Mục Lục
Trí tuệ nhân tạo (AI) ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta, từ nhà ở thông minh, robot hút bụi đến phần mềm dịch thuật và máy bay không người lái. Nhờ sự hỗ trợ của AI, các máy móc có thể tự động hóa nhiều tác vụ mà con người từng làm, chẳng hạn như nhập dữ liệu, dịch vụ khách hàng và thậm chí là sản xuất.
Nhờ những tiến bộ này, AI đã thay thế con người trong một số ngành công nghiệp đồng thời tác động đến việc làm và gây ra sự thay đổi về các kỹ năng mà thị trường lao động cần đến. Điều này đặt ra câu hỏi cấp bách đối với nhiều người tìm việc: “Những kỹ năng hàng đầu AI không thể thay thế là gì?”.

“Khi AI đang định hình lại nơi làm việc ngày nay, việc học hỏi các kỹ năng kỹ thuật đã trở nên đơn giản hơn. Tuy nhiên, các kỹ năng mềm vẫn không lỗi thời và rất quan trọng trong việc thúc đẩy môi trường làm việc hiệu quả và sự phát triển của mỗi cá nhân”, anh Đỗ Ngọc Hiếu – HR Manager chia sẻ.
“Điều hướng các tình huống phức tạp, đưa ra quyết định hợp tình hợp lý, đổi mới và kết nối ở cấp độ cảm xúc là những kỹ năng hàng đầu AI không thể thay thế”.
6 kỹ năng hàng đầu AI không thể thay thế
Sự đồng cảm
Sự đồng cảm, khả năng thực sự hiểu được cảm xúc của ai đó, là một kỹ năng quan trọng đối với nhiều công việc, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bán hàng hay tiếp thị. Sự đồng cảm giúp chúng ta tương tác với nhau theo những cách có ý nghĩa hơn.
“AI vẫn còn thiếu trí tuệ cảm xúc và không có khả năng sánh được với khả năng thấu hiểu cảm xúc hoặc đồng cảm của con người”, anh Ngọc Hiếu khẳng định và đưa dẫn chứng “Mặc dù AI có thể bắt chước phản ứng đồng cảm bằng cách nắm bắt một số tín hiệu qua lời nói hoặc văn bản như khi Siri nói “Tôi rất tiếc khi nghe điều đó” nhưng nó lại không gợi lên một chút cảm xúc thực sự nào”.
Cho dù đó là đang giúp đỡ nhân viên vượt qua thời điểm khó khăn, tương tác với khách hàng hay tìm kiếm ứng viên hoàn hảo, bạn luôn cần thể hiện lòng trắc ẩn hoặc nhận ra sắc thái cảm xúc để hoàn thành những công việc đó. Và chắc chắn điều này thì AI không thể sánh được.
Sáng tạo và đổi mới
Sáng tạo là yếu tố cần thiết cho hầu hết tất cả công việc. Từ nhân viên tạo nội dung, thiết kế, tiếp thị đến biên đạo múa, giám đốc hình ảnh, phát triển sản phẩm đều cần sáng tạo để phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, khám phá ra cách làm mới, tránh sự nhàm chán và đón nhận những trải nghiệm mới để thành công hơn.
“Thoạt nhìn, có vẻ như AI có thể sáng tạo như bất kỳ người nào vì nó có thể tạo ra văn bản, tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc và video. Nhưng thực tế là hầu hết các chương trình AI chỉ đơn giản là thao tác dựa trên dữ liệu có sẵn mà chúng đã được đào tạo. Nói cách khác, AI chỉ tạo ra nội dung khi được cung cấp ý tưởng ban đầu. Hiện tại, sự sáng tạo vẫn là một kỹ năng độc quyền của con người”, anh Ngọc Hiếu nhận định.
Hãy xem một ví dụ về AI trong quảng cáo. Thuật toán chắc chắn có thể giúp các nhân viên tiếp thị tạo ra quảng cáo dựa trên các xu hướng được phân tích thông qua dữ liệu nhưng chúng vẫn thiếu khả năng nắm bắt sức hấp dẫn về mặt cảm xúc hoặc kể những câu chuyện như một giám đốc sáng tạo.
Tư duy phản biện
Theo anh Ngọc Hiếu, tư duy phản biện không chỉ là hiểu các sự kiện mà còn là kết hợp chúng theo những cách mới mẻ và sáng tạo, suy nghĩ về ý nghĩa thực sự của chúng và sử dụng chúng trong các tình huống thực tế. Có khả năng tư duy phản biện cũng có nghĩa là chúng ta có thể tiếp cận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, đánh giá tác động khi đưa ra quyết định cũng như xem xét những kinh nghiệm trong quá khứ khi giải quyết vấn đề.
