Mục Lục
Quản lý nói chung và quản lý trong công việc nói riêng chưa bao giờ là điều dễ dàng, bởi lẽ 1 quyết định của người lãnh đạo dù đúng hay sai đều sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến cả tập thể lẫn cá nhân người ra quyết định. Khi đó, kỹ năng ra quyết định của người quản lý sẽ đóng vai trò then chốt đến thành công hay thất bại của tổ chức. Tất nhiên là những kỹ năng này sẽ được hình thành trong quá trình làm việc, tích lũy kinh nghiệm, và không ai là hoàn toàn giống với ai cả. Đã có rất nhiều những lời khuyên được đưa ra để nâng cao kỹ năng ra quyết định cho người quản lý, tuy nhiên sẽ không có một “con đường chung” dành cho tất cả mọi người. 5 lời khuyên dưới đây cũng không là ngoại lệ, chúng chỉ mang tính chất tham khảo và không phải lúc nào cũng đúng trong mọi trường hợp.
1. Mục tiêu của bạn là gì?
Trả lời được câu hỏi này thì gần như bạn đã có được câu trả lời cho tình huống cần ra quyết định của mình. Khi tham gia vào một công việc nào đó, dù là dưới hình thức tập thể hay cá nhân, việc xác định và duy trì mục tiêu là cực kì quan trọng. Hãy để mục tiêu ban đầu định hướng cho quá trình ra quyết định của bạn. Tuy nhiên, cần lưu ý là nếu là quyết định cho một tập thể, thì mục tiêu phải là mục tiêu của nhóm chứ không phải của cá nhân.
2. Cân nhắc “được và mất”
Kỹ năng ra quyết định thật ra là quá trình bạn cân nhắc những lợi ích và thiệt hại, đặt chúng lên bàn cân và… xem kết quả. Tuy nhiên, điều này chưa bao giờ là dễ dàng. Làm sao có thể xác định chính xác “được và mất” khi mà có rất nhiều điều có thể sẽ xảy ra mà bạn không thể tiên liệu trước được? Chính vì vậy mà quá trình cân nhắc thật ra chỉ mang tính chất tương đối dựa trên những dự đoán và cách nghĩ của bạn về vấn đề mà thôi. Điều lưu ý là để có thể chắc chắn mình không “quên” điều nào cả, hãy viết tất cả ra giấy và đọc lại nhiều lần!
3. Thao khảo ý kiến chuyên gia
Việc làm này là để tránh cái nhìn chủ quan, phiến diện từ một phía của người ra quyết định, đặc biệt là với những quyết định có tầm ảnh hưởng đến nhiều người và có “giá trị vật chất” lớn. Những ý kiến của người có chuyên môn trong lĩnh vực thật sự rất hữu ích và sẽ là nguồn tham khảo quý giá để tránh những sai lầm đáng tiếc do “thiếu hiểu biết” về sau. Điều lưu ý với việc làm này là nên cân nhắc chọn những “chuyên gia” thật sự đáng tin tưởng và có quan điểm khách quan nhất.
4. Lắng nghe và tôn trọng ý kiến những nguời có liên quan
Kỹ năng này là vô cùng cần thiết, vì xét cho cùng, một quyết định của người quản lý được đưa ra sẽ có ảnh hưởng không chỉ đến cá nhân nguời đó. Lợi ích là của tập thể nên những bên liên quan có quyền và nghĩa vụ đóng góp ý kiến và nên có tác động trực tiếp đến quyết định đó. Lắng nghe thể hiện sự tôn trọng đối với các thành viên trong nhóm, cũng như để nhận lại sự ủng hộ của họ, cho dù quyết định là đúng hay sai.
5. Dứt khoát, hãy là người quản lý!
Điều này thật sự rất quan trọng trong những kỹ năng ra quyết định. Như đã nói ở trên, bạn cần phải tham khảo, phải lắng nghe trong quá trình suy nghĩ, cân nhắc. Tuy nhiên, khi ra quyết định, hãy thật dứt khoát. Suy cho cùng, thì chính bạn mới là người trực tiếp nhất chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Và, suy cho cùng, thì bạn mới chính là người quản lý!
Lê Hoài Phương – CareerLink.vn