8 điều nên “nằm lòng” khi viết thư xin việc

Mục tiêu cuối cùng khi nộp hồ sơ ứng tuyển là lời mời làm việc, nhưng trước đó bạn phải nhận được lời mời tham gia phỏng vấn giữa vô số các ứng viên khác. Viết thư xin việc thu hút là một cách giúp bạn trở nên nổi bật và nhận được cơ hội đó. Để được đánh giá là ứng viên hàng đầu, thư xin việc cần làm nổi bật mối liên hệ giữa các kỹ năng và kinh nghiệm của bạn với các đặc điểm được mô tả về một ứng viên lý tưởng.

Dưới đây là 8 điều bạn nên ghi nhớ trước khi viết lá thư xin việc tiếp theo, hãy cùng tham khảo nhé.

Cập nhật cho mỗi công việc mới

Viết một lá thư xin việc cho từng công việc ứng tuyển nghe có vẻ sẽ mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, đây là cách tốt nhất để trở nên nổi bật. Nếu bạn sử dụng một lá thư xin việc chung chung cho tất cả các công việc, đồng nghĩa rằng bạn đang tạo ra sự nhàm chán vì không làm nổi bật tính cách cá nhân. Điều này cũng cho thấy sự thiếu kết nối và không nhiệt tình với công việc cụ thể mà bạn ứng tuyển. Kết quả là bạn sẽ không thu hút được bất cứ nhà tuyển dụng nào. 

Mở đầu hấp dẫn

Ấn tượng ban đầu luôn quan trọng và điều đó đúng với thư xin việc. Dòng đầu tiên phải mạnh mẽ, đi thẳng vào vấn đề và khiến nhà tuyển dụng muốn đọc thêm để tìm hiểu về bạn. Có nhiều ứng viên mắc sai lầm khi lãng phí dòng đầu tiên quý giá này vào các thông tin chung chung, chẳng hạn như cách họ tìm thấy tin đăng công việc. Thực tế là nhà tuyển dụng có thể không quan tâm đến cách bạn tìm được tin tuyển dụng mà họ muốn biết bạn là ai và giá trị nào bạn có thể mang lại cho công ty của họ.

“Đào sâu” hơn CV

Thư xin việc của bạn không nên chỉ viết lại cùng một thông tin có thể tìm thấy trong CV. Cụ thể, bạn không cần phải liệt kê danh sách các công ty đã làm việc trước đây hoặc giải thích nơi nhận được các bằng cấp. Nếu nhà tuyển dụng muốn biết các thông tin đó, họ sẽ tìm đến CV của bạn. Thư xin việc là cơ hội để thể hiện một chút cá tính riêng và kinh nghiệm nổi trội của bạn. Do vậy, hãy chia sẻ về việc công ty ứng tuyển đã truyền cảm hứng cho bạn như thế nào hoặc lý do tại sao bạn nghĩ rằng bạn là người phù hợp.

Điều này sẽ giúp tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng hơn là một lá thư lặp đi lặp lại các thông tin trong CV một cách buồn tẻ.

Giới thiệu bản thân như một giải pháp

Bất cứ công ty nào cũng đều có lí do để tuyển dụng, có thể họ có một vị trí còn trống hoặc đang thiếu một vài kỹ năng quan trọng. Hãy chỉ ra vấn đề của họ là gì (bạn có thể tham khảo mô tả công việc để tìm ra manh mối) và trình bày bản thân có thể giúp họ giải quyết vấn đề đó. Đừng ngại nói rằng “Tôi nhận thấy công ty có vấn đề về X và tôi có một số biện pháp để giải quyết”.

Bằng cách này bạn có thể cho thấy mình là người có nhận thức, có hoài bão và là một chuyên gia về lĩnh vực ứng tuyển.

Đừng chỉ liệt kê các kỹ năng, phẩm chất

Đừng lãng phí không gian quý giá trên thư xin việc của bạn bằng việc liệt kê ra một danh sách dài các phẩm chất, kỹ năng mà bạn sở hữu. Nếu bạn mô tả bản thân là người nhiệt tình, chăm chỉ, nhà tuyển dụng có lẽ sẽ hoài nghi, bởi những người có năng lực thực sự thường sẽ không nói trực tiếp mình tuyệt vời thế nào.

Thay vào đó, hãy chia sẻ các thành tựu đạt được từ các phẩm chất này. Chúng sẽ có sức thuyết phục và đáng tin hơn.

Bao gồm các con số ấn tượng

Các con số không biết nói dối. Nếu bạn có các số liệu hỗ trợ cho thành tích của mình, bạn sẽ trở thành ứng viên “nặng ký”. Các nhà tuyển dụng yêu thích sự cụ thể và chi tiết. Do đó, đừng quên chia sẻ các con số ấn tượng.

Giọng văn cởi mở, chân thành

Các nhà tuyển dụng không phải là những robot vô cảm chỉ tuyển dụng dựa trên việc bạn có bằng cấp hay không mà họ còn tìm kiếm sự phù hợp về văn hóa giữa bạn và công ty. Thư xin việc của bạn là cơ hội để thể hiện khía cạnh này. Nếu giọng văn của bạn buồn tẻ hoặc rập khuôn, bạn có thể không tạo được ấn tượng ngay cả khi trình độ của bạn phù hợp.

Kết thúc với lời kêu gọi hành động

Bao gồm một lời kêu gọi hành động khi kết thúc thư xin việc là cách để chứng minh rằng bạn nghiêm túc với các bước tiếp theo trong quá trình ứng tuyển. Tuy nhiên, đừng tỏ ra như mình đang yêu cầu một cuộc phỏng vấn.

Thay vào đó, hãy thể hiện một cách nhẹ nhàng về sự quan tâm của bạn, chẳng hạn “Cảm ơn anh/ chị vì đã dành thời gian để xem qua thư xin việc cũng như CV của tôi và nếu có bất kỳ câu hỏi nào, hãy vui lòng cho tôi biết. Tôi mong sớm nhận được hồi âm từ anh/chị, vui lòng liên hệ với tôi qua điện thoại hoặc email.”

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công