Quản trị tuyển dụng là gì? Nhiệm vụ của quản trị tuyển dụng

Có thể bạn đã biết về tuyển dụng, đó là quá trình vô cùng quan trọng đối với hầu hết các doanh nghiệp. Nhưng bạn đã biết quản trị tuyển dụng là gì hay chưa? Cùng tìm hiểu khái niệm này qua nội dung sau đây của CareerLink nhé.

Quản trị tuyển dụng là gì? Nhiệm vụ của quản trị tuyển dụng

Quản trị tuyển dụng là gì?

“Quản trị tuyển dụng là yếu tố liên quan đến việc quản lý, điều hành việc tuyển dụng nhân sự trong một doanh nghiệp.”

Tùy theo nhu cầu của công ty mà mỗi trưởng phòng hoặc giám đốc nhân sự có cách quản trị tuyển dụng khác nhau nhằm mang lại lợi ích tốt nhất.

Đối với hầu hết các doanh nghiệp, tuyển dụng là yếu tố luôn được đánh giá cao. Tuyển dụng được nguồn nhân sự chất lượng sẽ giúp công ty đạt được năng suất cao, mang lại doanh thu lớn và phát triển ngày càng bền vững.

Quản trị tuyển dụng được thiết kế nhằm giúp cho quá trình tuyển dụng đạt được hiệu quả cao. Người quản trị nhân sự cần có nhiều kỹ năng để cùng một lúc có thể tuyển dụng hàng trăm nhân viên cho hàng loạt các phòng ban khác nhau nhưng vẫn đảm bảo ứng viên có chất lượng cao.

Các nhiệm vụ của vị trí quản trị tuyển dụng

Tiếp nhận yêu cầu tuyển thêm nhân sự từ các phòng ban

Khi có nhu cầu về nhân sự mới, các phòng ban sẽ liên hệ đến phòng nhân sự, cụ thể là người quản lý tuyển dụng để được đáp ứng nhu cầu.

Trình lãnh đạo phê duyệt yêu cầu tuyển dụng

Khi nhận được yêu cầu từ các phòng ban, phòng nhân sự sẽ xin chỉ thị của các cấp lãnh đạo về việc có nên lên kế hoạch tuyển dụng thêm nhân sự hay không.

Viết tin đăng tuyển dụng

Đây là điều mà nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nếu nhắc đến nhiệm vụ của quản trị tuyển dụng là gì. Nếu được phê duyệt, phòng nhân sự sẽ soạn thảo tin đăng tuyển với đầy đủ thông tin về chức danh, mô tả công việc, yêu cầu… và gửi tin đăng này đến các trang việc làm tuyển dụng để có thể tiếp cận nhiều ứng viên hơn.

Tiếp nhận hồ sơ từ ứng viên

Tùy theo thông tin được mô tả trong tin đăng tuyển, phòng nhân sự có thể nhận hồ sơ từ ứng viên trực tiếp tại văn phòng, hay qua email hoặc từ hệ thống lưu trữ của các trang tuyển dụng. Sau đó tổng kết hồ sơ và sàng lọc nhằm loại bỏ bớt các ứng viên chưa đáp ứng được yêu cầu.

Chuyển danh sách ứng viên sang phòng ban có nhu cầu tuyển dụng

Người quản trị tuyển dụng sẽ sàng lọc danh sách ứng viên chất lượng và gửi cho các trưởng phòng của phòng ban cần bổ sung nhân lực xem qua lần nữa.

Điều này là vì trưởng phòng là người hiểu rõ nhất yêu cầu công việc và các kỹ năng cần có ở ứng viên.

Lên lịch hẹn phỏng vấn

Từ danh sách ứng viên đã được chọn ra, phòng nhân sự sẽ lên lịch phỏng vấn phù hợp cho người phỏng vấn lẫn ứng viên. Thông thường, lịch phỏng vấn sẽ được gửi qua email. Người quản trị tuyển dụng có thể phỏng vấn sàng lọc một lần nữa qua điện thoại trước khi phỏng vấn trực tiếp.

Báo cáo về kết quả phỏng vấn

Sau khi quá trình phỏng vấn tất cả các ứng viên được hoàn tất, người quản trị sẽ báo cáo kết quả cho cấp trên để họ cùng các trưởng phỏng trực tiếp bàn bạc và ra quyết định về việc tuyển chọn ai.

Gửi thư mời làm việc cho ứng viên và sắp xếp thời gian nhận việc

Bước tiếp theo là gửi kết quả đến cho ứng viên trúng tuyển cùng với thư mời làm việc chính thức sau khi đã thỏa thuận hết tất cả các vấn đề liên quan.

Đánh giá nhân viên sau thời gian thử việc

Tuyển dụng xong không phải là công việc của nhà quản trị đã kết thúc. Họ còn phải theo dõi kết quả báo cáo thử việc từ giám sát trực tiếp.

Nếu sau quá trình thử việc, ứng viên được chọn không đáp ứng được yêu cầu thì quản lý tuyển dụng phải đổi ứng viên mới phù hợp hơn với mong muốn và khả năng gắn bó lâu dài.

Báo cáo ban lãnh đạo, hoàn tất tuyển dụng

Nếu ứng viên vượt qua được thời gian thử việc và phù hợp với văn hóa công ty thì người quản trị tuyển dụng sẽ báo cáo lên lãnh đạo và tiến hành ký kết hợp đồng chính thức.

Ứng dụng công nghệ vào quản trị tuyển dụng

Để giúp cho công việc quản trị tuyển dụng hiệu quả, các doanh nghiệp hiện nay đều có xu hướng sử dụng các phần mềm tuyển dụng. Với các phần mềm này, các giai đoạn trong quản trị tuyển dụng đều được tự động hóa từ việc tạo mẫu CV riêng, sàng lọc ứng viên theo các tiêu chí xác định, đánh giá mức độ phù hợp của ứng viên cũng như đánh giá hiệu quả của từng kênh tuyển dụng. Các phần mềm này cũng hỗ trợ phỏng vấn ứng viên từ xa hoặc khi người phỏng vấn bận đi công tác.

Với các chức năng này, công việc của người quản trị tuyển dụng trở nên dễ dàng hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian để tập trung vào chất lượng ứng viên, nhờ vậy mà doanh nghiệp tuyển dụng được lực lượng lao động phù hợp dẫn đến hoạt động kinh doanh được cải thiện đáng kể.

Như vậy là chúng ta vừa tìm hiểu xong khái niệm quản trị tuyển dụng là gì cùng các vấn đề liên quan. Hãy truy cập vào CareerLink để tìm hiểu các thuật ngữ khác cùng các vị trí tuyển dụng trong lĩnh vực nhân sự và nhiều ngành nghề khác nhé.

Huỳnh Trâm

Về Tác Giả

CareerLink

Sao chép thành công