Mục Lục
Trong ngành công nghiệp hiện đại, hệ thống HSE ngày càng khẳng định được tầm quan trọng của mình. Tuy nhiên, tại Việt Nam nhiều người và nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hiểu rõ cũng như nghiêm túc thực hiện và tuân thủ hệ thống này, dẫn đến những sự cố, tai nạn lao động vô cùng đáng tiếc. Vậy, bộ phận HSE là gì? Hãy cùng khám phá chi tiết trong bài viết hôm nay nhé.
HSE là gì? HSE là viết tắt của từ gì?
“HSE là từ viết tắt của Health – Safety – Environment, tương đương với Sức khỏe – An toàn – Môi trường là bộ phận chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động và bảo vệ môi trường.”
Sự ra đời của HSE xuất phát từ những sai lầm trong quá khứ khi người lao động làm việc trong các ngành công nghiệp sản xuất. Họ thường phải đối mặt với những rủi ro và tai nạn do máy móc gây ra. Điều này khiến chính phủ buộc phải can thiệp và đưa ra các luật yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, HSE còn có mục tiêu quan trọng là bảo vệ người lao động và môi trường sống khỏi các rủi ro, hậu quả có thể xảy ra trong quá trình sản xuất và làm việc.
Hệ thống quản lý HSE bao gồm các quy trình và thủ tục để xác định và giảm nguy cơ trong môi trường làm việc. Nó cũng đào tạo nhân viên trong việc phòng ngừa tai nạn, ứng phó với chúng và nắm vững các phương pháp làm việc một cách an toàn.
Trong các công ty lớn, HSE thường được chia thành các chức năng và nhiệm vụ riêng biệt. Tên gọi cũng có thể khác nhau, ví như: HES, SHE, EHS, QHSE. Chữ cái đầu tiên thường thể hiện công việc chính của nhân viên trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của HSE vẫn là đảm bảo an toàn, sức khỏe và môi trường trong quá trình làm việc cho người lao động.
Các thành phần cấu thành nên hệ thống HSE
Chính sách HSE
Đây là tài liệu quan trọng để xác định cam kết của doanh nghiệp đối với an toàn, sức khỏe và môi trường làm việc. Chính sách này đặt ra các mục tiêu và tiêu chuẩn mà một doanh nghiệp cam kết tuân thủ.
Đánh giá rủi ro
HSE bao gồm việc đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn và những rủi ro có thể xảy ra cho người lao động và môi trường làm việc. Bằng cách xác định những rủi ro này, doanh nghiệp có thể đưa ra các biện pháp kiểm soát để giảm thiểu chúng.
Quản lý các biện pháp kiểm soát rủi ro
HSE đòi hỏi doanh nghiệp xây dựng và thực hiện các biện pháp để kiểm soát những rủi ro đã được xác định, đảm bảo môi trường làm việc lành mạnh và an toàn.
Thực thi quy trình và giám sát hiệu quả
Một phần quan trọng của HSE là giám sát việc thực hiện các quy trình và biện pháp kiểm soát rủi ro đã được xây dựng. Điều này đảm bảo rằng hệ thống quản lý HSE trong mỗi doanh nghiệp luôn hoạt động hiệu quả.
Đào tạo và nâng cao nhận thức
Song song với việc triển khai tực hiện theo quy định, HSE còn đòi hỏi quá trình đào tạo và giáo dục nhận thức nhằm đảm bảo người lao động hiểu và tuân thủ các quy định, chính sách liên quan đến an toàn, sức khỏe và môi trường. Đây chính là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của HSE trong một doanh nghiệp.
Trách nhiệm của nhân viên HSE
Nhân viên HSE là gì? Họ là người giám sát an toàn, sức khỏe và môi trường lao động trong một doanh nghiệp, là người chịu trách nhiệm đảm bảo việc tuân thủ các quy định và chương trình về an toàn lao động. Nhân viên HSE thường xuất hiện trong các doanh nghiệm sản xuất với những nhiệm vụ cụ thể như sau:
Tuân thủ quy định
Nhân viên HSE phải tuân thủ tất cả các quy định và quy chuẩn về an toàn lao động và bảo vệ môi trường. Điều này bao gồm những quy định của nội bộ doanh nghiệp, quy định từ các cơ quan như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng như các quy chuẩn quốc tế.
Đánh giá rủi ro
Nhân viên HSE phải đánh giá những rủi ro tiềm ẩn trong môi trường làm việc bao gồm xác định các nguy cơ có thể gây thương tích cho nhân viên và nguy cơ đối với môi trường.
Xác định biện pháp kiểm soát rủi ro
Nhân viên HSE cần phát triển và thực hiện các biện pháp kiểm soát rủi ro để giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Điều đó có nghĩa họ cần đảm bảo rằng những nguy cơ đã xác định được kiểm soát một cách hiệu quả.
