Giống như biết bao người ngoài xã hội, người tìm việc làm cũng “có this có that”, có người nhà tuyển dụng vừa đọc email đã thấy “yêu”, có người lại khiến họ chỉ muốn lập tức bỏ chạy, cầu mong đừng bao giờ nên duyên tao ngộ.
Những kiểu ứng viên mang sức mạnh “hủy diệt” đó là ai mà khiến nhà tuyển dụng vừa gặp đã muốn “xanh lá – xa lánh”? Bạn có phải là một trong số đó không?
Những kiểu người tìm việc làm khiến nhà tuyển dụng ngán ngẩm
“Hỏi thăm 80 lần chưa thấy gửi CV”
Đó là lời cảm thán của Thùy Minh, Nhân viên Nhân sự về những sự cố khi tiếp xúc với ứng viên. Cô chia sẻ: “Không thể phủ nhận rằng có những nhà tuyển dụng “tánh kỳ” nhưng cũng không ít ứng viên có cái nết rất ngộ. Tìm việc làm mà cứ như thể đi check giá dạo, hễ thấy đăng tin tuyển dụng là chắc cú sẽ inbox hỏi thăm đủ thứ trên trời dưới đất, hại HR tụi mình mắt sáng như bắt được vàng, tưởng đâu tìm được ứng viên tiềm năng, hăng hái trả lời 7749 câu hỏi vì sao để rồi ứng viên “đã seen” và chẳng thấy gửi CV dù chỉ một lần.
Nếu chỉ hỏi thăm đôi ba lần rồi im lặng vì cảm thấy không phù hợp đã đành, đằng này 10 cái tin tuyển dụng đăng lên thì inbox xin tư vấn hết 9 tin. Thử hỏi có ai đủ kiên nhẫn và thánh thiện để tiếp tục phản hồi và hân hoan chào đón những ứng viên như vậy nữa?”
“Với lối ứng xử chuyên nghiệp và để lại ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, họ có thể vẫn quan tâm đến bạn và giữ bạn lại để tham khảo trong tương lai.”
“Gửi email xin việc nhưng chỉ có file đính kèm còn thư đâu chẳng thấy”
Những người tìm việc làm tiến xa hơn một bước đến vòng gửi CV thì đôi lúc lại phát sinh vấn đề về khiếm khuyết kỹ năng mềm làm HR cũng chưng hửng, lạc lõng giữa dòng đời.
Sau khi mở email ứng tuyển, Thanh Tú – Chuyên viên tuyển dụng không khỏi thắc mắc: “Ủa em? CV đây rồi nhưng dòng thư em đâu? Sao chẳng buồn thưa gửi ai và kiệm lời đến mức chẳng thiết tha nhắn gửi dù chỉ một lời?”
Thanh Tú tâm sự: “Chẳng phải mình khắt khe nhưng hẳn nhiên sẽ rất khó chịu và cũng chẳng muốn dành thời gian để phản hồi email hay trao cơ hội cho ứng viên hời hợt như vậy. Việc gửi đi một email chỉ có file đính kèm mà không có đôi lời nhắn gửi sẽ chứng minh 3 điều: 1 là kỹ năng của ứng viên hẵng còn non xanh, 2 là khả năng ứng xử của họ rất tệ, 3 là họ không thực sự trân trọng công việc này mà chỉ gửi CV như phát tờ rơi”.
Lời chào cao hơn mâm cỗ, hãy dành chút thời gian tham khảo các mẫu email xin việc chuyên nghiệp. Có thể là bạn sẽ viết không hay, văn chương không lai láng nhưng việc đảm bảo có đủ lời chào, lí do bạn ứng tuyển cùng với ưu thế nổi bật của bạn và kết thúc bằng một lời “Cảm ơn” hoặc “Trân trọng” cũng đủ khiến nhà tuyển dụng có thiện cảm hơn.