Giải thích vì sao đây là kỹ năng hàng đầu AI không thể thay thế, anh cho biết: “Mặc dù AI giỏi trong việc xem xét nhanh chóng nhiều dữ liệu, thu thập và sao chép thông tin nhưng nó lại chưa có khả năng đánh giá một cách nghiêm túc những gì đang được tạo ra cũng như không suy nghĩ sâu sắc về dữ liệu và rút ra kết luận phức tạp từ như con người. Vì vậy, khi nói đến tư duy phản biện, con người vẫn chiếm ưu thế hơn.
Khả năng thích nghi và linh hoạt
Nơi làm việc có nhiều tình huống không thể đoán trước được, các quy trình mới có thể được áp dụng mà không báo trước, trục trặc có thể xảy ra, thời hạn có thể thay đổi hay mất điện, internet có thể khiến công việc dừng lại. “May mắn là chúng ta có khả năng linh hoạt và thích nghi với hoàn cảnh thay đổi ngay lập tức, điều này đã được chứng minh trong thời kỳ đại dịch khi hầu hết các nhân viên văn phòng phải chuyển sang làm việc từ xa chỉ sau một đêm. Các công cụ AI không thể xoay chuyển nhanh như vậy vì nó tuân theo quy tắc, khuôn mẫu đã đặt ra và cần sự can thiệp của con người để thay đổi chương trình hoạt động”, anh Hiếu giải thích.
Đưa ra quyết định hợp tình hợp lý
AI vẫn đang vật lộn với việc ra quyết định công bằng và hợp lý, nhất là liên quan đến các tình huống tiến thoái lưỡng nan. “AI có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mọi thứ bằng cách sử dụng các con số và sự kiện miễn là chúng ta đặt câu hỏi phù hợp nhưng nó không thể lập luận và đưa ra quyết định về điều gì là tốt nhất cho con người mà không có sự tham gia của con người”, anh Ngọc Hiếu phân tích.
Mặt khác, con người chúng ta có sự hiểu biết tự nhiên về đạo đức và luân lý. Chúng ta có thể cân nhắc điều gì đúng, điều gì sai và sử dụng phán đoán của mình để đưa ra quyết định thấu tình đạt lý, ngay cả trong những tình huống khó khăn. Kỹ năng này rất cần thiết cho bất kỳ công việc nào liên quan đến việc đưa ra quyết định đạo đức như luật pháp, chăm sóc sức khỏe và tài chính.
Chẳng hạn, trong chăm sóc sức khỏe, bác sĩ không chỉ phải chẩn đoán tình trạng bệnh mà còn phải cân nhắc đến tâm lý và hoàn cảnh của bệnh nhân khi thảo luận về các phương án điều trị. Những yếu tố này thường vượt ra ngoài kiến thức y khoa, đi sâu vào niềm tin cá nhân, cân nhắc và suy xét cũng như sự đồng cảm – điều mà AI còn thiếu để đưa ra phán đoán sáng suốt.
Lãnh đạo và truyền cảm hứng
Mặc dù AI có thể giúp tăng hiệu quả hoạt động, hỗ trợ các nhiệm vụ quản lý nhưng nó lại thiếu chiều sâu cảm xúc và khả năng truyền cảm hứng cho người khác để đạt được kết quả tốt nhất. Ngoài kiến thức chuyên môn, các nhà lãnh đạo còn dựa vào khả năng điều hướng những cảm xúc phức tạp của con người và đáp ứng những nhu cầu đa dạng của nhóm. Họ nuôi dưỡng môi trường tin tưởng, sáng tạo và gắn kết, thúc đẩy hiệu suất và đổi mới. “Những phẩm chất lãnh đạo lấy con người làm trung tâm này rất khó, nếu không muốn nói là AI không thể sao chép”, anh Ngọc Hiếu nhấn mạnh.
Sự đồng cảm, sáng tạo, tư duy phản biện, khả năng thích nghi, đưa ra quyết định hợp lý và lãnh đạo truyền cảm hứng chỉ là một vài ví dụ về những kỹ năng hàng đầu AI không thể thay thế. Mặc dù các kỹ năng này sẽ không thể tự động hóa nhưng điều đó không có nghĩa là công nghệ sẽ không ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn theo cách nào đó. Vì vậy, hãy luôn làm mới và phát triển các kỹ năng của mình để bản thân luôn có giá trị trong mọi môi trường làm việc nhé.
Huỳnh Trâm
Về Tác Giả
Bài Mới Nhất
Tư vấn nghề nghiệpJune 20, 2025Làm cách nào để tăng lương khi làm việc ở Nhật
Tư vấn nghề nghiệpJune 20, 2025Nên học N2 hay học nghề để đi Nhật nếu muốn định cư lâu dài?
Tư vấn nghề nghiệpJune 20, 2025Học N3 có thể đi Nhật làm được không? Top ngành nghề phù hợp nhất
Tư vấn nghề nghiệpJune 20, 2025Học gì để tăng cơ hội từ kinh nghiệm xin việc trái ngành tại Nhật