Tin rằng qua những thông tin được cung cấp trên đây chúng ta đã hiểu rõ hơn về hai khái niệm tưởng chừng như rất quen thuộc này. Lưu ý rằng chủ quan không hoàn toàn xấu, nó chỉ xấu khi chúng ta bỏ qua giai đoạn tham khảo, trưng cầu ý kiến khách quan để quyết định mọi thứ dựa trên nhìn nhận chủ quan của mình.  

Trang Đoàn

Sao chép thành công