Mục Lục
Quá trình phỏng vấn có chút giống như một buổi hẹn hò bí mật: bạn cố gắng để trông tuyệt nhất và nhà tuyển dụng cũng vậy! Tuy nhiên, một công việc mới không tốt còn tệ hơn rất nhiều so với một ngày hẹn hò khó chịu.
Hãy lựa chọn một công ty có môi trường làm việc phù hợp với bạn. Đó là một trong những bước đầu tiên để bạn có thể phát triển kế hoạch sự nghiệp và tạo cho bản thân cơ hội được phát triển những bước tiến lâu dài.
Vậy làm thế nào để có thể tìm kiếm một môi trường làm việc phù hợp? Dưới đây là 3 câu hỏi quan trọng để giúp bạn xác định xem bạn và nhà tuyển dụng có hợp nhau hay không:
Q1: Các giá trị của bạn là gì? Bạn đang tìm kiếm điều gì ở công việc mới?
Hãy dành một chút thời gian để tìm ra những gì thực sự quan trọng với bạn. Hãy suy nghĩ về nó – những gì bạn thích và không thích ở (các) công việc trước của bạn. Điều gì quan trọng với bạn ở công việc tiếp theo? Điều gì bạn muốn tránh ở công việc tiếp theo?
Nếu bạn cần một điểm khởi đầu, hãy đánh giá lại bảng thành tích cá nhân này để xem bạn thực sự quan tâm đến điều gì, đánh dấu lại những điều phù hợp với bạn. Xem xét những điều đã chọn lần thứ hai và rút ra 5 điều – theo thứ tự. Đó chính là 5 điều xác định giá trị của bạn.
Q2: Những gì bạn có thể tìm hiểu về giá trị của nhà tuyển dụng tiềm năng từ bên ngoài?
Một khi bạn đã biết những gì bạn quan tâm đến, hãy chuyển sang công ty mà bạn muốn ứng tuyển. Họ đánh giá cao những gì? Nghiên cứu trực tuyến có thể cung cấp cho bạn thông tin tốt:
1. Bắt đầu với trang web của họ, bạn có thể lướt qua các mục như “về chúng tôi”, “sứ mệnh”, “tầm nhìn” và “giá trị”. Những điều này sẽ phần nào chỉ ra giá trị của họ, tất nhiên, có thể có một khoảng cách giữa giá trị lý thuyết và giá trị thực sự, vì vậy bạn cần phải đào sâu nghiên cứu hơn.
2. Gõ các từ khóa về công ty trên Google, như “Tôi ghét [tên công ty]” hay “[tên công ty] lừa đảo” để xem những gì mọi người phàn nàn về họ.
3. Truy cập glassdoor.com để tìm kiếm hồ sơ về công ty. Nếu có tồn tại hồ sơ, hãy kiểm tra thử – xem qua các ý kiến nhận xét của nhân viên cộng với đánh giá xếp hạng cho việc quản lý và môi trường làm việc của công ty như thế nào.
4. Bên cạnh đó, bạn có thể tìm kiếm các đánh giá trên các trang web như Yelp.com và Amazon.com. Nếu bạn tìm thấy các đánh giá về sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty đó, hãy đọc chúng để tìm hiểu xem khách hàng nghĩ gì.
Nghiên cứu trực tuyến chỉ là một phần của quá trình.
Q3: Điều gì bạn có thể tìm hiểu về người sử dụng lao động tiềm năng trong cuộc phỏng vấn?
Trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ đưa ra đánh giá về bạn, song song đó bạn cũng thật thông minh nếu có thể đánh giá ngược lại họ. Thời gian giữa bạn với nhà tuyển dụng, nhân sự và các thành viên trong nhóm chính là cơ hội để bạn tìm hiểu về họ, giá trị của họ và cả giá trị của công ty.
Dưới đây là một vài câu hỏi để giúp bạn tìm ra các giá trị của một nhà tuyển dụng tiềm năng:
Hãy hỏi nhân sự:
1. Thành tích vượt bậc mà công ty đã đạt được là gì?
2. Anh/chị có thể kể cho tôi nghe một câu chuyện về một nhân viên đã làm những điều tuyệt vời ở đây không?
Hãy hỏi các thành viên trong nhóm:
1. Bạn có thể chia sẻ về công việc của bạn ở đây không? Điều gì làm bạn tự hào nhất?
2. Bạn có bao giờ cảm thấy thất vọng khi làm việc ở đây – điều gì khiến bạn chưa hài lòng?
Hãy hỏi người quản lý:
1. Anh/chị có thể chia sẻ về một thành viên trong nhóm khiến anh/chị cực kỳ ấn tượng với hiệu suất làm việc của họ?
2. Hiện giờ, ngoài những điều mà bạn biết thì bạn muốn nhà tuyển dụng nói gì với bạn – nếu bạn ở trong tình huống giống tôi?
Đây là những loại câu hỏi sẽ giúp bạn hiểu hơn về môi trường làm việc bạn sẽ được tham gia.
Tóm lại
Dựa trên những kinh nghiệm mà tôi chia sẻ, bạn có thể bắt đầu xây dựng giá trị cá nhân của bản thân. Nếu nơi làm việc mới không hợp với bạn, bạn không nên ở lại lâu dài và bạn sẽ không thể nào thành công nếu như bạn vẫn còn làm việc ở đó. Ngoài ra, nhà tuyển dụng rất cảnh giác với những ai thường xuyên nhảy việc, vì vậy tình trạng này sẽ làm cho việc tìm kiếm công việc tiếp theo của bạn cũng trở nên khó khăn hơn một chút, bạn hãy cẩn thận giải thích lý do tại sao bạn rời khỏi công việc mới quá sớm, đặc biệt là không nên nói xấu ông chủ hiện tại.
Thu Hiền (lược dịch)