“Đồng ý tham gia phỏng vấn rồi Thuê bao quý khách vừa gọi… khi cận giờ hẹn”
Trâm Anh, Chuyên viên nhân sự đã lên lịch phỏng vấn trực tiếp với 5 ứng viên trong buổi sáng nhưng đoán xem, không một ai xuất hiện hay có một lời báo trước, gọi lại thì “ò í e” dù mới hôm qua đây họ có vẻ rất hào hứng và thích thú. “Đó thực sự là ác mộng. Mình không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tiếc khoảng thời gian bỏ ra đọc hồ sơ, phỏng vấn qua điện thoại thì ít mà ái ngại với sếp thì nhiều. Ngày hôm đó sếp đã bỏ ra hơn 30 phút ngồi chờ nhưng chỉ nhận về con số 0 tròn trĩnh”, Trâm Anh kể lại.
Để được mời phỏng vấn trực tiếp tại công ty, người tìm việc làm phải trải qua một quá trình dài chuẩn bị hồ sơ và phỏng vấn qua điện thoại. Nói chung là đã đi quãng đường khá xa vào thời điểm được mời vào văn phòng để phỏng vấn. Ấy thế mà có người xác nhận tham gia rồi bỗng bặt vô âm tín cứ như thể bốc hơi khỏi trần gian: “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được hoặc ngoài vùng phủ sóng, xin quý khách vui lòng gọi lại sau”.
“Nhiều bạn nghĩ rằng nếu mình không đến thì vẫn còn nhiều ứng viên khác và chuyện ứng viên không đến phỏng vấn là điều bình thường như cân đường hộp sữa. Nhưng thực tế, hành động tưởng chừng vô hại đó của bạn có thể khiến HR phải giải trình trước lãnh đạo vì lãng phí thời gian và ảnh hưởng đến những lịch trình khác của sếp.
Không ai ép bạn phải đến buổi phỏng vấn nhưng khi đã đổi ý thì hãy báo trước cho HR một lời và đương nhiên, đừng báo quá cận giờ. Việc thông báo chỉ mất một vài phút nhưng có ý nghĩa rất lớn đối với những nhà tuyển dụng bận rộn và cả bạn nữa. Bằng cách này, bạn sẽ không phá vỡ mối quan hệ với họ. Có thể công việc của bạn không thành công và bạn muốn có một cơ hội khác tại công ty thì sao? Bạn cần họ nhớ đến bạn vì thái độ lịch sự chứ không phải vì bạn không đến phỏng vấn theo lịch trình” – Trâm Anh chia sẻ.
Nhận offer rồi “chim cút” ngay trước thềm ngày làm việc đầu tiên
Chúng ta luôn có quyền nói Không trước những thứ không phù hợp với bản thân. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta từ chối như thế nào?
Khi bạn nhận offer từ HR có nghĩa bạn đã xác nhận sẽ nhận việc tại công ty và dù ít hay nhiều, công ty sẽ phải chuẩn bị một số thứ (máy móc, thiết bị, thậm chí là quà chào mừng) trước khi bạn chính thức đi làm. Vì lẽ đó, hành động “chim cút” ngay trước thềm ngày làm việc đầu tiên mà không lời giải thích là hành động vô cùng thiếu văn minh và thiếu tôn trọng khiến lòng người sôi sục.
“Những ai làm nhân sự mới thấm thía câu 30 chưa phải là Tết. Chưa kịp vui vì ứng viên đồng ý offer thì đến ngày hẹn đi làm lại chẳng thấy tăm hơi. Rơi vào hoàn cảnh trớ trêu này rồi mới thấy buồn bã, chán nản đến mức chẳng còn bực bội nữa vì biết có gào lên cũng chẳng giải quyết được gì. Thế là lại lẳng lặng xin thêm chi phí tuyển dụng với gương mặt lấm la lấm lét. Rất hiển nhiên, ứng viên đó cũng sẽ được liệt vào blacklist của công ty. Một lần đã quá đủ rồi” – Hoàng Lam, HR Senior bày tỏ.
Mối quan hệ giữa người tìm việc làm và nhà tuyển dụng là một mối quan hệ hai chiều. Bạn chọn nhà tuyển dụng và nhà tuyển dụng cũng đang lựa chọn bạn. Đừng để chiến tích bùng kèo trở thành thương hiệu của bạn, sẽ chẳng ai bênh vực bạn đâu dù chỉ nửa lời mà hãy luôn cư xử đúng mực, thể hiện mình là một người văn minh để luôn được nhà tuyển dụng dang tay chào đón.
Trang Đoàn