5 mẹo viết CV cho người hay nhảy việc

Hầu hết các nhà tuyển dụng đều rất thích các ứng viên có kỹ năng, nền tảng kiến thức cần thiết và có xu hướng gắn bó với công ty trong khoảng thời gian đáng kể. Bởi quá trình tìm kiếm hồ sơ, phỏng vấn, đào tạo đến khi ứng viên quen việc có thể tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Vậy nếu là ứng viên có “lịch sử” nhảy việc thường xuyên thì cần viết CV thế nào để thể hiện bạn là một người trung thành, đáng tin cậy? 5 gợi ý sau đây sẽ giúp bạn có ý tưởng tốt hơn để làm được điều đó.

Xác định chính mình ngay từ đầu

Một đoạn tóm tắt về công việc hoặc mục tiêu nghề nghiệp ở phần đầu CV là cơ hội rất tốt để “tạo ảnh hưởng” đến cách nghĩ của nhà tuyển dụng về sự thay đổi công việc của bạn. Hãy viết những câu chẳng hạn “Có 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông, với chuyên môn về cơ sở dữ liệu, lên kế hoạch và viết lách ở các công ty”, kèm theo là mong muốn “Tìm kiếm một công việc ổn định để có thể phát triển khả năng” nhằm làm giảm lo ngại rằng bạn có thể rời bỏ vị trí ứng tuyển chỉ trong thời gian ngắn như bao công việc trước đó.

Kết hợp các công việc

Khi nhảy việc thường xuyên, bạn không nên viết cụ thể về thời gian làm việc ở nhiều công ty khác nhau, mà nên chọn ra 3 hoặc 4 vị trí và viết một đoạn tóm tắt. Trong đó có ngày bắt đầu và kết thúc giai đoạn làm việc này, cùng với tên công công ty, chức vụ cùng một vài câu mô tả về vai trò của bạn. Việc kết hợp và chỉ ghi một khoảng thời gian như thế có tác dụng rất tốt trong việc làm giảm cảm giác nhảy việc quá nhiều trong CV của bạn.

Cho thấy rằng bạn không tự nguyện nhảy việc

Không phải tất cả các trường hợp nhảy việc đều được xem là tiêu cực. Nếu lí do nhảy việc của bạn là do công ty sáp nhập, mua lại hoặc bạn là nhân viên hợp đồng, hãy giải thích rõ trong hồ sơ. Một vài chú thích về nguyên nhân nhảy việc có thể khiến nhà tuyển dụng có cái nhìn khác về bạn. Ví dụ, công ty đã trải qua một vụ sáp nhập hay mua lại, thì bên cạnh tên công ty hiện tại bạn có thể ghi chú “trước đây là công ty ABC”. Hoặc nếu là nhân viên hợp đồng, hãy nói rõ trong phần chức vụ của bạn, chẳng hạn “Nhân viên kế toán hợp đồng cho công ty XYZ”.

Dùng “năm” thay cho “năm, tháng”

Loại bỏ đơn vị đo thời gian “tháng” cho các vị trí làm việc có thể mang đến cảm giác rằng bạn đã làm việc ở đó lâu hơn. Ví dụ, nếu liệt kê rằng bạn đã làm việc ở một công ty từ tháng 12 năm 2016 đến tháng 2 năm 2017, nhà tuyển dụng sẽ biết rằng bạn chỉ gắn bó với vị trí trong 3 tháng. Tuy nhiên, nếu bạn ghi từ năm 2016 đến 2017 sẽ ngụ ý một khoảng thời gian dài hơn.

Sử dụng một dạng CV khác

Có lẽ định dạng CV được sử dụng phổ biến nhất là theo thứ tự thời gian, nhưng đó không phải là lựa chọn duy nhất. Bạn cũng có thể tạo một CV khác, trong đó sẽ ưu tiên làm nổi bật các kỹ năng, thành tích cá nhân và các cột mốc thời gian làm việc sẽ được liệt kê ở cuối CV. Hãy ghi rõ các nhiệm vụ quan trọng đã đảm nhận cùng những thành tích đạt được ở vị trí (công ty) đó. Điều này sẽ thu hút sự chú ý vào các thành tựu của bạn nhiều hơn là quan tâm đến thời gian bạn gắn bó với các công việc trong quá khứ.

Hoàng Oanh

Sao chép thành công