Giám sát hoạt động sản xuất
Nhân viên HSE phải thường xuyên giám sát môi trường làm việc để đảm bảo rằng các biện pháp kiểm soát đang được thực hiện đúng cách và an toàn.
Quản lý sự cố lao động
Nhân viên HSE phải trực tiếp xử lý và giải quyết các sự cố lao động trong doanh nghiệp. Việc này bao gồm việc cấp cứu, báo cáo và phân tích nguyên nhân để tránh những sự cố tương tự xảy ra trong tương lai.
Đào tạo và nâng cao nhận thức
Việc đào tạo và nâng cao nhận thức cho nhân viên về an toàn lao động và bảo vệ môi trường cũng là một trong những nhiệm vụ của nhân viên HSE. Bao gồm việc tổ chức các khóa đào tạo và làm việc với nhân viên để đảm bảo họ hiểu và tuân thủ các quy định đề ra.
Báo cáo và đánh giá
Nhân viên HSE phải báo cáo về tình hình an toàn lao động và bảo vệ môi trường cho cấp quản lý cao hơn và chính phủ (nếu cần). Báo cáo này góp phần cải thiện các biện pháp an toàn và giảm thiểu rủi ro trong doanh nghiệp.
Ví dụ: nhân viên HSE trong một nhà máy sản xuất phải thường xuyên kiểm tra các máy móc và thiết bị để đảm bảo chúng đang hoạt động an toàn và không gây hại cho môi trường. Nếu phát hiện sự cố hoặc lỗi trong quá trình sản xuất, họ phải tức thì thực hiện biện pháp để khắc phục hậu quả, báo cáo cho cấp trên và đào tạo nhân viên về cách phòng tránh tình huống tương tự. Chuỗi hoạt động này giúp nhân viên HSE đảm bảo quá trình sản xuất diễn ra an toàn và bảo vệ môi trường.
Các kỹ năng cần thiết đối với nhân viên HSE là gì?
Để thực sự phát huy hiệu quả trong vai trò của mình, các nhân viên HSE phải sở hữu một loạt các kỹ năng đa dạng bên cạnh kiến thức chuyên môn.
Năng lực đánh giá rủi ro
Khả năng tiến hành đánh giá rủi ro toàn diện là nền tảng cần thiết cho vai trò HSE. Họ phải thành thạo trong việc xác định các mối nguy tiềm ẩn, đánh giá rủi ro và thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả để giảm thiếu tai nạn ở nơi làm việc.
Hiểu biết sâu sắc về các quy định an toàn
Các nhân viên HSE phải cập nhật các quy định an toàn cụ thể của địa phương, quốc gia và ngành nghề. Sự hiểu biết về các quy định này đảm bảo rằng nơi làm việc tuân thủ tất cả các tiêu chuẩn an toàn.
Kỹ năng phân tích
Nhân viên HSE phải có óc phân tích tốt để đưa ra phán đoán, đánh giá hiệu quả an toàn và đưa ra quyết định sáng suốt.
Chú ý đến chi tiết
Chú ý đến chi tiết đảm bảo rằng không có vấn đề an toàn nào bị bỏ sót và tất cả các khía cạnh đều tuân thủ đúng quy định.
Xử lý khủng hoảng và sơ cứu
Khi có sự cố, nhân viên HSE luôn là người đầu tiên phải xử lý. Kiến thức về sơ cứu và khả năng giữ bình tĩnh trước áp lực sẽ mang đến hiệu quả trong những tình huống như vậy.
Mức lương của HSE là bao nhiêu?
Tùy vào quy mô doanh nghiệp, lĩnh vực kinh doanh và khả năng, kinh nghiệm của ứng viên, mức lương của HSE dao động từ khoảng 10 – 37 triệu đồng/tháng. Ngoài lương thì nhân viên HSE cũng có các phúc lợi khác như bảo hiểm y tế, tiền thưởng…
HSE thường có nhu cầu cao trong các lĩnh vực nào?
Các nhân viên HSE có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ các ngành công nghiệp hóa chất, bệnh viện, nhà hàng khách sạn, dịch vụ cứu hỏa cứu hộ, công nghiệp thực phẩm đến giáo dục đào tạo, xây dựng… nên bạn có thể yên tâm về khả năng tìm được công việc sau khi lấy được bằng tốt nghiệp đại học hoặc chứng chỉ HSE tại các cơ sở như Đại học công đoàn và các trung tâm đào tạo về bảo hộ lao động.
Giờ đây bạn đã hiểu HSE là gì đúng không nào? Nói tóm lại, đây là một hệ thống để bảo vệ an toàn, sức khỏe cho người lao động và môi trường. Nếu muốn tìm công việc liên quan đến HSE, hãy truy cập vào CareerLink ngay nhé.
Trang Đoàn