Bạn biết mình làm việc chăm chỉ, có giá trị, đầy hứa hẹn và tài năng. Tuy nhiên, bạn cảm thấy mình vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của bản thân. Điều gì đã dẫn đến tình trạng này? Theo các chuyên gia nhân sự, bất kể bạn có năng lực đến đâu thì vẫn có một số yếu tố nhất định cản trở tiềm năng phát triển của bạn. Dưới đây là 5 trong số những lý do phổ biến nhất khiến mọi người, trong đó có bạn, không phát huy được hết tiềm năng trong công việc, hãy cùng tham khảo nhé.
Bạn đang tự mãn
Có lẽ bạn đã đảm nhận cùng một vị trí trong công ty khá lâu và mặc dù có thể đã có những thay đổi về người quản lý cũng như các chính sách, nhưng trách nhiệm của bạn vẫn như vậy. Bạn đã đạt đến khả năng có thể thực hiện các công việc một cách dễ dàng và cảm thấy thoải mái về điều đó. Nhưng có lẽ bạn đã quá hài lòng dẫn đến tự mãn và điều đó ngăn cản bạn học các kỹ năng mới để tiến lên trong sự nghiệp. Bạn ngừng tìm kiếm các cơ hội và trách nhiệm mới – những điều sẽ giúp bạn phát huy hết tiềm năng vốn có. Để khắc phục, hãy tạo ít nhất một mục tiêu cho mỗi quý và giữ cho mình có trách nhiệm tập trung vào việc đạt được các mục tiêu đó.
Bạn không tin vào chính mình
Nếu bạn không tin rằng bạn có tài năng và khả năng để đạt được nhiều thành công hơn trong sự nghiệp thì chắc chắn bạn sẽ không có động lực để tiến về phía trước. Mặc dù sự thiếu tự tin có thể bị ảnh hưởng phần nào bởi các yếu tố bên ngoài nhưng nhiều khả năng nó bắt nguồn từ tâm trí của bạn. Kết quả là, bạn đưa ra các giả định tiêu cực về tương lai và khả năng đạt được mục tiêu của mình, chính điều này phá hoại sự thành công của bạn.
Khắc phục điều này không phải là điều quá khó khăn. Một trong những cách hiệu quả là tạo một quyển sổ tay thành công, mỗi ngày hãy ghi vào đó ít nhất một thành tích và xem lại vào cuối tuần. Hãy tự hỏi mình “Điều này nói gì về tôi?”. Nếu thực hiện thường xuyên, bạn sẽ nhận thấy các tài năng của mình và xây dựng được sự tự tin để duy trì khát vọng trong bạn.
Bạn mong đợi sự hoàn hảo
Nhiều người trong chúng ta cố gắng để trở nên hoàn hảo và điều này không chỉ làm gia tăng sự lo lắng và căng thẳng, mà còn là nỗi sợ thất bại. Nếu bạn tin rằng mình cần phải hoàn hảo mọi lúc mọi nơi, bạn sẽ ít có cơ hội đương đầu với thách thức và bạn đang từ chối cơ hội để học hỏi từ những sai lầm. Chắc chắn, điều này sẽ không giúp ích cho việc phát huy tiềm năng của bạn. Do đó, hãy thay đổi cách nhìn về các tình huống mà bạn cho là thất bại và viết ra những bài học mà bạn đã học hỏi được từ chúng.
Thiếu kiên nhẫn
Khi bạn thiếu kiên nhẫn trong tiến trình của mình, bạn sẽ dễ dàng đưa ra hàng trăm cái cớ để từ bỏ. Cảm thấy thất vọng khi kết quả không như ý dù đã nỗ lực rất nhiều là điều hoàn toàn tự nhiên. Thế nhưng thành công không chỉ đến sau một đêm và để đạt được tiềm năng của bạn có nghĩa là phải “lăn xả” và kiên trì. Vậy nên, hãy tận tâm với công việc và điều chỉnh thái độ của bạn để đạt được kết quả mong muốn.
Bạn không phù hợp với công ty
Nếu bạn cảm thấy khó hòa nhập vào môi trường công ty thì điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng phát huy tiềm năng của bạn. Thực tế, phù hợp là một yếu tố cực kỳ quan trọng khi nói đến việc đo lường mức độ hạnh phúc và sự hài lòng của bạn trong công việc cũng như cơ hội để thành công về lâu dài. Không phải tất cả các nền văn hóa doanh nghiệp đều như nhau và tìm được một công ty có sứ mệnh, định vị thương hiệu phù hợp đồng thời quan tâm đến việc nuôi dưỡng và phát triển nhân viên có thể tạo ra sự khác biệt giữa một công việc mang lại điều tốt nhất cho bạn và một công việc chỉ đơn giản là mang đến một mức lương ổn định. Nếu bạn cảm thấy không có sự phù hợp cơ bản giữa bạn và môi trường làm việc, có lẽ bạn nên dành thời gian để cân nhắc và xem liệu rằng có bất cứ hy vọng nào để giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả hay không.
Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống. Vì vậy, bất cứ ai cũng sẽ muốn sống hết mình bằng cách tận dụng tối đa những khả năng có được. Phát huy tiềm năng của bạn là điều không dễ dàng nhưng với việc nhận biết được các rào cản, bạn có thể bắt đầu thực hiện điều đó một cách thuận lợi nhất có thể.
Ngân Linh